Hạn chế đường nếu bạn muốn con… mau lớn!
Cần phải khẳng định điều đó từ đầu. Đường mang đến tác hại nhiều hơn là ích lợi. Ăn nhiều đường rất dễ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng cũng như ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa của trẻ. Bạn cần biết rằng trẻ đang tuổi lớn, rất cần những dưỡng chất cho sự phát triển của cơ thể như chất đạm, vitamin, chất khoáng… Trong khi đó, các loại bánh kẹo nhiều đường bé nạp vào chẳng thể cung cấp được các chất trên. Đường còn khiến bé luôn thấy no ngang, mất cảm giác thèm ăn, đến bữa chính không ăn được lượng thực phẩm đủ nhiều như nhu cầu cơ thể cần nữa.
Chưa hết, khi bé ăn quá nhiều đường, cơ thể lại phải “tốn” thêm vô số vi chất để hỗ trợ cho quá trình chuyển hóa đường, nhất là nhóm vitamin B và khoáng chất canxi. Điều này dẫn tới việc nếu kéo dài, bé sẽ ở trong tình trạng thiếu chất, suy nhược cơ thể, suy dinh dưỡng, còi cọc kém phát triển… Ngoài ra, chất đường còn mang đến một tác hại khác nữa là nó có thể gây lên men ở bao tử, dễ dẫn đến các bệnh về đường tiêu hóa, cản trở hoạt động tự nhiên của bao tử cũng như việc tiết ra các dịch tiêu hóa cần thiết cho bé, khiến bé dễ bị đầy sôi bụng, khó tiêu.
Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa là bạn nên “cấm tiệt” sự hiện diện của đường trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày của bé yêu. Thực chất, chất bột đường là một trong số 4 nhóm chất không thể thiếu (bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất). Tuy nhiên, lượng đường đưa vào cơ thể phải khéo léo, hợp lý, vừa với nhu cầu năng lượng của trẻ. Nếu không, khi dư đường, phần đường dư sẽ bị chuyển hóa gây nên tình trạng gia tăng lượng mỡ cơ thể, là một nguyên nhân dẫn đến béo phì, tiểu đường, tim mạch.
Một nguyên nhân khác khiến bạn phải cân nhắc với việc bé ăn nhiều đường là đường có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, làm yếu đi khả năng đề kháng của bé. Không chỉ thế, thức ăn ngọt còn làm tăng tính axít trong ống tiêu hóa, tạo môi trường thuận lợi cho nhiều loại vi rút, vi khuẩn độc hại sinh sôi nẩy nở. Việc cho trẻ nhấm nháp các món ngọt thường xuyên cũng có thể tác động xấu đến hoạt động trí não của trẻ.
Ăn ngọt có thể làm tăng vọt đường huyết, tạo được cảm giác thoải mái do não là tổ chức nhạy cảm nhất với chất đường. Nhưng cảm giác này cũng nhanh chóng biến mất khi đường huyết hạ xuống. Những dao động lên và xuống xảy ra thường xuyên dễ gây tình trạng “nghiện” chất ngọt, làm rối loạn hoạt động nội tiết, gia tăng những stress oxy hóa và ảnh hưởng xấu đến hành vi và tâm lý. Trẻ dùng nhiều thức ăn có đường và nước ngọt thường có biểu hiện suy giảm khả năng tập trung và ghi nhớ. Ngoài ra, bé còn tỏ ra dễ căng thẳng, tính tình nóng nảy, táo tợn hơn.
Ngọt sao cho tốt?
Như đã nói, thức ăn ngọt vốn là món khoái khẩu của trẻ song chúng có thể mang đến rất nhiều mối nguy cơ cho sức khỏe. Tuy nhiên, không nhất thiết loại bỏ hoàn toàn đường ra khỏi thực đơn. Bạn chỉ cần cân nhắc chọn lựa đường nào cho “tốt” và cân nhắc kỹ lượng đường sẽ đưa vào cơ thể bé mỗi ngày.
Lượng đường tối đa mà bé được phép dùng là không quá 20g/ngày. Với những món ăn đã có vị ngọt tự nhiên như sinh tố, nước ép trái cây, cam vắt… chỉ nên cho thật ít đường (thậm chí không đường càng tốt). Những loại sữa bạn cho trẻ uống hàng ngày cũng có thể chọn sữa không đường nếu trẻ không cảm giác khó khăn để uống. Với việc nêm nếm các món ăn của bé như canh, cá kho, thịt kho… hãy hạn chế việc mỗi thứ cho thêm một chút đường. Thói quen nêm nếm này của mẹ sẽ khiến bé thèm đường, nghiện ngọt lúc nào chẳng biết và cứ gia tăng dần lượng đường đưa vào cơ thể.
Về việc chọn loại đường nào cho tốt, bạn cần biết rằng có các “thể loại” đường khác nhau như đường lactose (từ sữa), đường fructose (trong trái cây), đường sucrose (đường mía bạn hay dùng). Những loại đường này khi đưa vào cơ thể sẽ hấp thu rất nhanh, làm đường huyết tăng vọt. Ngoài ra, có những thực phẩm khác thoạt trông không phải là “đường” nhưng kỳ thực khi đưa vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành đường glucose để tạo năng lượng cho cơ thể hoạt động. Đó chính là nhóm bột đường như cơm, xôi, bắp, khoai… Những thực phẩm này có lợi thế lớn là khi ăn vào sẽ được hấp thu từ từ, không làm đường huyết tăng vọt.
Điều đó nghĩa là để cơ thể không thiếu đường, vẫn được cung cấp đầy đủ năng lượng song lại giữ được đường huyết ổn định, bạn nên cho bé ăn các loại thực phẩm “ngòn ngọt” không gây hại này. Ngoài ra, có thể ưu tiên đường trong trái cây thay vì đường tinh (đường cát trắng) hay các loại bánh kẹo ngọt có thể chứa nhiều đường nhân tạo khác.
Ngay từ khi con còn nhỏ, bạn cũng cần cố gắng tránh tối đa hình thành cho bé thói quen uống nước ngọt. Hãy nhớ rằng ngày con còn bé, chẳng đứa trẻ nào biết “nước ngọt” là gì để mà thèm hay vòi vĩnh mẹ cho uống cả. Đừng để con bạn cứ làm quen với thức uống này và tăng dần liều lượng lên. Bạn cần biết rằng chỉ một lon nước ngọt cũng đã chứa đến 40g đường, trong khi như đã nói, tổng lượng đường trẻ cần mỗi ngày không được quá 20g. Với lượng đường thừa từ những lon nước ngọt như thế, ngày một ngày hai thì không sao, nhưng kéo dài chắc chắn dẫn đến tình trạng béo phì.
Lưu ý quan trọng với mẹ là không chỉ những bé bị béo phì hay thừa cân mới cần giảm bớt lượng đường mà ngay cả những trẻ có thể trạng bình thường cũng cần hạn chế. Đừng nghĩ rằng con ốm thì cần bổ sung nhiều đường cho bé chóng… mập lên. Cũng cần hạn chế cả những món như mật ong, sirô, cácloại chè, nhất là nước trái cây đóng hộp. Vì những món này tưởng là tốt, song kỳ thực rất dễ khiến bé yêu của bạn… dư đường!
Mẹ nhớ nhé
Nghiên cứu của Đại học Melbourne cho thấy: Thực đơn giàu đường cũng tàn phá cơ thể giống y như thực đơn nhiều mỡ, ngay cả khi người đó không hề béo. Các giáo sư của Đại học này đã tìm thấy dấu hiệu suy giảm chức năng tim trên chuột, khi chúng được cho ăn nhiều đường trong vòng 12 tuần, với lượng đường tiêu thụ tương đương mức trẻ em uống nước ngọt và ăn bánh kẹo. Điều đáng nói là các hư tổn ở tim này bộc lộ ngay cả khi lũ chuột vẫn có cân nặng bình thường.