Những chuyến đi leo núi đòi hỏi bạn phải di chuyển một quãng đường xa nên tương đối bất tiện. Tuy nhiên, bạn vẫn muốn cho con leo núi để trẻ khám phá một hình thức vận động mới và duy trì sức khỏe thể chất? Vậy hãy cùng con thử ngay leo núi trong nhà – bộ môn thể thao đang được nhiều người yêu thích trong khoảng thời gian gần đây bạn nhé!
Leo núi trong nhà là gì?
Nghe có vẻ thật kỳ lạ phải không nào? Các ngọn núi cao thì ở ngoài thiên nhiên vậy làm sao để leo núi trong nhà?
Với hình thức leo núi trong nhà, bạn sẽ được leo lên những mô hình cao tựa như ngọn núi. Các mô hình này sẽ được phân chia thành nhiều cấp độ khác nhau, từ thấp đến cao và độ khó cũng sẽ tăng dần. Khi mới bắt đầu làm quen, bạn có thể thử với những mô hình dễ nhất, độ cao thấp. Đặc biệt, còn có cả những mô hình leo núi dành riêng cho trẻ em.
6 Lợi ích khi tham gia leo núi trong nhà
Giúp bạn vận động toàn cơ thể
Với bộ môn leo núi trong nhà, bạn sẽ phải vận động toàn bộ cơ bắp trên và dưới của cơ thể. Bạn phải dùng sức mạnh của tay, đùi, bắp chân và lưng để tự kéo mình lên và giữ cho cơ thể được thăng bằng khi ở trên không. Điều này giúp cơ bắp của bạn sẽ được rèn luyện, tăng sức mạnh và sự dẻo dai cho cơ bắp của bạn. Thường xuyên leo núi còn có thể giúp trẻ tăng chiều cao hiệu quả.
Thông thường, các bài tập thể dục chỉ tập trung vào một nhóm cơ nhất định còn với bộ môn leo núi trong nhà, bạn có thể cùng lúc rèn luyện nhiều nhóm cơ khác nhau nên rất tiết kiệm thời gian.
Cả nhà có thể cùng nhau tham gia
Một điểm cộng của bộ môn leo núi trong nhà chính là cả nhà có thể cùng nhau tham gia. Những khu leo núi trong nhà thường có nhiều mô hình kết hợp dành cho cả người lớn và trẻ em nên bố mẹ hoàn toàn có thể cho trẻ tham gia cùng. Cả gia đình có thể cùng đặt ra thử thách như ai leo lên đầu tiên hoặc chia thành từng đội để tham gia với nhau.
Như vậy, cả gia đình có thể cùng nhau tham gia rèn luyện sức khỏe và tạo nên nhiều kỷ niệm cùng nhau, để các thành viên thêm gắn kết, rút ngắn khoảng cách thế hệ.
Cải thiện sức khỏe tim mạch
Leo núi trong nhà là một trong những bí quyết để cải thiện sức khỏe tim mạch một cách hiệu quả. Khi leo núi, bạn phải di chuyển liên tục, từ đó khiến nhịp tim tăng cao, cơ thể cũng đốt cháy nhiều calo hơn. Có thể so sánh, việc leo núi trong nhà cũng giống như cùng lúc vừa tập gym vừa tập cardio vậy.
Nếu thường xuyên tham gia bộ môn leo núi trong nhà này thì bạn có thể cải thiện sức khỏe tim mạch, giúp tim khỏe hơn, hạn chế các bệnh về tim một cách đáng kể.
Hỗ trợ giảm cân
Một buổi leo núi trong nhà có thể hỗ trợ đốt cháy từ 500-900 calo, tương đương (thậm chí còn vượt trội hơn) so với một buổi luyện tập trên máy chạy bộ. Với những cha mẹ đang lên kế hoạch giảm cân cho trẻ thì có thể dành thời gian để hướng dẫn trẻ leo núi trong nhà từ 2-3 lần/tuần và bất ngờ với kết quả mà đạt được.
Tăng cường chức năng não
Việc leo núi trong nhà có thể giúp bạn cải thiện chức năng não. Khi leo núi, não bộ phải thật sự tập trung để có thể nhận thức được tình huống đang diễn ra và đưa ra quyết định xem nên làm gì tiếp theo.
Một ví dụ đơn giản chính là nếu muốn leo lên một vị trí mới trên tường thì não bộ cần phải cẩn thận suy nghĩ xem nên đặt tay và chân ở đâu để tránh bị ngã và có thế để nâng cơ thể lên nhanh hơn. Ngoài ra, bạn cũng cần phải tính toán về thời điểm xem lúc nào thì phù hợp. Như vậy, có thể thấy với leo núi trong nhà thì bạn không chỉ cải thiện sức khỏe mà còn nâng cao khả năng xử lý của não bộ.
Hạnh phúc hơn
Vận động giúp cơ thể giải phóng các loại hormone khiến bạn trở nên hạnh phúc, vui vẻ hơn. Với những người đang gặp các vấn đề về tâm lý, rối loạn lo âu, hay phiền muộn, suy nghĩ quá mức,… thì bạn có thể thử leo núi trong nhà vào mỗi cuối tuần để cải thiện sức khỏe tinh thần của mình.
Những ai có thể tham gia leo núi trong nhà?
Có thể thấy, đây là một môn thể thao không giới hạn về người tham gia. Nhiều người cho rằng, leo núi trong nhà đòi hỏi phải có thể lực thật tốt. Tuy nhiên, trái với suy nghĩ đó thì bộ môn này cần sự kết hợp khéo léo và nhịp nhàng của các bộ phận trên cơ thể như tay, chân, mắt, trí não,… chứ không phải chỉ cần sức mạnh tay chân.
Hơn nữa, ở các địa điểm có tổ chức leo núi trong nhà đều có phân chia nhiều khu vực khác nhau. Nếu có thể lực kém, chưa quen vận động thì bạn hoàn toàn có thể bắt đầu với những hệ thống vách leo thấp, không có độ hiểm trở, dễ leo. Và ngay cả các bé thiếu nhi 5-6 tuổi cũng có thể tham gia bộ môn này đấy nhé!
Những lưu ý gì khi leo núi trong nhà
Dù đây là một hoạt động vui, dễ chơi và an toàn nhưng để giảm tối đa các chấn thương có thể xảy ra, bạn cũng nên lưu ý:
- Nghe theo hướng dẫn an toàn, không tự ý leo khi chưa được trang bị các thiết bị bảo hộ và chưa được hướng dẫn các nguyên tắc cần thiết.
- Không nên leo khi cơ thể đang mệt, chóng mặt, cảm thấy đau đầu buồn nôn.
- Không nên ăn quá no trước khi leo.
- Người đang bị trật cổ tay, chân hoặc có chấn thương trên cơ thể cũng không nên tham gia leo núi trong nhà.
Có thể thấy, hình thức leo núi trong nhà đang được nhiều người đón nhận và trở thành một xu hướng rèn luyện mới. Bạn có thể cùng gia đình và bạn bè của mình tham gia ngay để vừa cải thiện sức khỏe, tâm trạng vừa thêm gắn kết với nhau.