Một điều khá đáng buồn là không phải cha mẹ nào cũng nhận ra mình thiên vị con. Khi cha mẹ không công bằng mà cho rằng mình đang đối xử bình thường thì cha mẹ đang ngày ngày tổn thương tâm hồn con trẻ mà không nhận ra. Không chỉ những đứa trẻ bị thiếu thốn tình thương hay sự quan tâm mới bị tổn thương. Hậu quả xấu có thể đến với cả đứa trẻ được yêu thích hơn.
Xem thêm: Trầm cảm vắng mẹ là gì
Vì sao cha mẹ thương con không đồng đều ?
Khi cha mẹ không công bằng và có nhiều lý do khiến cha mẹ đối xử không đồng đều với con. Trong một cuộc khảo sát gia đình với 274 bà mẹ từ 60 đến 74 tuổi và 671 người con thì kết quả cho thấy, khoảng 70% các bà mẹ có thể chọn được đứa trẻ họ thấy thân cận và gần gũi nhất. Đồng thời có khoảng 15% những người con chia sẻ họ từng cảm thấy cha mẹ phân biệt đối xử.
Như thế thì việc phân biệt này có lẽ không quá hiếm hoi như nhiều người vẫn tưởng. Vấn đề là nhiều phụ huynh tin rằng mình đang đối xử công bằng. Họ không thể tự nhận thức được để thay đổi hành vi. Vậy đâu là lý do cha mẹ thiên vị con cái?
- Do tính cách đứa trẻ: cha mẹ hẳn sẽ thích đứa con ngoan ngoãn, dễ bảo hoặc có đặc điểm tính cách tương đồng với mình.
- Do thời gian sống cùng nhau: nếu gia đình không ở cùng nhau thì cha mẹ có xu hướng thích đứa con ở gần cạnh bên nhất.
- Do giới tính: đặc biệt là ở châu Á, khi tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại thì cha mẹ thiên vị con trai là chuyện rất thường thấy. Nhiều gia đình sẽ sẵn sàng thỏa mãn mọi nhu cầu của cậu con trai cầu tự.
- Do thứ tự anh chị em: con cả và con út thường được quan tâm chăm sóc nhiều nhất.
- Do tâm lý muốn bù đắp cho con cái, chẳng hạn như bù đắp cho đứa con ốm yếu hơn, sinh trong giai đoạn kinh tế khó khăn hơn…
Dấu hiệu phân biệt đối xử trong gia đình
Dấu hiệu để nhận biết khi cha mẹ không công bằng và sự phân biệt đối xử không phải lúc nào cũng rõ mồn một. Trẻ con rất nhạy cảm, đôi khi chỉ một hành động nhỏ cũng khiến chúng cảm thấy mình bị cho ra rìa, không được yêu thương. Đặc biệt là nếu cha mẹ so sánh giữa anh chị em hoặc bắt những đứa lớn hơn phải “nhường em”.
Một số hành động rõ ràng hơn có thể là: không chừa phần đồ ăn cho con, ít khoe con (thậm chí chê) trước mặt họ hàng bạn bè, cho tiền tiêu vặt ít hơn hoặc không cho, cắt quyền lợi của một bé để dành tài nguyên (ví dụ học thêm) cho đứa trẻ khác…
Nặng nề hơn, nhất là khi cha mẹ phân biệt giới tính thì có thể là trong cách giáo dục con cái, phân chia việc nhà “con gái thì phải biết làm việc nhà, đàn ông không cần”.
Hậu quả khi cha mẹ không công bằng
Khi cha mẹ không công bằng sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của những đứa con. Rất khó để có tiêu chuẩn đánh giá bởi mỗi đứa trẻ là một con người độc lập với suy nghĩ, cảm nhận rất riêng. Một câu nói tổn thương A không có nghĩa nó cũng sẽ gây tổn thương B tương tự.
Tổn thương tâm lý khi cha mẹ không công bằng
Trẻ con dễ có tâm lý so bì và rất nhạy cảm trước sự quan tâm. Chỉ một vài thay đổi nhỏ thì trẻ đã có thể cảm giác được có điều gì đó không ổn. Đứa trẻ bị lơ là này sẽ thấy cô đơn, lạc lõng, uất ức và thấy không công bằng.
Xem thêm: Bí quyết giúp con hòa thuận với anh chị em
Trẻ có thể sẽ rất cố gắng để lấy lòng cha mẹ nhưng không thành công. Sau một thời gian, tâm lý của chúng sẽ thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Những hành động, lời nói thể hiện sự phân biệt đó sẽ ăn sâu vào vô thức và có thể tạo ra suy nghĩ mình bất tài, vô dụng, do mình sai nên không được cha mẹ yêu thương.
Những người này dù lớn lên vẫn sẽ thu mình trong vỏ ốc và luôn nhận mọi phần lỗi về mình. Họ cũng có thể trở thành kiểu người luôn cố gắng làm hài lòng người khác và sợ hãi bị bỏ rơi (như cha mẹ họ đã làm).
Ảnh hưởng đến trẻ ngay cả khi trưởng thành
Không phải cứ được cha mẹ thiên vị, yêu thương nhiều hơn là tốt. Điều này hẳn bạn có thể thấy rõ nếu quan sát các gia đình đông con mà chỉ có độc một cậu con trai. Đứa con này có thể nảy sinh tâm lý “ưu việt”. Rằng chúng được yêu thương nhất, được thỏa mãn mọi nhu cầu là bình thường. Mặt khác, sự bảo bọc quá mức từ gia đình cũng dễ khiến những đứa trẻ này chới với khi bước chân vào xã hội.
Khi cha mẹ không công bằng sẽ làm rạn nứt tình cảm gia đình
Trong nghiên cứu khác được thực hiện tại Đại học Michigan và California chỉ ra rằng, sự ganh tị với những đứa trẻ khác trong gia đình sẽ làm rạn nứt tình cảm. Anh chị em trong nhà ganh ghét, tranh giành sự chú ý của người lớn có thể sẽ tổn thương nhau.
Đôi khi, sự ganh ghét này kéo dài mãi cho đến khi họ trưởng thành. Đặc biệt là nếu xảy ra mâu thuẫn gia đình, tranh chấp mà cha mẹ thiên vị và giải quyết không công bằng.
Xem thêm: Cách dàn xếp mâu thuẫn gia đình
Tệ hơn, đứa trẻ có thể sinh ra tâm lý thù ghét và phá hoại. Nhiều trường hợp bạo hành trong gia đình cũng chính từ sự thiên vị, bất công với con cái của cha mẹ. Không chỉ thế, văn hóa ở ta người lớn vẫn thích trêu trẻ nhỏ là “có em thì mẹ hết thương con”.
Điều này làm nảy sinh suy nghĩ “nếu không còn em nữa thì…” Và trong thực tế đã có không ít câu chuyện thương tâm chỉ vì những lời bông đùa “có em thì không có chỗ cho anh/chị”.
Có thể nói, khi cha mẹ không công bằng thì dù ít dù nhiều cũng sẽ tạo vết xước lên tâm hồn con trẻ. Tin rằng ai cũng mong con được hạnh phúc, thành công thế nên mong bậc làm cha mẹ hãy cho con cảm giác công bằng, an toàn, được yêu thương. Nhận thức và kiểm soát hành động, lời nói để không gây tổn thương cho con dù có thể trong lòng bạn vẫn có đôi chút thiên vị là cách tốt nhất để tránh phân biệt đối xử trong gia đình.