Hơn hết, để kiểm soát cảm xúc tiêu cực nào có dễ dàng như người ta vẫn hay bày cách. Thay vì chối bỏ một phần rất thật trong mình thì sao ta không học cách đối mặt, làm bạn, vỗ về bản thân trong những lúc trầm. Nếu ta chẳng thể yêu thương chấp nhận chính mình thì liệu ta có thực sự tích cực?
Các loại cảm xúc tiêu cực phổ biến và nguyên nhân gây ra chúng
Có nhiều cảm giác khác nhau được gọi chung là cảm xúc tiêu cực. Mặc dù đây là phản ứng bình thường của con người trước một số sự việc nhất định nhưng chúng có xu hướng gây đau khổ, khó chịu. Vậy nên không khó hiểu nếu người ta muốn tìm cách kiểm soát và loại bỏ. Một số cảm xúc tiêu cực phổ biến mà bạn hẳn rất quen thuộc:
- Tức giận
- Lo lắng
- Nổi sợ hãi
- Ghen tị
- Hối tiếc hoặc tội lỗi
- Buồn bã, cô đơn
- Xấu hổ
Các cảm xúc tiêu cực này đến từ nhiều nguồn khác nhau. Đôi khi chúng là kết quả của trải nghiệm cụ thể, chẳng hạn tức giận, bồn chồn bất an khi bị kẹt xe sáng sớm. Chúng cũng có thể bắt nguồn từ các vấn đề tiềm ẩn như những nhu cầu chưa được đáp ứng, vấn đề trong các mối quan hệ hoặc do khả năng ứng phó kém.
Sự tích cực của cảm xúc tiêu cực
Những cảm xúc khó chịu này mà lại tích cực ư? Thực tế, cảm xúc tiêu cực rất quan trọng và chúng ta tiến hóa để ngay lập tức phản ứng với chúng. Nếu tổ tiên loài người chẳng thèm sợ hãi khi nhìn thấy con sư tử, chúng ta đã chẳng tồn tại được đến ngày nay.
Hiển nhiên các cảm xúc này chẳng hề dễ chịu và chúng có thể bị phóng đại quá mức. Nhưng nhìn chung, các cảm giác tệ hại này hóa ra lại rất quan trọng vì chúng giữ cho con người an toàn trước các kích thích từ môi trường.
Nguyên tắc “vàng” khi đối mặt cảm xúc tiêu cực
Những điều bạn không nên làm
Không may là chẳng mấy ai ưa nổi cảm xúc tiêu cực nên người ta tìm mọi cách để kiểm soát, loại bỏ chúng. Đây là một số hành vi phổ biến:
- Bỏ qua cảm xúc: Bạn có thể thường xuyên nghe lời khuyên là “đừng buồn nữa”, “hãy loại bỏ cơn giận”… những cách này không làm cảm xúc đó biến mất. Bạn chỉ đang kìm nén và cố gắng bộc lộ khác đi so với cảm xúc thực sự. Điều này đôi khi rất nguy hiểm bởi cái gì bị kìm nén quá lâu sẽ đến lúc bùng nổ – và đây thường là lúc đã quá muộn để cứu vãn.
- Đắm mình trong cảm xúc: Một lời khuyên khác là hãy cảm nhận mọi cảm xúc tiêu cực rồi để nó trôi qua. Đúng là chúng ta cần đối mặt với cảm xúc tiêu cực nhưng nếu để bản thân đắm chìm trong sự tức giận, phẫn uất thì không khéo bạn sẽ bị nhấn chìm thực sự. Dòng cảm xúc bị khuếch đại này ảnh hưởng trực tiếp lên sức khỏe tâm lý lẫn thể lý chứ không đơn thuần chỉ là một cảm xúc nhất thời.
- Rút lui hoặc né tránh: Trái ngược với trường phái đối mặt, một số người chọn lựa né tránh. Ví dụ việc thuyết trình khiến bạn lo lắng và bạn luôn tìm cách né tránh thì khi buộc phải đối mặt với nó, sự lo lắng có thể biến thành cơn hoảng loạn tồi tệ hơn rất nhiều.
- Tự hại hoặc dùng chất kích thích: Trong khi bạn tìm cách né tránh, kìm nén, nhấn chìm các cảm xúc tiêu cực thì chúng có thể ngấm ngầm làm hại sức khỏe bạn. Đặc biệt nhiều người dựa vào những hành vi có hại như dùng chất kích thích, chơi các trò mạo hiểm… để làm bản thân xao nhãng khỏi cảm xúc tiêu cực.
Những điều sẽ có ích cho bạn
Thật may là chúng ta có nhiều cách hữu ích hơn để ứng phó với những cảm xúc khó khăn. Những mẹo này không chỉ giúp bạn thấy khá hơn mà còn giúp bạn cải thiện khả năng điều tiết cảm xúc về lâu dài:
- Chấp nhận các cảm xúc tiêu cực: Trước hết bạn cần chấp nhận rằng mình đang cảm thấy một cảm xúc không khỏe nào đó: sợ hãi, tức giận, xấu hổ… Đây là bước đầu tiên.
- Thấu hiểu cảm xúc chính mình: Bạn cần dành thời gian để tìm kiếm nguồn gốc thực sự tạo nên cảm xúc và phản ứng của mình. Đó có thể là một sự kiện kích hoạt (một cuộc cãi vã) hoặc cách bạn tự diễn giải vấn đề hoặc một nhu cầu nào đó (chẳng hạn được trân trọng) chưa được đáp ứng.
- Thay đổi khi có thể: Khi đã hiểu được nguyên nhân gây ra cảm xúc tiêu cực, bạn có thể bắt đầu lên chiến lược thay đổi như giảm hoặc loại bỏ các tác nhân gây căng thẳng.
- Tạo trải nghiệm mới: Bạn có thể thử các trải nghiệm mới như thiền yêu thương, du lịch, các buổi trị liệu nhóm, tham vấn tâm lý, đọc sách… Nhu cầu và khả năng của mỗi người là khác nhau nên hãy thử cho đến khi tìm được kỹ thuật phù hợp với bản thân.
Kết luận
Tóm lại, nếu mong muốn một cuộc sống hạnh phúc, đầy ý nghĩa thì ta cũng không thể tránh được mặt còn lại tức những cảm xúc tiêu cực. Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các chiến thuật sống tích cực bằng cách kìm nén, né tránh cảm xúc không hiệu quả và thậm chí gây hại. Vậy thì thay vì cố gắng phớt lờ, hãy thử ngồi lại để thấu cảm với chính mình và định hình lại cảm xúc bản thân bạn nhé.
(*) Lưu ý nội dung trên đây không thể dùng để chẩn đoán hay hỗ trợ điều trị. Bạn nên tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ tâm thần hoặc nhà tâm lý khi không thể tự giúp mình.