Đau nửa đầu có thể dẫn đến nhiều bất tiện trong sinh hoạt và trong một số tình huống, đây có thể là dấu hiệu của những bệnh lý nguy hiểm. Hãy cùng Mẹ và Con tìm hiểu những nguyên nhân đau nửa đầu trong bài viết sau đây nhé!
Nguyên nhân đau nửa đầu
Hiện tượng đau nửa đầu có thể là nguyên phát (bệnh nhẹ không gây chết người) nhưng cũng có thể là đau nửa đầu thứ phát (bệnh nặng có thể gây chết người, cần phát hiện sớm điều trị kịp thời).
Thay đổi nội tiết tố
Sự thay đổi nồng độ các hormone như estrogen trong khoảng thời gian hành kinh chính là nguyên nhân đau nửa đầu thường gặp ở chị em phụ nữ. Thông thường cơn đau sẽ kéo dài từ trước kỳ kinh 1-2 ngày và có thể đến sau khi kết thúc thời gian hành kinh 2-3 ngày.
>> Xem thêm: 4 cách giúp dễ chịu hơn trong chu kỳ kinh nguyệt
Cơn đau nửa đầu do nội tiết tố thay đổi còn có thể xuất hiện vào thời kỳ phụ nữ mang thai hoặc tiền mãn kinh – những thời điểm nồng độ hormone tăng hoặc giảm nhanh chóng, đột ngột.
Do bệnh lý
Đau nửa đầu là bệnh gì? Theo đó, nguyên nhân đau nửa đầu có thể do các bệnh nhẹ như cảm cúm, cảm lạnh, đau đầu migraine,… hoặc do các bệnh lý nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, dị dạng mạch máu não, viêm động mạch tế bào khổng lồ,… gây ra.
Suy giảm sức khỏe thể chất
Sức khỏe càng yếu thì nguy cơ đau nửa đầu càng cao. Cụ thể, những người phải thường xuyên thức khuya, làm việc đêm, có ít thời gian để nghỉ ngơi rất dễ bị đau nửa đầu. Ngoài ra, nguyên nhân đau nửa đầu còn xuất phát do ngủ ít, ngủ kém, chất lượng giấc ngủ chưa tốt, hay ngủ chập chờn không sâu giấc,…
Do căng thẳng
Nguyên nhân đau nửa đầu có thể xuất phát từ yếu tố tâm lý. Sức khỏe tinh thần suy giảm, thường xuyên lo lắng căng thẳng, sống trong áp lực,… có thể làm tăng nguy cơ đau nửa đầu. Bên cạnh đó, những người vừa trải qua chấn thương tâm lý, gặp những sự kiện buồn như người thân qua đời, ly hôn, bị đuổi việc,… cũng dễ bị đau nửa đầu hơn.
Do chế độ dinh dưỡng
Cơ thể chúng ta sẽ phản ánh một cách rõ ràng nhất những loại thực phẩm mà chúng ta ăn hằng ngày. Một chế độ dinh dưỡng “nghèo nàn”, thường xuyên uống caffein hay rượu, bia và thức uống có cồn sẽ khiến bạn dễ bị chứng đau nửa đầu.
>> Xem thêm: Chứng đau nửa đầu migraine là gì
Bên cạnh đó, nguyên nhân đau nửa đầu còn có thể là do các loại thức ăn có chứa tyramine, chẳng hạn như phô mai, các loại hạt, rượu vang đỏ, các loại thịt chế biến sẵn, gan gà, sữa chua, trái cây có múi,…
Người có chế độ ăn uống thất thường, hay bỏ bữa, não thiếu glucose để duy trì hoạt động cũng có nguy cơ bị đau nửa đầu cao hơn so với các đối tượng khác.
Do tác động từ môi trường
Nhiều người sẽ cảm thấy dễ bị đau nửa đầu hơn khi ở những môi trường “kém thuận lợi”, âm thanh quá lớn, phòng có khói thuốc lá hoặc có mùi khó chịu, đèn quá sáng hoặc nhấp nháy liên tục,… Cơn đau nửa đầu cũng có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu ở trong không gian chật hẹp, ngột ngạt,…
Nguyên nhân đau nửa đầu do thuốc
Trong một số trường hợp, bạn có thể bị đau nửa đầu do tác dụng phụ của các loại thuốc. Và những người tự ý sử dụng thuốc đau đầu, lạm dụng thuốc quá mức sẽ kích thích cơn đau nghiêm trọng hơn.
Một số loại thuốc có thể gây đau nửa đầu nghiêm trọng bao gồm: ibuprofen, aspirin, tylenol, các dẫn xuất ergotamine, tramadol, naproxen, hydrocodone,…
Chấn thương vùng đầu, não
Chấn thương vùng đầu, não do té ngã, va đập có thể là nguyên nhân đau nửa đầu do máu hoặc dịch tích tụ dưới sọ. Có khoảng 30% trường hợp đau đầu hoặc đau nửa đầu sau chấn thương.
Nếu cơn đau đi kèm với những biểu hiện bất thường như tay chân run rẩy, không thể nói chuyện rõ ràng, cơn đau ngày càng nghiêm trọng,… thì nên đến bệnh viện để được kiểm tra càng sớm càng tốt.
Các nguyên nhân đau nửa đầu khác
Ngoài ra, nguyên nhân đau nửa đầu cũng có thể do các yếu tố khác, chẳng hạn như đội mũ bảo hiểm quá chật, tạo kiểu tóc quá chặt, đột ngột thay đổi giờ giấc sinh hoạt, dùng thiết bị điện tử quá mức,… Cơn đau nửa đầu cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ không nên xem thường.
Cần làm gì khi bị đau nửa đầu?
Những cơn đau nửa đầu có thể thoáng qua rồi hết nhanh chóng nhưng cũng có thể kéo dài và khiến bạn cảm thấy khó chịu. Vậy khi bị đau nửa đầu thì cần làm gì? Theo các chuyên gia, để cải thiện cơn đau và điều trị dứt điểm tình trạng đau nửa đầu, nên:
- Nghỉ ngơi nhiều hơn: Khi bị đau đầu, nên tìm không gian tối và yên tĩnh để nghỉ ngơi, cố gắng ngủ đủ giấc để cơn đau được thuyên giảm.
- Ăn uống lành mạnh: Nên hạn chế các loại thực phẩm là nguyên nhân của cơn đau nửa đầu, cố gắng uống nhiều nước và ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, không bỏ bữa.
- Áp dụng các biện pháp thư giãn: Đau nửa đầu có thể do căng thẳng quá mức. Vì thế, có thể nghe nhạc, đọc sách hay tham gia những hoạt động giúp bạn cảm thấy được thư giãn.
- Không lạm dụng thuốc: Không nên tự ý sử dụng các loại thuốc trị đau nửa đầu mà nên hỏi ý kiến bác sĩ để tránh bị đau đầu do lạm dụng thuốc quá mức.
- Theo dõi cơn đau: Nên ghi lại thời gian đau (vào buổi sáng, trưa hay chiều tối, có trong thời gian hành kinh hay mang thai không), cơn đau năng hay nhẹ, trước khi cơn đau diễn ra bạn đang làm gì, cơn đau hết nhanh hay kéo dài,… để khi đến bệnh viện thăm khám bác sĩ có thể dễ dàng tìm được nguyên nhân đau nửa đầu và có cách điều trị phù hợp.
- Đến bệnh viện: Nếu cơn đau nửa đầu của bạn không thuyên giảm dù đã nghỉ ngơi, có cảm giác đau nhói kèm với nhiều dấu hiệu “lạ” như méo miệng, không nhấc tay chân lên cao được thì nên đến bệnh viện để được kiểm tra và can thiệp càng sớm càng tốt.
Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, kết hợp với nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục thường xuyên có thể ngăn chặn nguyên nhân đau nửa đầu. Hãy điều chỉnh chế độ sinh hoạt của mình để ngăn không cho cơn đau phát tác bạn nhé!