Dọa ma trẻ em có lẽ là một việc làm đã quá quen thuộc đối với người lớn Việt Nam. Chúng ta dọa ma trẻ vì cảm thấy vui khi trẻ bộc lộ cảm xúc sợ hãi, hoặc vì muốn con nghe lời, ngoan ngoãn hơn. Và dù cho mục đích là gì thì hậu quả của việc này đối với tinh thần của trẻ là vô cùng nghiêm trọng và người lớn nên dừng ngay những hành động này.
Dọa ma trẻ em – khi người lớn vô tư quá mức
“Con không đi ngủ là những con ma sẽ đến bắt con đi đấy.”
“Nếu con không nghe lời bố mẹ, con sẽ bị đày xuống âm phủ, bị những con ma trừng phạt con.”
“Mẹ bán con cho ông ba bị nếu con còn không chịu ăn như vậy đó.”
“Con mà hư thì thế nào tối nay cũng có người bắt con đi theo mấy con ma.”
…
Đó có lẽ là những câu đe dọa rất thường gặp khi phụ huynh “bất lực” trong việc dạy dỗ con cái. Muôn hình vạn trạng những cách dọa ma trẻ em được thực hiện. Ngoài việc hù dọa bằng lời nói, nhiều người còn cho con xem phim, xem hình ảnh, mô tả thật chi tiết hình ảnh “con ma” để xây dựng nỗi sợ trong lòng trẻ. Người lớn cho rằng, việc sợ ma sẽ giúp trẻ trở nên ngoan ngoãn hơn, nghe lời bố mẹ hơn.
Hay thậm chí gần đây, trên mạng xã hội Titkok còn có trào lưu dọa ma trẻ em bằng cách cố tình nhốt trẻ nhỏ, mở những tiếng động rùng rợn chỉ để ghi lại phản ứng sợ hãi của trẻ. Nhiều người cho rằng đây chỉ là một việc làm vui và không có gì đáng để bận tâm.
Nỗi ám ảnh ăn sâu tâm trí vì bị dọa ma
Với người lớn, việc dọa ma trẻ em là một việc bình thường. Nhưng với những đứa trẻ bị dọa ma, dù ở hình thức nào thì trẻ cũng sẽ phải chịu những tổn thương khó chữa lành…
Sự ám ảnh và sợ hãi
Khi người lớn dọa ma trẻ em, trẻ sẽ phải đối diện trực tiếp với nỗi sợ của mình. Và điều này có thể khiến trẻ trở nên sợ hãi, ám ảnh, dẫn đến hội chứng sợ ma ở trẻ và sợ những thứ khiến trẻ liên tưởng đến ma như trẻ sợ bóng tối, ở một mình, không gian phòng kín,…
Trở nên nhút nhát hơn
Một hậu quả rất dễ thấy khi người lớn liên tục dọa ma trẻ em chính là trẻ sẽ ngày càng rụt rè, nhút nhát hơn. Hầu hết chúng ta đều muốn trẻ nghe lời, không làm hành động a hoặc hành động b nên mới dọa ma trẻ. Chúng ta “cố tình” cho trẻ thấy hậu quả khi trẻ thực hiện những hành vi này.
Lâu dần, trẻ sẽ dễ sinh tâm lý nhút nhát, không dám làm bất cứ điều gì vì sợ rằng, những hành động của mình có thể là hành động sai, sẽ khiến mình bị ma bắt,… như bố mẹ hoặc người lớn từng nói.
Những biểu hiện thường gặp ở những đứa trẻ từng trải qua chuyện người lớn dọa ma trẻ em chính là trẻ không tự tin khi đi đâu đó một mình, trẻ thu mình hơn và sống khép kín hơn, trẻ không dám kết bạn mới,…
Ảnh hưởng sức khỏe thể chất
Nỗi sợ của các “nạn nhân” nhí có thể trở nặng, kéo dài, khiến trẻ bị sang thương tâm lý. Khi sức khỏe tinh thần suy giảm nghiêm trọng và đột ngột, cơ thể của trẻ có thể có những phản ứng như sốt, chán ăn, bỏ ăn, sụt cân,…
Thậm chí, nhiều đứa trẻ còn bị mất ngủ, ngủ mơ thấy ác mộng khi người lớn dọa ma trẻ em. Điều này khiến chất lượng giấc ngủ của trẻ bị suy giảm, khiến trẻ mệt mỏi, không thể tập trung vào việc học, gặp chứng đau nửa đầu,…
Những ám ảnh tâm lý hằn kéo dài trong tương lai
Với nhiều người, việc dọa ma trẻ em chỉ khiến trẻ sợ hãi tức thời nên không cần phải quá lo lắng. Tuy nhiên, khác với những gì chúng ta vẫn nghĩ, hành động tiêu cực này có thể để lại những hậu quả lâu dài trong tương lai. Trẻ có thể đối diện với chứng rối loạn lo âu, thường xuyên cảm thấy lo lắng mà không rõ lý do,…
Hơn nữa, trẻ cũng có thể có cảm giác không an toàn về tất cả những gì đang diễn ra xung quanh mình. Thậm chí, vì bị người thân dọa ma nên trẻ sẽ sinh ra tâm lý đề phòng với mọi người, kể cả những người thân yêu. Cuộc sống sau này của trẻ sẽ phải sống trong sự hoài nghi, lo âu,… Trẻ không thể nào thoải mái buông lỏng cảm xúc mà cơ thể luôn trong trạng thái căng thẳng, đề phòng.
Hãy gieo vào tâm trí trẻ niềm hạnh phúc, không phải sự sợ hãi
Người lớn, dù là bố mẹ hay thầy cô đều có trách nhiệm rất lớn với sức khỏe tinh thần của trẻ trong giai đoạn ấu thơ. Việc dọa ma trẻ em chỉ tước đi hạnh phúc và thành công của trẻ trong tương lai. Vì thế, chúng ta nên dừng những hành động dọa nạt ngay từ bây giờ.
Xem thêm:
- Chỉ trích và chê bai con cái dễ gây phản tác dụng khi dạy con
- Vì sao chúng ta dễ thất bại trong việc nuôi dạy con cái?
Thay vào đó, hãy áp dụng những phương pháp dạy trẻ khác, khiến trẻ có thể tự nguyện vâng lời mà không phải sống trong niềm sợ hãi. Chẳng hạn như khi con không nghe lời, chúng ta có thể kiên nhẫn ngồi trò chuyện cùng con, cho con biết lý do vì sao bố mẹ muốn con làm như thế, nếu con không làm như thế thì sẽ phải chịu những hậu quả gì,…
Hành động dọa ma trẻ em chưa bao giờ là một phương pháp dạy con đúng cách. Vì thế, trong quá trình chăm sóc, dạy dỗ trẻ, hãy kiểm soát những ngôn từ, cảm xúc của mình, tìm kiếm những phương pháp giáo dục tích cực thay vì chỉ chăm chăm vào việc hù dọa con bạn nhé!