Trẻ nhỏ dưới 10 tuổi thường mắc chứng sợ tiêm ngừa, cụ thể là sợ kim tiêm và các thủ tục thường quy khi tiêm phòng. Trong tâm lý học gọi đó là Hội chứng sợ kim tiêm (Trypanophobia). Tình trạng này được xếp vào nhóm các chứng rối loạn lo âu. Một số trẻ mẫn cảm đến mức chỉ cần nghĩ đến kim tiêm hoặc máu là tim đập nhanh, huyết áp tăng lên và giảm xuống nhanh chóng khiến trẻ bị ngất.
Khi những thông tin liên quan đến việc tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ được công bố, nhiều phụ huynh quan tâm đến việc đảm bảo an toàn, trấn an cho trẻ… Vì thế, Tạp chí Mẹ và Con mách nhỏ ba mẹ những thông tin sau trước khi con tiêm ngừa, giúp trẻ nhiệt tình hợp tác để buổi tiêm ngừa diễn ra thuận lợi, con được bảo vệ trong đại dịch.
Quan sát các yếu tố liên quan
Trước tiên, ba mẹ mẹ cần tìm hiểu những yếu tố hậu cần liên quan đến việc tiêm chủng. Cụ thể là về thời gian, địa điểm trẻ sẽ được tiêm vắc xin Covid-19. Hãy quan tâm đến những yếu tố khiến con cảm thấy thoải mái hơn như người tiêm có kinh nghiệm tiêm chủng cho trẻ em không? Họ có kiên nhẫn và nhẹ nhàng với trẻ không? Trẻ được nghỉ ngơi ở đâu?
Khi đã có những thông tin đó, bạn có thể chuẩn bị cho việc tiêm phòng bằng cách đưa con đến trong khung giờ hợp lý, thời điểm con ít căng thẳng và không cảm thấy quá vội vã. Bởi những yếu tố đó có thể khiến trẻ cảm thấy lo lắng và không hợp tác khi tiêm phòng.
Giúp con đối mặt với nỗi sợ tiêm vắc xin Covid-19
Nếu bạn dự đoán rằng con sẽ gặp khó khăn với kim tiêm hoặc việc tiêm chủng, hãy thử cho trẻ tiếp xúc với kim tiêm vài tuần trước ngày tiêm. Bạn có thể cho con đọc những cuốn sách, bộ phim hoạt hình liên quan. Nếu con có một bộ đồ chơi bác sĩ, bạn cũng có thể để mô phỏng việc tiêm chủng cho con. Trẻ cũng có thể cảm thấy an tâm hơn khi xem hình ảnh ba mẹ, anh chị được tiêm ngừa trước đây.
Nếu con bạn lớn hơn một chút, bạn có thể giúp chúng diễn tả nỗi sợ hãi bao gồm liệt kê tất cả các tình huống liên quan đến kim tiêm như khi nhìn thấy kim tiêm hoặc khi mũi kim đâm vào bắp thịt và xếp hạng thứ tự từ sợ nhất đến ít sợ. Từ đó, bạn có thể giúp con xử lý nỗi sợ theo từng bậc. Hy vọng rằng đến nấc thang cuối cùng, con bạn đã vượt qua nỗi sợ kim tiêm hoặc ít nhất là giảm đáng kể sự lo lắng trước khi tiêm vắc xin Covid-19.
Chuẩn bị trước khi con tiêm ngừa
Trước khi đến ngày tiêm ngừa, bạn cần nhớ lại những yếu tố giúp con hợp tác ở những lần tiêm ngừa trước đây. Có thể đó là một món đồ chơi yêu thích, một người đi kèm quen thuộc… Từ đó, bạn có sự chuẩn bị tương tự để lần tiêm ngừa này con không cảm thấy lo lắng.
Khi đến điểm tiêm, hãy cho bác sĩ biết về tình trạng của bé để bác sĩ và các nhân viên hỗ trợ có cách ứng xử phù hợp. Lúc này, bé có thể cảm thấy thực sự lo lắng về mũi tiêm, nhưng hãy giải thích cho bé rằng bạn tin tưởng trẻ sẽ làm được và bạn ở ngay bên cạnh đó với con.
Thư giãn và đánh lạc hướng con khi tiêm
Trong khi các nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ, bạn nên ở ngay bên cạnh và hỗ trợ trẻ trong suốt quá trình tiêm. Bạn có thể hướng dẫn con hít thở và các kỹ thuật thư giãn khác khe khẽ hát, thở sâu và tưởng tượng những hình ảnh vui vẻ khác.
Xem thêm: Trẻ mắc hội chứng hậu covid làm sao để hết
Khi kim tiêm đã sẵn sàng, sự lo lắng sẽ quay trở lại với con. Lúc này, bạn và các nhân viên y tế có thể cần sử dụng các kỹ thuật đánh lạc hướng tương tự như trên trong vài phút. Bạn cũng có thể khuyến khích con nhìn sang chỗ khác hoặc nhìn vào bạn để chúng không tập trung vào mũi kim tiêm.
Bạn cũng có thể cho phép con xem một chương trình yêu thích, chơi một trò chơi yêu thích trên máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh. Kỹ thuật đánh lạc hướng này được chứng minh là rất hiệu quả với trẻ mắc hội chứng sợ kim tiêm.
Nếu con bạn có xu hướng ngất xỉu trong khi tiêm chủng, hãy chú ý quan sát nét mặt của trẻ và yêu cầu hỗ trợ kịp thời.
Tất cả trẻ em đều có mức độ sợ hãi và lo lắng khác nhau. Một số có thể cần một cách tiếp cận mạnh mẽ hơn để giảm lo lắng, bao gồm liệu pháp hành vi nhận thức, thôi miên hoặc thuốc chống lo âu. Trong trường hợp này, bạn cần hỏi bác sĩ chuyên khoa Nhi, nếu bạn cần trợ giúp thêm. Tuy nhiên, tiêm ngừa là một điểm khởi đầu tốt để giữ cho con bạn khỏe mạnh, nhất là khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Vì thế, hãy cố gắng để con được tiếp cận với việc tiêm ngừa vắc xin Covid-19, bạn nhé
Tạp chí Mẹ và Con hy vọng là bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích trước khi trẻ được tiêm ngừa vắc xin Covid-19 và chúc bé yêu của ba mẹ khỏe mạnh.