Đờm nhầy ứ đọng trong đường thở của bé làm bé khó thở, ho, nôn ói, bỏ bú, ngủ không ngon giấc. Bố mẹ cũng mệt mỏi vì con ăn ngủ không yên. Thế nên, cách vỗ lưng cho trẻ sơ sinh có đờm là một biện pháp hỗ trợ quan trọng. Vỗ đờm đúng cách giúp bé loại bỏ đờm và thông thoáng đường thở. Bài viết sẽ hướng dẫn bạn nhận biết trẻ sơ sinh bị đờm cũng như cách vỗ đờm cho trẻ sơ sinh an toàn và hiệu quả.
Nguyên nhân trẻ sơ sinh có đờm
Đờm là chất nhầy do các tế bào niêm mạc trong đường hô hấp tiết ra để bảo vệ và làm sạch các mảnh vỡ, bụi bẩn, vi khuẩn… Khi bé bị nhiễm trùng hoặc dị ứng, lượng đờm sẽ tăng lên và có màu xanh hoặc vàng. Đối với trẻ sơ sinh, hệ hô hấp còn non nớt, cơ ho yếu, khả năng nuốt kém nên không thể tự loại bỏ được đờm ra ngoài. Nếu bố mẹ không biết cách vỗ lưng cho trẻ sơ sinh có đờm thì đờm sẽ tích tụ gây khó thở.
Một số nguyên nhân phổ biến khiến bé bị đờm:
- Viêm nhiễm đường hô hấp: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất. Bao gồm các bệnh như cảm lạnh, cảm cúm, viêm tiểu phế quản, viêm xẹp thùy phổi… Nguyên nhân có thể là virus hoặc vi khuẩn. Bệnh sẽ kích thích niêm mạc tiết ra nhiều đờm để chống lại các tác nhân gây bệnh.
- Dị ứng: Một số bé có thể dị ứng với bụi, phấn hoa, lông thú… Dị ứng nặng cũng khiến niêm mạc viêm và tiết ra nhiều đờm để loại bỏ các chất gây dị ứng.
- Sữa: Một số bé có thể không dung nạp được một số thành phần trong sữa. Hậu quả là bé mắc triệu chứng như ợ chua, nôn ói và tiết ra nhiều đờm.
- Khói thuốc lá: Khói thuốc cũng kích thích niêm mạc trẻ, gây viêm và tiết ra nhiều đờm. Ngoài ra, khói thuốc lá còn làm giảm khả năng miễn dịch, trẻ hít phải nhiều khói thuốc sẽ tăng nguy cơ nhiễm trùng và ho có đờm.
Dấu hiệu trẻ sơ sinh có đờm
Để biết khi nào cần áp dụng cách vỗ lưng cho trẻ sơ sinh có đờm thì phải nhận biết dấu hiệu trẻ vướng đờm. Bởi vì trẻ sơ sinh không thể nói, khó giao tiếp nên bạn phải chú ý kĩ:
- Ho: Đây là triệu chứng thường gặp nhất khi bé có đờm. Ho là cơ chế tự nhiên của cơ thể nhằm đẩy đờm ra khỏi đường thở. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh còn yếu, cơ hoành chưa hoàn thiện nên không ho đủ mạnh để loại bỏ được hết đờm. Tình trạng ho này có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần.
- Thở khò khè: Khi đờm ứ đọng, bé sẽ thở khò khè, không thể thở sâu được. Trẻ sơ sinh thở khò khè có thể là dấu hiệu của viêm phổi hoặc suy hô hấp nên cần phải theo dõi sát sao.
- Nôn ói: Khi bé ho, đờm sẽ chảy xuống dạ dày và kích thích dạ dày, gây ra hiện tượng nôn ói.
- Bỏ bú mẹ: Khi bé có đờm thì lúc bú mẹ hoặc uống sữa công thức sẽ gây khó thở. Trẻ sơ sinh thường sẽ bỏ bú để lấy hơi hoặc do mệt mỏi. Bỏ bú có thể làm bé thiếu chất dinh dưỡng và giảm sức đề kháng và tình trạng bệnh lại càng nặng hơn.
- Sốt: Khi bé bị viêm, nhiễm trùng thì cơ thể sẽ phát sốt. Kèm theo đó là có thể có đờm để loại bỏ các tác nhân gây bệnh.
Cách vỗ lưng cho trẻ sơ sinh có đờm
Cách vỗ lưng cho trẻ sơ sinh có đờm là phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả để giúp bé loại bỏ đờm. Nguyên tắc là dùng lực tay để tạo ra lực truyền tới cơ quan hô hấp bên trong cơ thể trẻ nhỏ. Nhịp nhàng theo nhịp thở của trẻ để hỗ trợ long đờm, làm thông thoáng đường thở. Cách vỗ lưng cho trẻ sơ sinh có đờm có 4 kiểu phổ biến như sau:
Cách vỗ lưng cho trẻ sơ sinh có đờm dưới 2 tháng tuổi
Đặt bé lên lòng bàn tay, mặt úp xuống dưới. Giữ sao cho lòng bàn tay nằm dưới ngực, ngón út ở cằm trẻ. Nên để sao cho đầu thấp hơn mông một chút, tư thế như vậy sẽ dễ tống đờm ra ngoài. Khum bàn tay còn lại và nhẹ nhàng vỗ vào lưng trên – tức vị trí phổi.
Các cách vỗ lưng cho trẻ sơ sinh khác
- Cho bé ngồi lên đùi, đầu hướng về phía trước. Bạn dùng một tay giữ ngực và bụng trẻ. Tay còn lại vỗ nhẹ vào lưng ở vị trí phổi.
- Đặt bé nằm nghiêng người. Nên để bé nằm cho đầu cao hơn mông một chút, lưu ý chèn gối để trẻ nằm đúng vị trí. Sau đó vỗ nhẹ vào lưng từ thắt lưng đến vai.
- Đối với bé lớn hơn có thể bế vác trẻ trên vai. Sau đó một tay giữ bé, một tay cũng vỗ lưng trẻ theo nhịp.
Bạn cũng có thể thực hiện phối hợp các cách vỗ lưng cho trẻ sơ sinh có đờm khác nhau. Thực hiện mỗi tư thế trong vòng 3 đến 5 phút.
Một số lưu ý khi vỗ lưng
Khi áp dụng các cách vỗ đờm cho trẻ sơ sinh cần lưu ý:
- Cách vỗ lưng cho trẻ sơ sinh có đờm không áp dụng được cho trẻ bị ho khan.
- Bạn nên vỗ đờm cho trẻ sơ sinh khoảng hai giờ sau ăn và cho bé uống nước ấm sau khi thực hiện kỹ thuật.
- Cần xác định đúng vùng phổi của trẻ để không vỗ vào vùng dạ dày, xương sống hay xương ức.
- Thực hiện thao tác dứt khoát, đều đặn theo nhịp, tránh vỗ quá mạnh làm đau bé.
- Mỗi lần vỗ lưng làm 10-15 phút. Sau khi vỗ lưng có thể trẻ sẽ ho nhiều, nôn ra đờm, cần lưu ý quan sát tính chất đờm trắng loãng hay xanh, vàng đặc để báo cho bác sĩ.
Biết cách vỗ lưng cho trẻ sơ sinh có đờm rất có ích vì gần như đứa trẻ nào cũng bệnh ít nhất vài lần trong độ tuổi sơ sinh. Bạn cũng lưu ý, nếu không chắc chắn về cách thực hiện kỹ thuật này hoặc bé có biểu hiện khó thở, trẻ sốt cao hoặc ho ra máu thì phải đưa đi khám ngay nhé.