Với các biện pháp phòng ngừa thích hợp như bảo hiểm du lịch, tiêm ngừa phòng dịch hầu hết phụ nữ có thể du lịch khi mang thai một cách an toàn. Và khi kỳ nghỉ lễ dài gần kề, Tạp chí Mẹ và Con có một số lời khuyên cho mẹ bầu như sau. Mời mẹ cùng khám phá!
Vấn đề chăm sóc sức khỏe
Trong thai kỳ, vấn đề bạn quan tâm lớn nhất sẽ liên quan đến sức khỏe. Do đó, ở bất cứ nơi nào bạn đến, hãy tìm hiểu các cơ sở chăm sóc sức khỏe địa phương trong trường hợp bạn cần chăm sóc y tế khẩn cấp. Mẹ bầu cũng nên mang theo sổ khám thai (đôi khi là những ghi chú quan trọng liên quan đến tuổi thai, nhóm máu, nguy cơ dị ứng…) để có thể cung cấp cho bác sĩ những thông tin liên quan nếu cần.
Hãy kiểm tra kỹ về bảo hiểm du lịch của bạn, chẳng hạn như chăm sóc y tế liên quan đến thai kỳ trong quá trình chuyển dạ, sinh non và chi phí thay đổi ngày quay về nếu bạn chuyển dạ…
Khi nào nên du lịch khi mang thai?
Một số phụ nữ không muốn đi du lịch trong 12 tuần đầu tiên của thai kỳ vì buồn nôn, nôn và cảm thấy rất mệt mỏi trong giai đoạn đầu này. Nguy cơ sảy thai cũng cao hơn trong 3 tháng đầu, cho dù bạn có đi du lịch hay không.
Đi du lịch trong những tháng cuối của thai kỳ có thể mệt mỏi và khó chịu. Vì vậy, nhiều người nhận thấy thời điểm tốt nhất để đi du lịch hoặc nghỉ dưỡng là vào giữa thai kỳ, từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 6.
Lưu ý cho mẹ bầu du lịch bằng đường hàng không
Đi máy bay không gây hại cho mẹ và bé. Thế nhưng, hãy thảo luận về bất kỳ vấn đề sức khỏe hoặc biến chứng thai kỳ nào với nữ hộ sinh hoặc bác sĩ trước khi bạn bay.
Khả năng chuyển dạ cao hơn một cách tự nhiên sau 37 tuần (khoảng 32 tuần nếu bạn mang song thai) và một số hãng hàng không sẽ không cho phép bạn bay vào cuối thai kỳ. Vì thế, bạn nên kiểm tra với các hãng hàng không liên quan đến chính sách của họ về việc này.
Sau tuần 28 của thai kỳ, hãng hàng không có thể yêu cầu bác sĩ hoặc nữ hộ sinh gửi thư xác nhận ngày dự sinh của bạn và rằng bạn không có nguy cơ gặp biến chứng. Bạn có thể phải trả tiền để có được thư xác nhận và đợi vài tuần mới có thư này nên nhớ chuẩn bị trước nhé.
Du lịch đường dài (dài hơn 4 giờ) có nguy cơ nhỏ bị cục máu đông (huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT)). Nếu mẹ bầu bay, hãy uống nhiều nước và di chuyển thường xuyên – cứ sau 30 phút hoặc lâu hơn. Bạn cũng có thể mua một đôi vớ nén hoặc vớ hỗ trợ có chia độ ở hiệu thuốc, chúng sẽ giúp giảm sưng chân.
Tiêm phòng vắc-xin du lịch khi mang thai
Hầu hết các loại vắc-xin sử dụng vi khuẩn sống hoặc vi-rút không được khuyên dùng trong thời kỳ mang thai vì lo ngại rằng chúng có thể gây hại cho thai nhi.
Tuy nhiên, một số vắc-xin du lịch có thể được xem xét trong thai kỳ, nếu nguy cơ nhiễm trùng cao hơn nguy cơ tiêm chủng. Bạn nên hỏi bác sĩ gia đình để được tư vấn về các loại vắc-xin du lịch cụ thể để bảo vệ mẹ và con. Vắc-xin bất hoạt thường được xem là an toàn để sử dụng trong thời kỳ mang thai.
Về các loại thuốc chống sốt rét, một số loại không an toàn khi mang thai. Vì vậy hãy hỏi bác sĩ để được tư vấn cụ thể, tùy theo tình trạng sức khỏe của bạn.
Vi-rút Zika chủ yếu lây lan qua muỗi được tìm thấy ở một số nơi trên thế giới. Đối với hầu hết mọi người, nó nhẹ và không gây hại, nhưng có thể gây ra vấn đề nếu bạn đang mang thai.
Nếu du lịch khi mang thai, bạn không nên chọn một số nơi trên thế giới có vi-rút Zika, chẳng hạn như các khu vực Nam và Trung Mỹ, vùng Ca-ri-bê, quần đảo Thái Bình Dương, châu phi, châu Á… Điều quan trọng là phải kiểm tra nguy cơ dịch bệnh đối với những nơi bạn sắp đến du lịch.
Lưu ý cho cho mẹ bầu du lịch bằng ô tô
Tốt nhất là tránh những chuyến đi dài bằng ô tô nếu bạn đang mang thai. Tuy nhiên, nếu không thể tránh được, hãy đảm bảo rằng bạn thường xuyên dừng lại và ra khỏi xe để vươn vai, vận động.
Bạn cũng có thể thực hiện một số bài tập trong ô tô (khi bạn không lái xe), chẳng hạn như uốn cong và xoay bàn chân và ngọ nguậy các ngón chân. Điều này sẽ giữ cho máu lưu thông qua chân của bạn và giảm bớt sự co cứng, khó chịu. Mang vớ nén khi đi trên ô tô dài (hơn 4 giờ) cũng có thể làm tăng lưu lượng máu ở chân và giúp ngăn ngừa cục máu đông.
Mệt mỏi và chóng mặt là phổ biến trong thời kỳ mang thai. Vì vậy điều quan trọng trên các chuyến đi bằng ô tô là uống nước thường xuyên và ăn các thực phẩm cung cấp năng lượng tự nhiên như trái cây và các loại hạt.
Giữ không khí lưu thông trong xe và đeo dây an toàn trong suốt quá trình du lịch khi mang thai với dây đeo chéo giữa ngực và dây đeo ngang hông qua xương chậu dưới bụng.
Tai nạn giao thông là một trong những nguyên nhân gây thương tích phổ biến nhất ở phụ nữ mang thai. Nếu bạn phải thực hiện một chuyến đi dài, đừng đi du lịch một mình. Bạn cũng có thể chia sẻ việc lái xe với người đồng hành, nếu sức khỏe cho phép.
Đi thuyền du lịch khi mang thai
Các công ty du lịch bằng tàu, thuyền có những hạn chế riêng và có thể từ chối chở phụ nữ mang thai lớn (thường vượt quá 32 tuần theo tiêu chuẩn và 28 tuần đối với các trường hợp đặc biệt). Mẹ bầu và gia đình nên kiểm tra chính sách của công ty cung cấp dịch vụ trước khi sử dụng.
Đối với các chuyến đi thuyền dài, chẳng hạn như du lịch trên biển, hãy tìm hiểu xem có các phương tiện để giải quyết các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trên tàu hay tại các bến cảng hay không.
Những lưu ý về đồ ăn thức uống
Hãy cẩn thận để tránh các vấn đề do thực phẩm và nước gây ra, chẳng hạn như rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày và tiêu chảy của người du lịch. Một số loại thuốc điều trị đau bụng và tiêu chảy khi đi du lịch không thích hợp trong thời kỳ mang thai.
Mẹ bầu nên kiểm tra xem nước máy có an toàn để uống không. Nếu nghi ngờ, hãy uống nước đóng chai và tuyệt đối không dùng cả nước đá. Nếu bạn bị ốm, hãy giữ đủ nước và tiếp tục ăn uống vì sức khỏe của em bé, ngay cả khi bạn không đói.
Du lịch khi mang thai khá nhiều thứ cần phải lo lắng. Tuy nhiên, để có được sự thư giãn, thoải mái, nạp lại năng lượng sau những ngày làm việc mệt mỏi, mẹ bầu nên đi du lịch nhưng nhớ chú ý của Tạp chí Mẹ và Con nhé!