Hội chứng parkinson là một bệnh lý thoái hóa của hệ thần kinh và tiến triển từ từ tăng dần. Người mắc Parkinson có thể chung sống với bệnh trong nhiều năm và dễ bị nhầm lẫn với bệnh tuổi tác. Đây là hội chứng thường thấy ở người cao tuổi (tuổi khởi bệnh trung bình từ 58 đến 60) và có xu hướng trẻ hóa về tuổi phát bệnh.
Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ những thông tin về hội chứng parkinson để người đọc có thể biết phòng chống cũng như phát hiện kịp thời bệnh lý này.
Hội chứng parkinson (parkinsonism) là gì ?
Hội chứng Parkinson là một khái niệm chung để chỉ các bất thường về vận động tương tự như trong bệnh Parkinson: run tay, đi lại chậm, cứng tay chân…Trong giai đoạn đầu của bệnh, rất khó có thể phân biệt rõ ràng được đâu là bệnh Parkinson, đâu là hội chứng giống Parkinson.
Thông thường, các triệu chứng trong hội chứng Parkinson tiến triển nhanh hơn, đi kèm với các triệu chứng khác như hoang tưởng, liệt đưa mắt nhìn lên/ xuống, hay ngã từ khi mới bị và không đáp ứng với thuốc điều trị bệnh Parkinson (Levodopa) hoặc đáp ứng chỉ trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên có rất nhiều người bệnh không có đủ các triệu chứng điển hình để chẩn đoán một bệnh cụ thể và bác sĩ chỉ có thể dùng khái niệm Hội chứng Parkinson. Đôi khi việc chẩn đoán xác định chỉ dựa vào việc khám nghiệm não người bệnh (brain autopsy) sau khi chết.
Nguyên nhân gây hội chứng parkinson
Hiện nay, các nhà khoa học chưa có lời lý giải nào về nguyên nhân các tế bào não sản sinh chất dẫn truyền thần kinh bị thoái hóa và chết đi. Nhìn chung, chỉ có thể đưa ra một số yếu tố gây bệnh khác nhau như: do tuổi tác (lớn tuổi), do di truyền, do yếu tố môi trường, chấn thương phần đầu, thậm chí có thể là do virus…
Triệu chứng thường gặp của hội chứng parkinson
Hội chứng Parkinson có thể biểu hiện khác nhau ở mỗi người. Những triệu chứng sớm thường nhẹ và không được chú ý. Các triệu chứng này có xu hướng khởi phát ở một bên cơ thể và tiếp tục nặng hơn ở phía bên đó, ngay cả sau khi các triệu chứng bắt đầu ảnh hưởng đến cả hai bên.
Một số dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của hội chứng Parkinson bao gồm:
- Các cơn run bắt đầu ở một chi, thường là bàn tay và các ngón tay.
- Gặp khó khăn trong việc thực hiện các động tác đơn giản, ví dụ như thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng.
- Cứng khớp và cơ bắp, từ đo hạn chế phạm vi chuyển động và gây đau trong mỗi cử động.
- Giữ thăng bằng kém.
- Giảm khả năng thực hiện các chuyển động tự động, vô thức (chớp mắt, mỉm cười hoặc đung đưa cánh tay khi đi bộ…)
- Thay đổi cách nói chuyện hoặc viết chữ
Chẩn đoán
Hiện nay chưa có một phương pháp kiểm tra cụ thể nào giúp chẩn đoán xác định bệnh Parkinson với hội chứng Parkinson hoặc phân biệt giữa các hội chứng Parkison với nhau. Bác sĩ sẽ dựa vào bệnh sử của bệnh nhân, khám lâm sàng và một số xét nghiệm để đưa ra nhận định ban đầu. Trong nhiều trường hợp rất khó để nhận biết hội chứng Parkinson.
Vì vậy chẩn đoán có thể sẽ được bác sĩ xem xét lại dựa vào tiến triển của bệnh, dựa vào sự đáp ứng với các thuốc điều trị hoặc sự xuất hiện thêm các triệu chứng mới. Các giai đoạn tiến triển của hội chứng Parkinson:
- Giai đoạn 1: Có các dấu hiệu ở 1 bên cơ thể, bệnh nhân vẫn tự chủ trong các sinh hoạt.
- Giai đoạn 2: có các dấu hiệu ở hai bên nhưng không bị mất thăng bằng.
- Giai đoạn 3: có triệu chứng cả 2 bên cơ thể có mất thăng bằng nhưng bệnh nhân vẫn tự chủ được trong hoạt động tuy có bị hạn chế.
- Giai đoạn 4: bị suy giảm chức năng nặng nhưng vẫn có thể đi đứng được cần sự hỗ trợ một phần.
- Giai đoạn 5: bệnh nhân phải ngồi xe lăn hoặc nằm tại giường, không còn tự chủ được.
Đối tượng có nguy cơ mắc hội chứng Parkinson
Người có nhiều nguy cơ mắc bệnh hội chứng Parkinson là người:
- Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc bệnh Parkinson cao gấp rưỡi phụ nữ.
- Tuổi tác: Parkinson thường xuất hiện ở độ tuổi từ 50 – 60 tuổi.
- Tiền sử gia đình: Nếu người thân trong gia đình bạn mắc bệnh, bạn cũng có nhiều nguy cơ phát triển căn bệnh này.
- Tiếp xúc nhiều với hóa chất: Tiếp xúc với một số chất độc có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Parkinson
- Chấn thương đầu: Những người đã từng gặp chấn thương ở đầu dễ mắc hội chứng Parkinson hơn người bình thường.
Điều trị bệnh Parkinson
Hiện nay, biện pháp điều trị hội chứng parkinson chủ yếu dựa vào thuốc và luyện tập phục hồi. Trong một số trường hợp và kỹ thuật cho phép thì có thể phẫu thuật não để chữa trị.
Các nhóm thuốc điều trị bệnh parkinson
Thuốc có thể giúp bạn quản lý các vấn đề về đi lại, vận động và run rẩy. Các loại thuốc này làm tăng hoặc thay thế cho hormone dopamine, một chất dẫn truyền tín hiệu thần kinh (neurotransmitter) trong não của bạn.
Thuốc điều trị Parkinson mà bác sĩ có thể kê bao gồm:
- Carbidopa-levodopa
- Chất đồng vận dopamine
- Thuốc ức chế MAO-B
- Thuốc kháng cholinergic
Bác sĩ sẽ cho phép bắt đầu bằng liều thấp, tăng dần tới liều tác dụng và duy trì liều, nếu muốn thay thế thuốc khác phải thay thế dần dần, không dừng đột ngột. Khi dùng thuốc có thể xảy ra 1 phản ứng phụ như khô mắt, khô miệng, buồn ngủ, nhịp tim nhanh, dị ứng, hạ huyết áp tư thế, loạn nhịp tim, đau bụng, buồn nôn, khó tiêu, táo bón… liều cao có thể gây lú lẫn, ảo giác, kích động.
Phẫu thuật
Trong phẫu thuật kích thích não sâu (DBS), bác sĩ sẽ cấy ghép điện cực vào một phần cụ thể của bộ não. Các điện cực được kết nối với một máy phát điện được cấy vào ngực của bạn gần xương đòn sẽ gửi các xung điện để não của bạn hoạt động và có thể làm giảm triệu chứng bệnh Parkinson.
Tai biến, biến chứng hay gặp
Hội chứng parkinson sẽ dần tiến triển nặng lên, đi kèm các tai biến, biến chứng như:
- Suy mòn, suy kiệt do chức năng đường ruột kém, bệnh nhân run nhiều mất năng lượng.
- Thiếu vitamin D nên dễ gây loãng xương do tình trạng ít vận động.
- Nguy cơ gãy xương cao, nhất là gãy cổ xương đùi do mất thăng bằng và loãng xương
- Bội nhiễm phổi hoặc viêm phổi nhất là giai đoạn nặng do bệnh nhân suy mòn kết hợp co cứng cơ nên mất khả năng ho khạc.
Phòng ngừa bệnh Parkinson
Để phòng ngừa khởi phát hội chứng parkinson, ngay từ bây giờ cần phải:
- Tắm nắng dưới ánh nắng mặt trời thường xuyên để bổ sung đủ vitamin D cho cơ thể.
- Uống trà xanh hàng ngày có tác dụng ngăn không cho độc tố có thể giết chết tế bào thần kinh thâm nhập vào não.
- Sử dụng cà phê hợp lý giúp ngăn ngừa nhiều vấn đề sức khỏe, trong đó giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
- Tránh xa môi trường độc hại, đặc biệt thuốc diệt trừ sâu…
- Bổ sung nguồn dinh dưỡng từ những loại hoa quả giàu flavonoid.
- Có chế độ tập thể dục khoa học.
Hội chứng parkinson khiến các cử động, vận động sinh hoạt hàng ngày trở nên khó khăn bất tiện hơn. Ai cũng có nguy cơ mắc bệnh này vậy nên hãy chăm sóc bản thân thật khoa học. Và đừng quên thực hiện các cách phòng ngừa bệnh parkinson trên nhé!