Độ dài chu kỳ kinh nguyệt thay đổi đôi chút giữa các tháng là điều bình thường, đặc biệt với các bé gái đang trong độ tuổi dậy thì, phụ nữ cho con bú hoặc sắp mãn kinh. Tuy nhiên, cũng có nhiều yếu tố khác dẫn đến tình trạng chu kỳ kinh nguyệt không đều, chẳng hạn như căng thẳng, thuốc men và tình trạng sức khỏe tinh thần hoặc thể chất.
Nguyên nhân dẫn đến kinh nguyệt không đều
Kinh nguyệt không đều có thể xảy ra vì nhiều lý do, trong đó phần lớn là do hormone. Estrogen, progesterone và hormone kích thích nang trứng là những hormone chính chịu trách nhiệm điều hòa chu kỳ kinh nguyệt. Một số nguyên nhân sức khỏe sẽ làm gián đoạn hoặc thay đổi cách các hormone này tăng và giảm trong mỗi chu kỳ, dẫn đến tình trạng kinh nguyệt không đều. Cụ thể:
Thay đổi nội tiết tố tự nhiên
Trong giai đoạn tuổi dậy thì, cơ thể sẽ trải qua những thay đổi đáng kể. Có thể mất vài năm để các hormone điều hòa kinh nguyệt đi vào “quy trình” để chu kỳ kinh nguyệt được đều. Trong thời gian này, việc kinh nguyệt không đều là điều thường thấy.
Ngoài ra, sau khi sinh con và khi đang cho con bú có thể khiến nội tiết tố thay đổi. Việc cho con bú, đặc biệt là bú mẹ hoàn toàn có thể ức chế quá trình rụng trứng, khiến “bà dì” tạm không xuất hiện và được gọi là chứng vô kinh khi cho con bú.
Vào giai đoạn đầu tiên của thời kỳ mãn kinh, kinh nguyệt cũng có thể không đều do nồng độ hormone bắt đầu giảm. Thời gian giữa các chu kỳ ngày càng xa hơn và đến một thời điểm, kinh nguyệt sẽ hoàn toàn kết thúc.
Sử dụng các biện pháp tránh thai
Một số biện pháp tránh thai như thuốc tránh thai, miếng dán tránh thai, que cấy tránh thai,… có thể làm thay đổi nội tiết tố, ức chế quá trình rụng trứng. Vì vậy, bạn có thể gặp tình trạng kinh nguyệt không đều hoặc hoàn toàn không có kinh trong suốt quá trình sử dụng. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể bị chảy máu bất thường trong vài tháng đầu tiên.
Khi bạn sử dụng các biện pháp tránh thai này thường xuyên hơn hoặc dừng lại không sử dụng nữa thì hiện tượng kinh nguyệt không đều này cũng sẽ kết thúc nên không cần quá lo lắng.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sau khi dừng sử dụng biện pháp tránh thai, cơ thể sẽ cần 2-4 tuần để điều hòa lại nội tiết tố bên trong cơ thể. Lúc này, bạn cũng có thể thấy kinh nguyệt không đều.
Một số tình trạng sức khỏe
Kinh nguyệt không đều đôi khi có thể cho thấy tình trạng sức khỏe của bạn đang không được ổn định:
Hội chứng buồng trứng đa nang
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là một dạng rối loạn nội tiết tố thường gặp trong độ tuổi sinh sản, dẫn đến tình trạng nồng độ testosterone cao, trì hoãn quá trình rụng trứng khiến chu kỳ kinh nguyệt dài hơn bình thường, chậm kinh, kinh nguyệt không đều.
Một số dấu hiệu của hội chứng buồng trứng đa nang bao gồm:
- Nổi mụn
- Lông tóc mọc nhiều hơn bình thường
- Béo phì
- Khó mang thai
- Sạm da
- Nhức đầu
- Tâm trạng thất thường
Rối loạn ăn uống
Rối loạn ăn uống, chẳng hạn như chứng chán ăn tâm thần, chứng cuồng ăn đều có thể gây ra tình trạng kinh nguyệt không đều. Những người đang trong quá trình giảm cân cấp tốc thường rất hay gặp tình trạng này.
Các dấu hiệu của rối loạn ăn uống có thể bao gồm:
- Cắt bỏ toàn bộ một nhóm thực phẩm nào đó khỏi chế độ ăn uống một cách không cần thiết, chẳng hạn như không sử dụng thực phẩm có chứa carbohydrate
- Nhịn ăn trong một khoảng thời gian và sau đó ăn uống vô độ
- Đi vệ sinh ngay sau khi ăn
- Ăn một lượng lớn thức ăn kể cả khi không đói
Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung là tình trạng các tế bào nội mạc tử cung (tế bào bên trong tử cung) phát triển ra bên ngoài. Khi các tế bào nội mạc tử cung phát triển ở nơi khác, bạn có thể cảm thấy đau đớn mỗi khi đến kỳ hoặc gặp tình trạng kinh nguyệt không đều. Nghiêm trọng hơn, bạn có thể bị vô sinh do vòi trứng và ống dẫn trứng bị tổn thương.
Một số dấu hiệu của tình trạng lạc nội mạc tử cung có thể kể đến như:
- Kinh nguyệt nhiều
- Xuất hiện các cục máu đông lớn
- Chảy máu giữa các kỳ kinh
- Khó mang thai
Bệnh tuyến giáp
Tuyến giáp sản xuất các hormone ảnh hưởng đến sự trao đổi chất, nhịp tim và các chức năng cơ bản khác bên trong cơ thể cũng như kiểm soát thời gian rụng trứng và chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Với những người bị cường giáp, cơ thể sẽ sản xuất rất nhiều hormone tuyến giáp, trong khi những người bị suy giáp thì cơ thể lại không sản xuất đủ lượng hormone tuyến giáp cần thiết. Bệnh tuyến giáp có thể làm cho kinh nguyệt trở nên nhiều hơn hoặc ít hơn, kinh nguyệt không đều hay thậm chí là vô kinh.
Các triệu chứng của cường giáp bao gồm:
- Rối loạn lo âu
- Tim đập nhanh
- Khó ngủ
- Kinh nguyệt không đều
- Tăng cân hoặc giảm cân đột ngột dù vẫn ăn uống điều độ
Các triệu chứng của suy giáp bao gồm:
- Mệt mỏi
- Tăng cân hoặc giảm cân không lý do
- Kinh nguyệt không đều hoặc vô sinh
- Da khô ráp
- Nhạy cảm với thời tiết lạnh
- Rụng tóc
- Cảm thấy phiền muộn
Các vấn đề sức khỏe khác
Các tình trạng sức khỏe khác liên quan đến kinh nguyệt không đều bao gồm:
- Bệnh tiểu đường loại 1
- Hội chứng Cushing – rối loạn nội tiết và chuyển hóa
- Suy buồng trứng nguyên phát
- Tăng sản thượng thận bẩm sinh
Các biến chứng thường gặp của kinh nguyệt không đều
Kinh nguyệt không đều thường không có hại. Tuy nhiên, nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên, kéo dài có thể gây nên một số ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như:
- Thiếu máu do thiếu sắt: Trong máu có chứa sắt. Nếu kinh nguyệt ra nhiều hoặc thường xuyên, một người có thể mất nhiều máu hơn bình thường dẫn đến thiếu sắt.
- Vô sinh: Kinh nguyệt không đều có thể là do cơ thể không phóng thích trứng, dẫn đến tình trạng khó mang thai, vô sinh hiếm muộng
- Loãng xương: Trong quá trình rụng trứng, cơ thể sẽ tiết ra estrogen giúp giữ cho xương chắc khỏe. Nếu một người thường không rụng trứng, họ có thể có nguy cơ cao bị loãng xương do có ít estrogen hơn.
- Bệnh tim mạch: Tương tự, thiếu estrogen có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
- Tăng sản nội mạc tử cung: Nếu một người có kinh nguyệt không đều trong một thời gian dài mà không được điều trị có thể làm tăng nguy cơ tăng sản nội mạc tử cung và tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.
Nhìn chung, chu kỳ kinh nguyệt không đều, không thường xuyên là một hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, một số nguyên nhân dẫn đến kinh nguyệt không đều có thể gây tác động xấu đối với sức khỏe của bạn. Do đó, nếu thấy tình trạng chậm kinh, chu kỳ kinh nguyệt kéo dài, máu kinh ra quá nhiều,… diễn ra trong một thời gian dài, hãy đến các cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị.