Thức ăn nhiễm khuẩn có thể khiến chúng ta bị ngộ độc, từ đó gặp phải nhiều triệu chứng khó chịu như nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, co thắt dạ dày. Không những thế, cơ thể có thể đối mặt với một số biểu hiện nghiêm trọng hơn như sốt cao, đi ngoài ra máu…
Để làm chủ được tình huống và tìm ra cách xử lý nhanh nhất, hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con theo dõi nội dung dưới đây để hiểu hơn về nguy cơ và rủi ro của thức ăn nhiễm khuẩn.
Nguyên nhân và cách nhận biết thức ăn nhiễm khuẩn
Thức ăn nhiễm khuẩn do đâu?
Theo các báo cáo khoa học, 90% nguyên nhân của những vụ ngộ độc thực phẩm đến từ các nguyên nhân như đồ ăn bị nhiễm vi khuẩn, vi rút hoặc ký sinh trùng. Thực tế, những mầm bệnh này không có gì xa lạ vì vi sinh vật luôn tồn tại một lượng nhất định trong thực phẩm.
Tuy nhiên, khi chế biến đúng cách bạn sẽ tiêu diệt được các mầm bệnh này. Do vậy, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thức ăn nhiễm khuẩn là do thực phẩm chưa được chế biến đúng cách.
Thực phẩm sẽ bị nhiễm khuẩn, vi rút hoặc bị ký sinh trùng xâm nhập nếu bạn sơ ý để xảy ra một trong những trường hợp sau:
- Thực phẩm chưa được nấu chín hẳn hoặc nấu quá kỹ ở nhiệt độ cao
- Thực phẩm không được cấp đông và bảo quản ở mức nhiệt đủ lạnh
- Thực phẩm lấy từ tủ lạnh ra nhưng không hâm nóng đúng cách
- Thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng
- Thực phẩm bị để chung với những đồ ăn đã bị ôi thiu, hư hỏng
- Thực phẩm được lấy từ những loại động, thực vật có mầm bệnh
- Trước khi ăn chưa rửa tay sạch sẽ
Các loại thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn
Ai cũng hiểu rõ mức độ nguy hại của thức ăn nhiễm khuẩn nhưng đôi khi, chúng ta lại khó phát hiện ra chúng. Hiểu được những băn khoăn của chị em nội trợ, bài viết sẽ chia sẻ một số loại thực phẩm dễ nhiễm khuẩn và gây ngộ độc.
- Thực phẩm chứa vi khuẩn Listeria không được sơ chế đúng cách: Sữa chưa tiệt trùng hoặc các chế phẩm từ sữa như phô mai mềm, dưa lưới hay thịt nguội, cá hun khói là những thực phẩm có chứa khuẩn Listeria. Thời gian để vi khuẩn này gây hại và phát triệu chứng trên cơ thể là từ 1 đến 4 tuần.
- Thực phẩm chứa Campylobacter: Thịt gà sống hoặc nấu chưa chín hẳn, sữa chưa tiệt trùng và nước bị ô nhiễm là những thực phẩm có nguy cơ chứa khuẩn này. Thời gian để cơ thể phát ra triệu chứng sau khi bị nhiễm khuẩn là 2 đến 5 ngày.
- Thực phẩm chứa Salmonella: Thịt gia cầm chế biến chưa đúng cách, trứng vẫn còn sống, rau sống có thể chứa khuẩn này. Điểm đặc biệt là nếu cơ thể bị ngộ độc, triệu chứng có thể phát ra ngay sau 6 giờ.
- Thực phẩm chứa E Coli: Loại khuẩn này có thể xuất hiện trong thịt bò sống, rau diếp, rau mầm sống và sữa chưa tiệt trùng. Thời gian cơ thể bị ngộ độc sau khi ăn là 3 đến 4 ngày.
- Thực phẩm chứa Boturism: Hầu hết thực phẩm đóng hộp như mật ong hay thịt cá được chế biến theo kiểu lên men hay ủ muối, hun khói đều tiềm ẩn nguy cơ chứa vi khuẩn này. Cha mẹ cần chú ý tuyệt đối không cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi sử dụng những thực phẩm đóng hộp để tránh rủi ro không mong muốn.
Làm sao để tránh ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn?
Thực phẩm bị nhiễm khuẩn tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe với những người bị suy giảm hệ miễn dịch, người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai. Vì thế, những đối tượng này nên hạn chế các món như sau:
- Sushi và sashimi hải sản
- Thực phẩm hun khói được bảo quản tủ lạnh
- Nước trái cây và những đồ uống lên men chưa được tiệt trùng
- Những loại phô mai được sản xuất từ sữa chưa tiệt trùng
- Trứng sống hoặc trứng lòng đào, chưa chín hẳn
- Các loại rau mầm hoặc rau sống
- Pate và các loại thịt nguội chưa được làm nóng lại
Ngoài ra, vẫn còn một số lưu ý chị em cần ghi nhớ khi mua sắm và chế biến để tránh thức ăn nhiễm khuẩn, cụ thể:
- Kiểm tra kỹ thành phần và phương thức chế biến cùng hạn sử dụng của từng loại thực phẩm.
- Không nên mua những loại thực phẩm đóng hộp có dấu hiệu bao bì không nguyên vẹn (có thể bị phồng lên hoặc móp méo).
- Khi đi siêu thị, hãy mua đồ tươi sống cuối cùng để đảm bảo chúng giữ được độ lạnh.
- Rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi bắt đầu chế biến đồ ăn.
- Phân chia thớt sống và thớt chín rõ ràng.
- Nên gọt vỏ mọi loại trái cây.
Hướng dẫn cách xử lý khi dùng thức ăn nhiễm khuẩn
Những triệu chứng thông thường của ngộ độc thực phẩm ở mức độ nhẹ có thể điều trị ngay tại nhà bằng những cách sau:
- Ưu tiên các loại thức ăn dễ tiêu hóa: Người bệnh nên dùng thức ăn dạng lỏng, thanh đạm, ít chất béo và gia vị như bánh quy, chuối, cháo yến mạch, rau luộc, súp, nước trái cây, nước điện giải.
- Uống đủ lượng nước: Việc cung cấp đủ lượng nước cần thiết giúp cơ thể đào thải nhanh mọi độc tố. Các bác sĩ khuyên bạn có thể dùng nước điện giải hoặc uống thêm nước dừa, nước trái cây để cơ thể nhanh hồi phục. Khi cơ thể được cấp đủ nước, bạn sẽ cảm thấy đỡ mệt mỏi hơn. Bên cạnh đó, bạn cần tránh uống những chất lỏng chứa caffein bởi nó có thể gây kích ứng đường tiêu hóa.
- Dùng thuốc giảm tiêu chảy và buồn nôn: Với những loại thuốc này, bạn cần tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ để sử dụng đúng liều. Tình trạng tiêu chảy và buồn nôn được kiểm soát sẽ giúp cơ thể bớt mất sức hơn.
- Nghỉ ngơi đúng cách: Cơ thể được bồi bổ bằng những thực phẩm tăng cường thể lực và dễ tiêu hóa kết hợp với ngủ nghỉ đầy đủ sẽ giúp bạn nhanh chóng hồi phục sau ngộ độc.
Dù vậy, không phải ai cũng may mắn gặp những triệu chứng nhẹ. Trường hợp có những biểu hiện nghiêm trọng như đau bụng dữ dội, sốt, đi ngoài nhiều lần ra máu, nôn mửa liên tục, chóng mặt, rối loạn nhịp thở, bạn cần nhanh chóng liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất.
Việc chẳng may ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn là điều không ai mong muốn. Mặc dù, rủi ro nguy hiểm đến tính mạng khi tiếp xúc với đồ ăn bị nhiễm khuẩn là không lớn nhưng đôi khi tình trạng này vẫn khiến chúng ta lo ngại.
Chính vì vậy, khi nhận thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường và bắt đầu có triệu chứng bị ngộ độc, bạn nên cẩn thận quan sát tình hình và đánh giá mức độ nghiêm trọng. Nếu tình hình phức tạp, bạn nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.nguyên nhân và cách xử lý khi ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn.