Cẩn thận với những “món mát” này
Nước đá là món “đắt như tôm tươi” trong mùa nóng. Các loại nước ngọt, nước trà, sữa, thậm chí nước lọc mà bỏ thêm một ít đá vào uống thì thật “đã”. Cảm giác mát lạnh trong miệng, chảy xuống cổ làm chúng ta thấy như đang trung hòa bớt nhiệt độ của cơ thể. Tuy nhiên bạn cần biết không phải khi trời nóng là cơ thể chúng ta tăng thân nhiệt. Việc uống nước đá, vì thế có thể làm hạ nhiệt độ cơ thể xuống.
Cần biết rằng cơ thể con người có một hệ thống tự động điều hòa nhiệt độ để giữ thân nhiệt luôn ở mức từ 36,5 độ C cho đến 37,7 độ C, thì mới ổn định được các hoạt động. Nếu ngoài giới hạn này, cơ thể bị hạ thân nhiệt hoặc bị sốt đều là những tình trạng bệnh lý và có thể dẫn đến tử vong. Đó là chưa kể sử dụng nước đá để uống thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ bị viêm họng, tổn hư răng. Trường hợp sử dụng nước đá không đảm bảo vệ sinh an toàn về nguồn nước thì mang đến những tác hại còn khôn lường hơn nữa.
Mỗi ngày chúng ta cần uống khoảng 1,5 – 2 lít nước, tạm chia thành 10 phần, thì lý tưởng nhất là uống 6 phần nước lọc, 2 phần sữa và 2 phần nước trái cây.
“Món mát” được nhắc đến kế tiếp là các loại nước mát nổi tiếng như nước mía lau, rễ tranh, mã đề… Nguyên liệu dễ tìm, giá rẻ, nấu chung với một chút đường phèn sẽ tạo thành thứ nước uống vị ngọt dịu, thơm mát, giúp thanh lọc cơ thể khi mụn nhọt, rôm sảy nhiều. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý không nên uống thường xuyên hoặc uống thay nước lọc vì các loại nước mát này sẽ gây lợi tiểu, dẫn đến mất nước.
Trà atiso cũng là món “mát” giúp nhuận gan lợi mật, tăng cường thải độc. Có thể nấu atiso tươi, đun sôi lâu, cho chút đường phèn làm thành dạng nước giải khát gần giống như mía lau, rễ tranh, hoặc dùng các loại atiso khô được đóng gói sẵn, nấu nước uống đều được. Nhưng cũng như mía lau, atiso không thể thay thế hoàn toàn nước lọc hay lượng sữa trong ngày.
Nước trà xanh có vị chát nhẹ làm “săn lưỡi” và giảm cảm giác khát, là thức uống ưa thích và phổ biến trong mùa nóng. Trà xanh chứa nhiều chất chống oxy hóa nên rất tốt cho người lớn. Riêng trẻ em thì không khuyến khích dùng nước trà. Ngoài ra, không nên uống trà quá đặc vì có thể gây táo bón, thiếu máu thiếu sắt nếu dùng thường xuyên và gây mất ngủ ở những người nhạy cảm. Bạn lưu ý chỉ nên dùng nước trà xanh tối đa 2-3 ly một ngày, còn lại vẫn nên uống nước lọc, sữa và ăn thêm trái cây.
Các loại nước ngọt có gas chứa CO2 làm giảm cảm giác khát, nhưng chỉ nên dùng hạn chế vì đường tinh là loại thực phẩm phải sử dụng hạn chế (dưới 20g/người/ngày), chưa kể khả năng bị nhiễm hóa chất từ đường hóa học, màu, mùi là có thể xảy ra…
Nước khoáng được khuyến khích sử dụng cho người tập thể thao hoặc làm việc ngoài trời bị mất nhiều mồ hôi, người bị tiêu chảy cấp để bù các ion khoáng cho cơ thể bị mất qua mồ hôi và phân trong thời hạn ngắn vài giờ sau mất nước. Sau đó vẫn nên dùng nước lọc để bù nước cho cơ thể. Như vậy đối với người bình thường (không bị mất chất khoáng nhiều như những đối tượng kể trên) thì không khuyến khích dùng nước khoáng thường xuyên, mặc dù nếu thận hoạt động tốt thì những chất khoáng thừa vẫn được thải ra ngoài.
Nếu bé yêu chơi thể thao hay sinh hoạt ngoài trời nắng nóng mất nhiều mồ hôi, bạn phải cho con uống thêm nước sao cho cân nặng không giảm nhiều và nước tiểu của bé được pha loãng đến độ vàng trong (khi thấy nước tiểu màu vàng cam sậm là bé đã bị thiếu nước).
Rau, củ và trái cây là những thực phẩm giàu nước, vitamin và chất xơ, góp phần rất lớn trong quá trình loại bỏ độc chất khỏi cơ thể, có tác dụng rõ rệt trong phòng ngừa và điều trị mụn nhọt, táo bón, lở miệng… là những biểu hiện “nóng trong người” thường gặp.
Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy
(Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)