Khám tiền sản giúp mẹ chuẩn bị trạng thái cơ thể tốt nhất để mang thai. Các kết quả sau khi thăm khám là tiền đề quan trọng để các bác sĩ đưa ra lời khuyên cho những cặp vợ chồng.
Khám tiền sản là gì?
Khám tiền sản còn gọi là khám trước khi mang thai. Đây là dịch vụ dành cho cả chồng lẫn vợ đang có ý định sinh con nhưng chủ yếu tập trung vào người vợ. Chị em phụ nữ, nhất là các cặp đôi có tiền sử gia đình bất thường như có người thân mắc các bệnh di truyền, từng sinh con có dị tật, đang điều trị bệnh lý, phụ nữ trên 35 tuổi… càng không thể bỏ qua việc quan trọng này.
Vì sao nên khám trước khi mang bầu?
Có thể bạn sẽ thắc mắc, vì sao cần phải khám nhiều đến thế trước khi mang bầu? Không phải có nhiều gia đình cũng “dính bầu” bất ngờ không chuẩn bị trước sao? Nếu không khám tiền sinh sản thì có vấn đề gì không?
Vậy bạn có biết, có khoảng 4.000 bất thường xuất phát từ bố mẹ hoặc môi trường có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi? Trong đó không thiếu các yếu tố di truyền, bệnh lý từ bố mẹ. Khám tiền sản giúp các cặp đôi kịp thời phát hiện, đánh giá và ngăn ngừa nhiều rủi ro.
Hơn nữa, lời khuyên khám trước khi mang thai còn là để đánh giá khả năng cặp đôi vô sinh, hiếm muộn. Nếu phát hiện sớm thì có thể can thiệp đúng và kịp thời.
Các bước khám tiền sinh sản
Chuẩn bị trước khi khám
Việc khám tiền sản chỉ là một bước kiểm tra sức khỏe nhỏ trước khi mang thai. Chị em không cần quá lo lắng tránh ảnh hưởng cơ thể. Giữ tâm trạng thoải mái, thả lỏng và làm theo hướng dẫn nơi khám. Chú ý các vấn đề sau:
- Mang đủ các giấy tờ sức khỏe, sổ tiêm chủng, sổ bệnh,… nếu có.
- Trước khi làm xét nghiệm máu nên: Nhịn ăn ít nhất 8 tiếng, uống nhiều nước lọc, dừng dùng các loại thuốc trước ngày lấy máu.
- Uống nhiều nước, nhịn tiểu để siêu âm và lấy mẫu nước tiểu thuận lợi hơn.
- Chị em nên chọn khám sức khỏe trước hoặc sau kỳ kinh nguyệt 5 ngày để giúp các xét nghiệm có kết quả tốt nhất..
Khám tổng quát
Kiểm tra các chỉ số cơ thể như cân nặng, chiều cao, nhịp tim, huyết áp… Bác sĩ sẽ hỏi thêm về bệnh lý, các yếu tố di truyền trong gia đình để sàng lọc bệnh tật bẩm sinh cho thai nhi. Thông tin về chu kỳ kinh nguyệt cũng được hỏi kĩ nhằm tư vấn thời điểm quan hệ dễ có thai nhất.
Lịch sử tiêm phòng của chị em cũng sẽ được kiểm tra để xem người mẹ đã tiêm ngừa sởi, thủy đậu, bạch hầu, ho gà, lao và uốn ván hay chưa. Nếu chưa bạn sẽ được khuyên tiêm phòng đầy đủ trước khi mang thai.
Tiến hành các xét nghiệm, sàng lọc
Xét nghiệm một virus phổ biến và có ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc mang thai:
- Xét nghiệm HIV
- Xét nghiệm virus Rubella
- Xét nghiệm viêm gan B và viêm gan C
- Xét nghiệm virus giang mai
- Các xét nghiệm khác trong trường hợp bác sĩ cảm thấy cần thiết.
Tư vấn các bệnh di truyền
Trường hợp bố mẹ hoặc có người thân, họ hàng gần mắc các bệnh liên quan đến di truyền như dưới đây thì bạn cần thông báo cho bác sĩ:
- Vô sinh, sảy thai hoặc thai chết lưu.
- Các bệnh di truyền.
- Các dị tật bẩm sinh như sứt môi, hở hàm ếch.
- Suy giảm thị lực và thính lực bẩm sinh.
- Các vấn đề tâm thần như chậm phát triển, tâm thần phân liệt.
- Người mắc bệnh trầm cảm, tự kỷ.
Đối với nam giới
Khám sức khỏe sinh sản nam giới tập trung đánh giá khả năng sinh sản – chất lượng tinh trùng nam giới. Đây là phần cực kỳ quan trọng cần thực hiện cẩn thận. Xét nghiệm tinh dịch đồ dựa trên mẫu tinh dịch giúp đánh giá chất lượng của tinh trùng, thông qua các chỉ số như: số lượng, khả năng di động, hình dạng…
Đồng thời nam giới cũng cần được kiểm tra bệnh lý, yếu tố di truyền cũng như xét nghiệm các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Nếu có vấn đề, bác sĩ sẽ chỉ định một số biện pháp giúp tăng khả năng sinh sản của nam giới.
Sau khi đã nghe thông tin, có kết quả xét nghiệm, siêu âm, các chỉ số cơ thể…, bác sĩ sẽ đưa ra nhận xét về tình hình sức khỏe sinh sản của cặp đôi. Từ đó có thể điều chỉnh, cải thiện để sức khỏe của bố mẹ đạt trạng thái tốt nhất trước khi có thai. Đồng thời đây cũng là lúc bạn sẽ được tư vấn về chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, tập luyện.
Khám tiền sản ở đâu?
Các cặp đôi khi muốn kiểm tra sức khỏe sinh sản thì có thể đến khoa Sản phụ khoa và khoa Nam học của các bệnh viện. Một số trung tâm chăm sóc sức khỏe, trung tâm y tế dự phòng cũng có cung cấp đầy đủ dịch vụ này với độ chính xác cao.
Chi phí khám tiền sản
Chi phí khám tiền sinh sản phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Số lượng dịch vụ bạn chọn trong gói khám sức khỏe, chất lượng cơ sở vật chất cũng như bệnh viện công hay tư. Mức phí có thể từ vài triệu lên đến hơn chục triệu. Nếu bạn lo ngại về chi phí khám sức khỏe sinh sản thì hãy chọn các gói cơ bản và sử dụng dịch vụ công thay vì bỏ qua việc thăm khám.
Nhìn chung, đi khám trước khi mang thai có ảnh hưởng lớn tới cả sức khỏe của mẹ lẫn cuộc đời đứa trẻ sau này. Vậy nên nếu bạn có ý định có con thì hãy nhớ đi khám tiền sản đã nhé.