Bạn đã sẵn sàng để mang thai. Xin chúc mừng bạn! Việc đưa ra quyết định sinh con là một cột mốc quan trọng trong cuộc đời của mỗi người phụ nữ. Nhưng liệu cơ thể bạn đã sẵn sàng cho việc mang thai chưa?
Trong 30 ngày trước khi mang thai, hãy thực hiện ngay những điều dưới đây để cơ thể khỏe mạnh và hỗ trợ bé yêu phát triển một cách tốt nhất.
30 ngày vàng trước khi mang thai: Ngày 1-7
Ngày 1: Ngừng sử dụng các biện pháp tránh thai
Nếu muốn thụ thai, bạn cần phải ngừng tất cả các biện pháp tránh thai mà bạn đang sử dụng. Bạn có thể có thai ngay sau khi ngừng một số biện pháp ngừa thai như thuốc tránh thai. Trên thực tế, nhiều phụ nữ có kinh nguyệt đầu tiên trong vòng hai tuần sau khi bỏ thuốc.
Khi bắt đầu có kinh, một số phụ nữ có thai ngay lập tức, nhưng đối với những người khác, phải mất vài tháng. Vì thế, trước khi mang thai, hãy lập tức ngừng toàn bộ những biện pháp tránh thai bạn nhé!
Ngày 2: Bắt đầu sử dụng vitamin tổng hợp
Khi mang thai, cơ thể cần một hàm lượng dinh dưỡng cực kỳ cao. Vì vậy, trước khi mang thai, hãy tăng cường sức khỏe cho bản thân bằng cách sử dụng các loại vitamin tổng hợp. Đặc biệt, bạn có thể tìm mua các loại vitamin cần uống trước khi sinh để cung cấp cho cơ thể bạn những dưỡng chất cần thiết trong thai kỳ.
Bắt đầu chế độ dinh dưỡng tiền sản ngay từ bây giờ sẽ giúp bạn tránh được bất kỳ sự thiếu hụt dinh dưỡng nào trong thời kỳ đầu mang thai. Vì thế, những ngày đầu tiên chuẩn bị mang thai, bạn đã có thể bắt đầu sử dụng vitamin tổng hợp rồi đấy nhé.
Ngày 3: Bổ sung Axit Folic
Ngoài việc vitamin tổng hợp trước khi mang thai, bạn có thể cần bổ sung thêm axit folic hoặc folate để ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh trong thời kỳ đầu mang thai. Hãy chắc chắn rằng bạn đang dùng ít nhất 400 đến 800 microgam axit folic mỗi ngày. Và cũng cần lưu ý rằng, nhiều loại vitamin sử dụng trước và trong thai kỳ đã chứa lượng axit folic này. Vì vậy, hãy kiểm tra bảng thành phần sản phẩm các loại vitamin đang dùng trước khi uống thêm các loại thực phẩm chức năng bổ sung axit folic.
Ngày 4: Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh
Bạn cũng có thể nhận được nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết từ việc ăn uống lành mạnh, cân bằng giữa các chất dinh dưỡng cần thiết. Vì thế, bên cạnh việc bổ sung vitamin và các loại thực phẩm chức năng, trước khi mang thai, đừng quên xây dựng một chế độ dinh dưỡng lành mạnh với các loại cá béo (bổ sung axit béo omega-3), các loại hạt, trái cây tươi, rau củ quả,…
Đặc biệt, nếu ngân sách cho phép, bạn cũng có thể muốn kết hợp các loại trái cây và rau hữu cơ vào chế độ ăn uống của mình để hạn chế tiếp xúc với chất hóa học thường được sử dụng trong phân bón, thuốc trừ sâu trong quá trình trồng trọt.
Ngày 5: Tập thể dục
Vận động cơ thể ít nhất bốn đến năm lần một tuần là một cách tuyệt vời khác để chuẩn bị cho việc mang thai. Từ những ngày trước khi mang thai, hãy cố gắng dành ít nhất 30 phút hoạt động vừa phải trong tổng số 150 phút vận động mỗi tuần.
Nếu chưa quen với việc tập thể dục, bạn có thể bắt đầu từ những động tác nhẹ nhàng như đi bộ và chỉ tập trong thời gian ngắn (10-15 phút) rồi từ từ tập với thời gian dài hơn. Nếu bạn muốn thử thách nhiều hơn trước khi mang thai, hãy thử các hoạt động mạnh như chạy bộ, đạp xe hoặc đi bộ đường dài. Và nếu bạn đã tương đối quen với việc tập thể dục, bạn có thể thử vận động từ 150 đến 300 phút mỗi tuần để có sức khỏe tốt nhất cho việc mang thai trong thời gian sắp tới.
Ngày 6: Kiểm tra sức khỏe tổng quát
Theo dõi sức khỏe thể chất hàng năm sẽ giúp phát hiện các vấn đề sức khỏe trước khi chúng trở nên nghiêm trọng. Khi bạn chuẩn bị mang thai, việc kiểm tra sức khỏe tổng quát đặc biệt quan trọng. Bác sĩ sẽ khám cho bạn và có thể lấy một số xét nghiệm máu để kiểm tra mức cholesterol và các vấn đề khác, cho bạn biết cơ thể của bạn đã sẵn sàng cho việc mang thai hay chưa.
Ngày 7: Kiểm tra tiêm chủng
Khi kiểm tra sức khỏe, đừng quên hỏi bác sĩ về bất kỳ loại vắc xin nào có thể đã hết hiệu lực (uốn ván, rubella, v.v.) và thực hiện tiêm bổ sung trước khi mang thai để bảo vệ sức khỏe mẹ và bé một cách tốt nhất.
30 ngày vàng trước khi mang thai: Ngày 8-15
Ngày 8: Lên lịch khám thai
Tùy thuộc vào một số yếu tố (tuổi tác, các vấn đề sinh sản trước đây, v.v.), bạn có thể cần phải lên lịch khám thai đặc biệt với bác sĩ sản khoa của mình trước khi mang thai. Trong lần khám thai này, bạn có thể trao đổi với bác sĩ tất tần tật những gì cần chuẩn bị cho thai kỳ, tầm soát các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) đến tầm soát các bệnh lý khác để biết mình đã sẵn sàng mang thai hay chưa.
Ngày 9: Theo dõi chu kỳ của bạn trước khi mang thai
Cho dù bạn có đang sử dụng biện pháp tránh thai hay không, bây giờ là lúc bạn nên bắt đầu theo dõi sát sao chu kỳ kinh nguyệt của mình để tính được quan hệ tình dục vào ngày nào sẽ tăng khả năng thụ thai. Thêm vào đó, nắm rõ về chu kỳ của mình sẽ giúp bạn phát hiện ra liệu có bất kỳ điều gì bất thường và có thể cần giải quyết hay không (có bị rong kinh kéo dài, chu kỳ thất thường v.v).
Bắt đầu đơn giản bằng cách ghi lại thời điểm bắt đầu và kết thúc chu kỳ kinh nguyệt của bạn để xem độ dài của chu kỳ thay đổi như thế nào từ tháng này sang tháng khác. Bạn cũng có thể ghi nhận bất cứ điều gì như chảy máu bất thường và ra máu. Độ dài chu kỳ kinh nguyệt trung bình là khoảng 28 ngày, nhưng có thể dao động từ 21 đến 35 ngày và vẫn nằm trong giới hạn bình thường, khỏe mạnh.
Bên cạnh việc theo dõi thủ công bằng cách ghi ra giấy, bạn cũng có thể tải các ứng dụng trên máy tính và điện thoại để theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình.
Ngày 10: Hạn chế tiếp xúc với các chất có hại
Tiếp xúc với lượng chất độc cao có thể gây nguy hiểm cho thai nhi trong bụng mẹ. Do đó, trước khi mang thai bạn, hãy cố gắng tránh xa các chất độc hại như nước hoa tổng hợp, Bisphenol-A (BPA), paraben, sodium laureth sulfate và thủy ngân. Ngoài ra, nên ưu tiên lựa chọn các sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình không có hóa chất, có thành phần thiên nhiên, tự làm chất tẩy rửa gia dụng bằng nước và giấm, sử dụng ăn thực phẩm hữu cơ,…
Ngày 11: Học cách kiểm soát căng thẳng
Căng thẳng có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của mẹ và bé trong thai kỳ. Để chuẩn bị tốt nhất cho thời gian mang thai sắp tới, bạn cần học cách kiểm soát căng thẳng của mình bằng cách hít thở sâu, nghe nhạc, viết nhật ký hoặc làm bất cứ điều gì khác mang lại niềm vui cho bạn.
Ngày 12: Thử tập yoga
Yoga có một số lợi ích quan trọng đối với sức khỏe sinh sản của bạn. Tập yoga thường xuyên có thể giúp bạn loại bỏ cảm xúc và lo lắng liên quan đến quá trình thụ thai. Trước khi mang thai, nếu có cơ hội, nên thường xuyên tham gia các lớp yoga hoặc tự tập yoga cơ bản tại nhà bạn nhé.
Ngày 13: Đến nha khoa trước khi mang thai
Trong khi bạn kiểm tra sức khỏe tổng thể trước khi mang thai, đừng quên dành thời gian để kiểm tra sức khỏe răng miệng. Khi mang thai, các hormone trong cơ thể bạn có thể ảnh hưởng đến nướu và răng của bạn. Thói quen đánh răng tốt trước khi mang thai có thể giúp ngăn ngừa viêm nướu và sâu răng khi mang thai. Hãy hỏi bác sĩ để được tư vấn về việc chăm sóc răng miệng phù hợp khi mang thai.
Ngày 14: Bỏ thuốc lá, rượu và các chất kích thích khác
Hút thuốc, sử dụng các chất kích thích và uống rượu trước khi mang thai có thể gây hại cho thai nhi. Hút thuốc lá khiến con bạn tiếp xúc với các hóa chất độc hại, hạn chế lưu lượng máu và thậm chí có thể gây chuyển dạ sinh non.
Uống rượu khiến em bé có nguy cơ mắc hội chứng nghiện rượu ở thai nhi (FAS). Sử dụng ma túy (heroin, cocaine, methamphetamines, cần sa, v.v.) không chỉ là bất hợp pháp mà còn có thể gây dị tật bẩm sinh, sẩy thai hoặc thai chết lưu. Do đó, tốt nhất nên bỏ cả rượu, thuốc lá, ma túy và toàn bộ các chất kích thích để đảm bảo có một thai kỳ khỏe mạnh.
Ngày 15: Đầu tư hơn vào “cuộc yêu”
Nếu bạn quan hệ tình dục trong căng thẳng, khả năng thụ thai sẽ thấp hơn. Không chỉ vậy, việc ít “ân ái” có thể khiến mối quan hệ của hai bạn gặp trục trặc sau khi có thai.
Trước khi mang thai, bạn có thể đầu tư hơn vào chuyện chăn gối, biến nó thành một điều vui vẻ và mang đến cho bạn cảm giác thoải mái. Điều này sẽ tăng khả năng đậu thai của bạn. Hơn nữa, việc hòa hợp trong chuyện yêu có thể giữ cho mối quan hệ của bạn và người bạn đời được tốt hơn sau khi mang thai.
Nếu bạn không có bất kỳ vấn đề nào về khả năng sinh sản, đừng lo lắng về thời điểm quan hệ tình dục. Thay vào đó, chỉ cần quan hệ không sử dụng biện pháp tránh thai trong suốt chu kỳ của bạn là đã tăng khả năng mang thai rồi đấy.
30 ngày vàng trước khi mang thai: Ngày 16-23
Ngày 16: Cải thiện cân nặng
Bạn có biết chỉ số khối cơ thể (BMI) của mình? Bác sĩ của bạn có thể sẽ tính toán con số này trong các buổi kiểm tra sức khỏe tổng quát. Nếu chỉ số BMI của bạn thuộc nhóm thừa cân hoặc béo phì, hãy nói chuyện với bác sĩ về các chiến lược giảm cân lành mạnh. Nếu chỉ số BMI của bạn thuộc loại nhẹ cân, hãy trao đổi với bác sĩ phải bổ sung dinh dưỡng như nào để được cân nặng phù hợp, sẵn sàng cho việc mang thai.
Ngày 17: Tìm hiểu tiền sử y tế gia đình
Sức khỏe của bé cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền từ các thành viên trong gia đình bạn. Trước khi mang thai, bạn nên hỏi cha mẹ hoặc những người thân khác xem có bất kỳ tình trạng bệnh di truyền nào trong huyết thống của bạn hay không. Và đừng quên tìm hiểu cả tiền sử y tế gia đình người bạn đời của mình.
Nếu gia đình bố hoặc mẹ có các bệnh di truyền, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ, làm các xét nghiệm để đánh giá tình trạng sức khỏe trước khi mang thai.
Ngày 18: Thảo luận về các loại thuốc sử dụng trước khi mang thai
Một số loại thuốc này có thể không an toàn trong thời kỳ mang thai. Vì thế, nếu đang cố gắng mang thai, hãy trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng để chắc chắn không có loại thuốc nào có tác dụng phụ ảnh hưởng đến mẹ và bé.
Ngày 19: Lưu số điện thoại của các cơ quan hỗ trợ
Hãy lưu số điện thoại của các cơ sở y tế, phòng khám, đường dây nóng về bạo lực gia đình là một nguồn hữu ích và cần thiết trong suốt thời kỳ mang thai của bạn, đề phòng bất kỳ trục trặc nào xảy ra.
Ngày 20: Đầu tư vào giấc ngủ
Trước khi mang thai, nhiều người thường lo lắng đến mất ngủ. Điều này sẽ gây tác động không tốt đến sức khỏe của bạn. Tốt nhất nên cố gắng ngủ sớm, ngủ đủ giấc để cơ thể tràn đầy năng lượng, sẵn sàng cho 9 tháng 10 ngày chiến đấu sắp đến. Nếu khó ngủ, bạn có thể thử dùng các loại trà thảo mộc, ngâm chân với nước ấm, nghe nhạc ballad,… chứ đừng cố gắng nghịch điện thoại bởi ánh sáng xanh có thể khiến bạn mỏi mắt nhưng không thể ngủ được.
Ngày 21: Hạn chế sử dụng caffeine
Bạn có uống nhiều cà phê hoặc đồ uống có chứa caffeine khác không? Lượng caffeine khuyến nghị hàng ngày cho phụ nữ mang thai là chỉ khoảng 355ml. Nếu bạn đang uống nhiều hơn mức này, hãy cố gắng giảm dần cho đến khi mang thai bạn nhé!
Ngày 22: Uống nhiều nước
70% cơ thể của bạn được tạo thành từ nước. Vì vậy, giữ cho cơ thể đủ nước có thể giúp bạn có sức khỏe tốt nhất. Hãy cố gắng uống nhiều nước trong suốt giai đoạn trước khi mang thai và cả trong thai kỳ để đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé.
Ngày 23: Tìm các tài liệu liên quan đến thai kỳ
Nếu bạn có thời gian, hãy tìm hiểu các loại sách, tài liệu liên quan đến thai kỳ và tham khảo để bổ sung các kiến thức cần thiết, giúp việc sinh nở trở nên nhẹ nhàng, dễ thở hơn.
30 ngày vàng trước khi mang thai: Ngày 24-30
Ngày 24: Nhờ đối phương đi kiểm tra sức khỏe
Mặc dù phần lớn việc mang thai khỏe mạnh liên quan đến người phụ nữ nhưng cánh mày râu cũng nên đi kiểm tra sức khỏe bởi khoảng 30% các trường hợp vô sinh có thể bắt nguồn từ các yếu tố nam giới. Do đó, đừng quên yêu cầu đối phương đi kiểm tra sức khỏe cũng như các bệnh di truyền nếu có. Hãy chắc chắn rằng anh ấy:
- Ngừng hút thuốc và ngừng việc dùng các loại thuốc khác
- Không uống rượu
- Thường xuyên tập thể dục
- Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ
Ngày 25: Tăng cường hệ thống miễn dịch
Khi mang thai, bạn dễ bị cảm lạnh, cúm và các bệnh khác. Vì thế, trước khi mang thai, nên tăng cường sức đề kháng bằng cách ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, giàu chất chống oxy hóa, bổ sung vitamin C và nghỉ ngơi.
Ngày 26: Học những điều Nên và Không nên
Có rất nhiều điều bạn sẽ nghe về những gì an toàn và những gì không trong thai kỳ. Và không phải tất cả những gì bạn nghe đều đúng, có cơ sở khoa học. Hãy cố gắng để chắt lọc thông tin, có được những kiến thức đúng đắn cho thai kỳ của mình.
Ngày 27: Bắt đầu hạn chế làm việc nặng
Công việc của bạn có thể đòi hỏi nhiều về thể chất hoặc yêu cầu một số động tác nguy hiểm. Tuy nhiên, khiêng vác nặng, đứng trong thời gian dài và gập người ở thắt lưng có thể dẫn đến rối loạn kinh nguyệt, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hoặc sẩy thai.
Ngày 28: Tận hưởng những sở thích của bạn
Khi bạn mang thai, có một số hoạt động không an toàn cho bạn hoặc thai nhi đang lớn của bạn. Trước khi mang thai, hãy làm những điều bạn thích và tận hưởng khoảng thời gian này bạn nhé.
Ngày 29: Kiểm tra các gói bảo hiểm sức khỏe
Một điều quan trọng cần làm trước khi mang thai chính là kiểm tra gói bảo hiểm sức khỏe để xem các dịch vụ có trong đó cũng như thời hạn sử dụng để tính toán xem liệu bạn có cần phải mua một gói bảo hiểm khác hay không, chính sách bảo hiểm có phù hợp chưa, cần chuẩn bị gì,…
Ngày 30: Chia sẻ những kế hoạch với người bạn đời của mình trước khi mang thai
Việc mang thai là việc hệ trọng của cả hai người. Vì thế, đừng quên chia sẻ những kế hoạch của bạn với người ấy để cả hai cùng nhau đưa ra những quyết định trong chuyện hệ trọng này bạn nhé!
Làm mẹ là một trong những cột mốc quan trọng của người phụ nữ mà trước đó, cần có sự chuẩn bị cả về thể chất lẫn tinh thần. Hy vọng những chia sẻ của Tạp chí Mẹ và Con có thể giúp khoảng thời gian trước khi mang thai của bạn trở nên đáng giá hơn và giúp bạn có thể cải thiện sức khỏe thể chất tốt nhất, sẵn sàng cho chặng đường sắp tới.