Từ xưa đến nay, xã hội luôn có rất nhiều tiêu chuẩn về cái đẹp. Điều này khiến những người sinh ra với gương mặt, cơ thể không giống chuẩn sẽ dễ bị mặc cảm ngoại hình.
Một người phụ nữ đẹp phải là một người có đôi chân dài thẳng tắp, vòng eo thon gọn, làn da trắng mịn không tì vết? Một người đàn ông đẹp là một người cao ráo, có cơ bụng, hàm răng đều tăm tắp?
Và vô tình, nếu bạn không đẹp theo quy chuẩn, bạn sẽ dễ bị mặc cảm vì ngoại hình xấu. Lâu dần, điều này sẽ trở thành một căn bệnh khó chữa.
Hội chứng mặc cảm ngoại hình
Hội chứng mặc cảm ngoại hình hay còn được gọi là hội chứng sợ xấu, hội chứng BDD. Hội chứng này khiến bạn tự ti, lo lắng về ngoại hình của mình, kể cả những khiếm khuyết nhỏ trên cơ thể. Thậm chí, người mắc chứng mặc cảm ngoại hình còn lo lắng về cả những khiếm khuyết không có thật.
Chứng mặc cảm ngoại hình thường bắt đầu ở độ tuổi dậy thì và kéo dài đến suốt cuộc đời. Theo thống kê, tỷ lệ người mắc chứng mặc cảm ngoại hình rơi vào khoảng 1-2%, trong đó số người từng phẫu thuật thẩm mỹ chiếm khoảng 2-15%.
Nguyên nhân, biểu hiện của mặc cảm ngoại hình
Biểu hiện thường gặp của người mắc hội chứng sợ xấu
Những người mắc chứng mặc cảm ngoại hình thường có biểu hiện như:
+ Ngại tiếp xúc với người khác, cho rằng họ đang nhìn vào những khiếm khuyết trên cơ thể của mình.
+ Liên tục suy nghĩ về các bộ phận trên cơ thể, cho rằng có điều gì đó không ổn (kể cả khi mọi thứ vẫn hoàn toàn bình thường).
+ Chú ý quá mức đến một số bộ phận, đặc biệt là các bộ phận dễ bị người khác nhìn thấy như răng, mũi, tóc, nốt ruồi, sẹo,…
+ Dành quá nhiều thời gian để chăm chút, quan tâm đến ngoại hình của mình, liên tục soi gương kiểm tra các bộ phận trên cơ thể.
+ Thường xuyên đến thẩm mỹ viện, nha sĩ để chỉnh sửa các khiếm khuyết trên cơ thể nhưng luôn cảm thấy không hài lòng, “nghiện” thẩm mỹ
+ Từ chối chụp ảnh vì sợ để lộ các nét chưa đẹp trên cơ thể.
+ Tự ti, luôn so sánh cơ thể của mình với những người xung quanh.
Những bận tâm về cơ thể thường gặp
Người bị mặc cảm ngoại hình thường bận tâm đến những vấn đề như:
- Hình dáng tóc, độ dày mỏng của tóc
- Hói đầu
- Da mặt nhiều nếp nhăn, đổ dầu, có mụn
- Kích thước ngực
- Kích cỡ dương vật
Những mối bận tâm này có thể thay đổi theo thời gian. Tuy nhiên, nếu các mối bận tâm càng mãnh liệt và càng diễn ra thường xuyên thì cho thấy tình trạng bệnh của bạn càng nghiêm trọng.
Nếu không tìm ra nguyên nhân và kịp thời điều trị, bạn sẽ trở nên tự ti, thu hẹp bản thân, tránh tiếp xúc với mọi người xung quanh, ảnh hưởng đến các mối quan hệ của bản thân.
Người thường xuyên phẫu thuật thẩm mỹ không chỉ tốn tiền mà còn dễ đối diện với nguy cơ phẫu thuật thất bại, nhiễm trùng, tử vong…
Việc mặc cảm ngoại hình khiến bạn dành thời gian quá mức cho việc chăm sóc ngoại hình, từ đó không có thời gian để làm bất kỳ việc nào khác.
Nguyên nhân mặc cảm ngoại hình
Hiện nay, vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác của tình trạng này. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị bệnh nhân mắc chứng mặc cảm ngoại hình.
Các chuyên gia cho biết những người bị bệnh tâm thần, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn ăn uống, sợ chỗ đông người,… sẽ có nguy cơ mắc chứng mặc cảm ngoại hình cao hơn.
Ngoài ra, những người từng trải qua cảm xúc tiêu cực, bị trêu chọc ngoại hình, bị ép phải thay đổi theo một chuẩn mực nhất định,… cũng sẽ dễ bị tự ti, mặc cảm ngoại hình hơn.
Những định kiến của xã hội, sự tác động của truyền thông về quy chuẩn cái đẹp cũng là nguyên nhân khiến ngày càng có nhiều người bị mặc cảm ngoại hình.
Chưa thể chứng minh căn bệnh này có di truyền từ cha mẹ hay không nhưng nếu trong gia đình có người mắc bệnh thì nguy cơ trẻ bị mắc chứng mặc cảm ngoại hình cũng sẽ cao hơn.
Những người từng có vẻ ngoài tương đối hoàn hảo nếu đột ngột thay đổi ngoại hình cũng dễ bị sốc tâm lý dẫn đến mặc cảm ngoại hình, chẳng hạn như phụ nữ đột ngột rạn da sau sinh, một người bị tai nạn dẫn đến nhan sắc thay đổi,…
Làm sao để hết mặc cảm vì ngoại hình?
Trò chuyện, chia sẻ
Đôi khi, vì quá chú trọng vào ngoại hình khiến bạn cho rằng mình xấu xí hơn người khác. Tuy nhiên, trên thực tế trong mắt mọi người bạn vẫn vô cùng hoàn hảo. Và không phải ai cũng nhìn vào ngoại hình của bạn. Vẫn có rất nhiều người yêu thương bạn vì tính cách, tài năng của bạn.
Vì thế, nếu bạn cảm thấy mặc cảm ngoại hình, bạn có thể trò chuyện, chia sẻ với những người thân yêu của mình để nhận ra rằng, mình vẫn được quý mến nhiều đến dường nào, dù cho ngoại hình của bạn có ra sao đi chăng nữa.
Tin vào giá trị của bản thân
Không thể phủ định, ngoại hình có tầm quan trọng nhất định trong giao tiếp. Tuy nhiên, “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.
Thay vì mãi chăm chút vào ngoại hình, bạn nên tin vào những giá trị khác của bản thân và tập trung trau dồi học thức, kinh nghiệm, kỹ năng sống,… để có thể nhận được sự tôn trọng từ mọi người.
Viết ra những khiếm khuyết của cơ thể
Bạn thấy cơ thể mình “xấu” ở điểm nào? Hãy viết ra những điểm bạn chưa hài lòng. Việc viết ra có thể giúp bạn nhận ra, bạn không hề xấu xí như bản thân mình vẫn tưởng tượng.
Trao đổi với bác sĩ
Nếu nhận thấy bản thân đang bị mặc cảm ngoại hình quá mức, lo lắng về khuyết điểm không có thực, có ý định làm tổn thương bản thân hoặc những người xung quanh khi bị chê bai dè bỉu, bạn nên đến gặp bác sĩ để được điều trị, tránh các tình huống xấu có thể xảy ra.
Bác sĩ có thể trị liệu nhận thức, cho bạn sử dụng thêm một số loại thuốc để giúp bạn vượt qua khó khăn của mình. Vì mặc cảm ngoại hình cũng là một dạng bệnh lý tâm thần nên trong quá trình điều trị, bạn nên thật sự kiên trì không bỏ cuộc.
Mặc cảm ngoại hình, chứng bệnh rối loạn khiếm khuyết cơ thể khiến chúng ta luôn “sợ xấu”, luôn tự ti về bản thân…. Liệu bạn cũng có những triệu chứng bệnh như thế?