Đôi lúc, việc va đập vào một vật thể cứng nào đó, chẳng hạn như tay va vào cạnh bàn cũng có thể dẫn đến những vết bầm trên cơ thể. Các vết bầm thường mất một thời gian hơn một tuần mới tan dần, gây mất thẩm mỹ khiến bạn mất tự tin. Hãy cùng xem 11 cách làm tan vết bầm tím nhanh nhất để giải quyết tình huống này bạn nhé!
Vết bầm tím trên da bao lâu thì tan?
Các vết bầm tím xuất hiện trên da do ngã, va đập, bị đánh,… Những vết bầm này là do các mạch máu nhỏ bị rách và vỡ khiến máu chảy ra và tích tụ bên trong các mô. Vết bầm khá đa dạng về kích thước, còn tuỳ vào độ nghiêm trọng của tác động gây ra chúng. Thông thường, vết bầm sẽ có màu đỏ tía hoặc hơi xanh tím.
Thời gian để tan vết bầm trên da nếu để tự nhiên, không áp dụng bất kỳ cách làm tan vết bầm tím nào thường từ 2-4 tuần đối với vết bầm tím nhỏ. Còn với các vết bầm to hơn thì thời gian để hồi phục có thể lâu hơn.
Thông thường, các vết bầm sẽ tự hồi phục. Trong những ngày đầu tiên, vết bầm sẽ có màu hồng và đỏ, sau đó chuyển sang xanh lam và tím sẫm rồi dần chuyển qua màu xanh lá nhạt. Đây là tín hiệu cho thấy vết bầm đã bắt đầu dần hồi phục. Giai đoạn cuối cùng trước khi vết bầm tím tan hoàn toàn, bạn sẽ thấy vết bầm chuyển sang màu vàng và nâu.
Cách làm tan vết bầm tím nhanh nhất
Các vết bầm trên da vừa gây đau lại còn vô cùng mất thẩm mỹ và bất tiện. Nếu để bình thường, các vết bầm sẽ mất một khoảng thời gian dài mới tan đi. Do đó, bạn có thể một vài cách làm tan vết bầm tím nhanh nhất sau đây:
Chườm đá
Đây là một trong những cách làm tan vết bầm tím nhanh nhất và hiệu quả nhất. Bạn có thể lấy 2-3 viên đá và bọc trong một tấm vải mềm hoặc túi chườm. Sau đó, chườm lên vết bầm khoảng 10-15 phút và lặp lại mỗi giờ một lần. Nhiệt độ lạnh từ đá không chỉ giúp giảm đau, sưng viêm mà còn hỗ trợ khiến mạch máu co thắt tốt hơn.
Lưu ý, không nên chườm đá lạnh trực tiếp lên da để tránh bỏng lạnh. Ngoài ra, không chườm đá lạnh lên vết thương hở.
Xem thêm: Uống thuốc ngủ có hại không và dùng sao cho an toàn?
Chườm ấm
Với người già, trẻ nhỏ hay những người không chịu được chườm lạnh thì bạn có thể chườm ấm để làm tan máu bầm tụ dưới da. Cách làm cũng cực kỳ đơn giản. Cho nước ấm (nhiệt độ vừa phải, không quá nóng) vào túi chườm rồi đặt lên trên vùng da đang bầm đến khi nước nguội thì dừng lại. Chờ 2-3 giờ sau rồi tiếp tục chườm.
Lăn trứng gà
Theo dân gian thì cách làm tan vết bầm tím nhanh nhất chính là lăn trứng gà. Trứng sau khi luộc chín và còn nóng thì sẽ lột vỏ và lăn qua lăn lại ở vết bầm đến khi trứng nguội thì đổi một quả trứng khác. Mỗi ngày lăn 3-4 lần, vết bầm sẽ tan đi nhanh chóng.
Nghỉ ngơi nhiều hơn
Việc nghỉ ngơi có phần giúp những cách làm tan vết bầm tím nhanh nhất được hiệu quả hơn. Khi bị va đập, chấn thương khiến cơ thể có vết bầm, bạn nên chú ý nghỉ ngơi nhiều, không hoạt động mạnh để tránh vết bầm trở nên nghiêm trọng hơn. Việc nghỉ ngơi trong lúc này sẽ giúp lưu lượng máu đến vết bầm được chậm lại, hạn chế vết bầm lan rộng.
Muối
Nhiều thông tin cho rằng, việc thoa muối lên trên vết bầm sẽ giúp hấp thụ dịch nội bào, từ đó giúp giảm viêm tấy và tan vết bầm nhanh chóng. Nếu bạn muốn áp dụng cách làm tan vết bầm tím này, hãy lấy một vài muỗng muối rồi hòa tan với nước ấm nóng. Lấy bông thấm nước muối và thoa lên vùng da bị bầm tím. Có thể lặp lại mỗi ngày 4-5 lần để vết bầm được tan nhanh hơn.
Không xoa bóp
Nhiều người có thói quen xoa bóp ở vị trí vết bầm vì cho rằng điều này có thể giúp vết bầm được tan nhanh hơn. Tuy nhiên, ngược lại với những gì bạn nghĩ, xoa bóp tác động lực đến vị trí bầm. Điều này khiến các mạch máu dưới da bị vỡ nhiều hơn và khiến vùng bầm tím lan rộng hơn.
Nâng cao vị trí bầm
Một cách làm tan vết bầm tím nhanh nhất mà Mẹ và Con muốn bật mí với bạn chính là nâng cao vị trí cơ thể đang bị bầm. Như vậy, lượng máu chảy về tim sẽ nhiều hơn và khiến vết bầm sẽ khó lan ra rộng hơn.
Xem thêm:
- Ăn nhiều đường có tốt không và 11 tác hại đến sức khỏe
- 13 thực phẩm phòng ngừa đột quỵ nên thêm vào chế độ ăn hằng ngày
Nén
Dùng băng thun quấn quanh vị trí bầm nhưng không quá chặt cũng là một cách để làm dịu vết sưng tấy do vết bầm. Cách này sẽ hạn chế máu chảy lan rộng và giúp vết bầm được hồi phục nhanh hơn.
Nha đam
Nha đam được sử dụng như nguyên liệu chính trong cách làm tan vết tầm tím nhanh nhất. Để áp dụng cách tan vết bầm bằng nha đam rất đơn giản, gọt vỏ nha đam, rửa sạch rồi cho vào máy xây với ngò tây. Lấy nước xay được thoa lên vùng da bị bầm.
Bổ sung vitamin K
Khi bị bầm, bạn nên lựa chọn các loại thực phẩm giàu vitamin K bởi vitamin K có hiệu quả rất tốt trong việc làm tan máu bầm, giảm sưng viêm trên da.
Dùng thuốc giảm đau
Nếu vết bầm lớn và gây sưng đau, bạn có thể sử dụng một vài loại thuốc giảm đau để giảm bớt tình trạng khó chịu của mình. Một số loại thuốc giảm đau sẽ khiến máu chảy nhanh hơn một chút, từ đó giúp làm tan vết bầm nhanh hơn. Bạn nên trao đổi với bác sĩ kê đơn về mục đích dùng thuốc để bác sĩ có thể lựa chọn được loại thuốc phù hợp nhất.
Mẹ và Con đã cùng bạn khám phá 11 cách làm tan vết bầm tím nhanh nhất rồi đấy. Tuy nhiên, nếu đã áp dụng hết mọi cách nhưng sau một thời gian vết bầm vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm thì nên đến bệnh viện thăm khám bởi đây có thể là dấu hiệu cho thấy khối máu tụ đã hình thành và cần bác sĩ hỗ trợ để làm tan khối máu tụ này.