Việc thỉnh thoảng cảm thấy lo lắng về một điều gì đó là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy lo lắng quá mức, liên tục và khó kiểm soát nỗi lo của mình, để nỗi lo cản trở các hoạt động hàng ngày thì rất có thể bạn đang mắc chứng rối loạn lo âu lan tỏa và điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất cũng như cuộc sống của bạn.
Rối loạn lo âu lan tỏa là gì ?
Rối loạn lo âu lan tỏa (tiếng Anh gọi là Generalized anxiety disorder – GAD) là một dạng bệnh lý thần kinh. Người mắc bệnh thường lo lắng quá mức, phóng đại sự lo lắng về các sự kiện cuộc sống hàng ngày mà không có lý do rõ ràng.
Những người có các triệu chứng của rối loạn lo âu lan tỏa có xu hướng tiêu cực hóa mọi thứ, luôn nghĩ mọi thứ xảy ra ở tình huống xấu nhất và không thể ngừng lo lắng về sức khỏe, tiền bạc, gia đình, công việc,….
Ở những người bị rối loạn lo âu lan tỏa, nỗi lo lắng của họ thường không thực tế hoặc không phù hợp với tính chất cuộc sống hiện tại. Nỗi lo lắng thậm chí có thể chi phối suy nghĩ của họ đến mức họ cảm thấy khó thực hiện những việc thường ngày ở cơ quan hoặc trường học, gặp khó khăn trong việc giao tiếp với mọi người và không thể sống một cuộc sống như bình thường,…
Triệu chứng rối loạn lo âu lan tỏa
Các triệu chứng rối loạn lo âu lan tỏa có thể khác nhau. Bạn có thể chỉ mắc một vài triệu chứng trong số các triệu chứng được liệt kê dưới đây:
- Lo lắng quá mức, tần suất lo lắng diễn ra liên tục
- Lo lắng về một vấn đề có tính chất hoàn toàn bình thường
- Suy nghĩ kỹ các kế hoạch và giải pháp cho tất cả các kết quả có thể xảy ra trong trường hợp xấu nhất
- Nhận thấy những tình huống xấu nhất và tin rằng chúng sẽ xảy ra theo cách bạn suy nghĩ dù hiện tại không có một dấu hiệu nào cho thấy tình huống này sẽ xảy ra theo chiều hướng mà bạn suy nghĩ
- Do dự và sợ đưa ra quyết định sai lầm
- Khó xử lý những tình huống diễn ra do không chắc chắn
- Không có khả năng gạc mọi thứ qua một bên, bỏ qua sự lo lắng của mình
- Không có khả năng thư giãn, luôn cảm thấy bồn chồn, căng thẳng hoặc khó chịu
- Khó tập trung hoặc cảm giác đầu óc “trống rỗng”
Các dấu hiệu thể chất của người bị rối loạn lo âu lan tỏa có thể bao gồm:
- Mệt mỏi
- Khó ngủ, hay gặp ác mộng, dễ bị tỉnh giấc giữa đêm, ngủ chập chờn không sâu giấc
- Căng cơ hoặc đau nhức cơ
- Run rẩy, co giật
- Dễ bị giật mình
- Đổ mồ hôi
- Buồn nôn, tiêu chảy hoặc hội chứng ruột kích thích
- Cáu gắt
Nhìn chung, người bị rối loạn lo âu lan tỏa sẽ bị “nhấn chìm” trong những lo lắng vô hình, kể cả khi không có bất kỳ lý do rõ ràng nào. Và nếu mắc bệnh rối loạn lo âu lan tỏa, bạn cũng có nguy cơ mắc các rối loạn lo âu khác như rối loạn hoảng sợ hoặc rối loạn ám ảnh cưỡng chế, trầm cảm, dễ lạm dụng ma túy hoặc nghiện thuốc lá, nghiện rượu.
Các triệu chứng rối loạn lo âu lan tỏa ở trẻ em và thanh thiếu niên
Trẻ em và thanh thiếu niên có thể bị rối loạn lo âu lan tỏa hay không? Câu trả lời chính là có! Căn bệnh này không chỉ phổ biến ở người lớn mà ngay cả trẻ em cũng có nguy cơ mắc bệnh. Theo đó, trẻ em và thanh thiếu niên bị rối loạn lo âu lan tỏa có thể có những lo lắng quá mức về:
- Các sự kiện, các buổi biểu diễn, các hoạt động sinh hoạt ở trường
- Sự an toàn cho các thành viên trong gia đình
- Đúng giờ
- Động đất, chiến tranh hạt nhân hoặc các sự kiện thảm khốc khác
- …
Nhìn chung, trẻ có thể lo lắng về tất cả mọi thứ mà trẻ có thể nghĩ đến, dù cho đó là gì. Chẳng hạn như trẻ có thể lo mình làm bài kiểm tra không được điểm tốt dù cho trước đó đã học bài rất cẩn thận. Trẻ cũng có thể lo lắng mình bị muộn học kể cả khi con đi học sớm.
Một đứa trẻ lo lắng quá mức có thể đánh mất đi sự tự tin của bản thân, dành quá nhiều thời gian để kiểm tra mọi thứ hoặc làm đi làm lại một điều gì đó, cầu toàn quá mức cần thiết, luôn nỗ lực hơn, gặp khó khăn trong giao tiếp với những người xung quanh vì tâm trí trẻ lúc này tập trung vào nỗi lo lắng của mình,…
Nguyên nhân và biến chứng của bệnh rối loạn lo âu lan tỏa
Nguyên nhân bệnh rối loạn lo âu lan tỏa
Cũng như nhiều bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần, nguyên nhân của rối loạn lo âu lan tỏa có thể xuất phát từ các yếu tố sinh học và môi trường, từ những người xung quanh. Theo đó, các nguyên nhân và yếu tố làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu lan tỏa bao gồm:
- Yếu tố di truyền: Một số nghiên cứu cho thấy rằng tiền sử gia đình đóng một phần trong việc khiến một người có nhiều khả năng mắc rối loạn lo âu lan tỏa hơn. Dù cho hiện nay không có một mã gen nào được cho là “gen lo lắng” di truyền giữa các thành viên trong gia đình nhưng các bác sĩ cho biết, người sống trong gia đình có thành viên mắc bệnh sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Do vấn đề thần kinh: Rối loạn lo âu lan tỏa có liên quan đến các vấn đề ở tế bào thần kinh chịu trách nhiệm về suy nghĩ và cảm xúc. Thông thường, các tế bào thần kinh kết nối với nhau thông qua các chất hóa học được gọi là chất dẫn truyền thần kinh, giúp gửi thông tin từ tế bào thần kinh này sang tế bào thần kinh tiếp theo. Nếu các kết nối ở các vùng não cụ thể không hoạt động tốt thì có thể dẫn đến các vấn đề liên quan đến tâm trạng, khiến bạn bị lo lắng quá mức.
- Yếu tố môi trường: Từng bị chấn thương, trải qua các ký ức không tốt như bị ngược đãi, bị xâm hại tình dục, người thân qua đời, ly hôn, bị đuổi việc,… đều là yếu tố làm tăng nguy cơ bị rối loạn lo âu lan tỏa. Ngoài ra, người đang cai nghiện (cà phê, rượu, thuốc lá, ma túy,…) cũng dễ mắc bệnh hơn.
- Yếu tố giới tính: Phụ nữ được chẩn đoán có nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu lan tỏa cao hơn so với hơn nam giới.
- Do tính cách: Đây chỉ là một yếu tố làm tăng nguy cơ bị rối loạn lo âu lan tỏa. Theo đó, người có tính khí nhút nhát hoặc tiêu cực, có xu hướng sợ gặp rủi ro sẽ dễ bị rối loạn lo âu lan tỏa hơn.
Biến chứng bệnh rối loạn lo âu lan tỏa
Người bị rối loạn lo âu lan tỏa có thể gặp nhiều biến chứng về sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần, chất lượng cuộc sống suy giảm rõ rệt. Cụ thể, nếu người mắc bệnh không điều trị sẽ:
- Tăng nguy cơ trầm cảm
- Bị suy giảm khả năng thực hiện công việc nhanh chóng và hiệu quả vì bạn khó tập trung
- Không thể dành thời gian để tập trung vào các hoạt động sống
- Gặp các vấn đề về tiêu hóa hoặc ruột, chẳng hạn như hội chứng ruột kích thích hoặc loét dạ dày
- Nhức đầu và đau nửa đầu
- Khó ngủ và mất ngủ
- Các vấn đề về sức khỏe tim mạch
- Bị ám ảnh
- Rối loạn hoảng sợ
- Rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD)
- Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)
- Trầm cảm
- Có suy nghĩ tự tử
- Lạm dụng chất gây nghiện
Điều trị rối loạn lo âu lan tỏa
Để chữa rối loạn lo âu lan tỏa, bác sĩ có thể cho bạn sử dụng một số thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm. Ngoài ra, bạn cũng nên trò chuyện với những người thân xung quanh mình để giải tỏa cảm xúc lo lắng.
Bên cạnh đó, việc thực hiện một số liệu pháp giảm căng thẳng như tập yoga, chạy bộ, xem phim, đi mua sắm, vẽ tranh, viết nhật ký,… cũng giúp bạn cải thiện và phòng ngừa rối loạn lo âu lan tỏa một cách hiệu quả. Hơn nữa, một chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất cũng có thể giúp đẩy lùi bệnh.
Chứng rối loạn lo âu lan tỏa có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều có thể giảm đáng kể các triệu chứng bệnh khi được cách điều trị rối loạn lo âu thích hợp. Vì thế, nếu cảm thấy mình đang lo lắng quá mức cần thiết, đừng ngại tìm đến bác sĩ để được kiểm tra sức khỏe bạn nhé!