Mẹ&Con - Mẹ nào cũng mong con mình hay ăn chóng lớn, cũng muốn dành mọi thứ tốt nhất cho con. Thế nhưng đôi khi, do những sơ suất hoặc những nhầm lẫn, điều bạn tưởng là 'tốt' lại thành ra 'xấu'. Kiểm lại những lỗi dinh dưỡng này, để tránh nhé! Sữa chua cho bé tuổi ăn dặm Khi nào mới cần bổ sung canxi cho bé? Món ăn bổ dưỡng cho bé

1. Nên cho bé ăn hải sản nhiều từ thời điểm ăn dặm để mau cứng cáp?

>> Sai!

Hải sản giàu đạm, khoáng canxi, lại chứa nhiều omega-3, kẽm, vitamin A, D… nên rất tốt cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, lưu ý là hải sản nói chung thường có khả năng gây dị ứng cho trẻ. Vì vậy, chỉ nên cho bé ăn từ tháng thứ 7 trở đi, từng ít một để cơ thể thích nghi dần. Bắt đầu cũng chỉ nên là các loại cá, như cá hồi, cá thu, cá basa (các loại này chứ nhiều axit béo chưa no rất tốt cho sự phát triển thần kinh và thị giác của trẻ, phát triển trí não giúp bé thông minh hơn).

9-loi-dinh-duong-thuong-gap-khi-nuoi-con

Tôm là thức ăn giàu đạm và canxi, từ tháng thứ 7 trở đi các bà mẹ có thể cho con ăn. Các loại hải sản có vỏ như: hàu, hến, sò… nên cho bé ăn khi đã 1 tuổi, dùng nước nấu cháo, còn thịt xay băm nhỏ, các loại hải sản này chứa nhiều kẽm, một vi chất quan trọng đối với trẻ em.

Với gỏi cá và các món làm sống, nấu không chín kỹ, tuyệt đối không nên cho bé ăn. Ngoài ra, bạn cũng cần biết rằng lượng hải sản mà cơ thể trẻ dung nạp được phải phù hợp. Cho con ăn “quá lượng” cũng có khả năng gây hại cho trẻ mà không biết.

ĂN HẢI SẢN VỚI LƯỢNG BAO NHIÊU LÀ ĐỦ?

Trẻ 7-12 tháng: Mỗi bữa có thể ăn 20-30g thịt của cá, tôm (đã bỏ xương, vỏ) nấu với bột, cháo, mỗi ngày có thể ăn 1 bữa, 3-4 bữa/tuần.

Trẻ 1-3 tuổi: Mỗi ngày ăn 1 bữa hải sản nấu với cháo hoặc mì, bún… Mỗi bữa ăn 30-40g thịt của hải sản, 3-4 bữa/tuần.

Trẻ từ 4 tuổi trở lên: Có thể ăn 1 bữa hải sản/ngày, mỗi bữa có thể ăn 50-60g thịt hải sản, nếu ăn ghẹ có thể ăn ½ con/bữa, tôm to có thể ăn 1-2 con/bữa (100g cả vỏ), 5-6 bữa/tuần.

2. Không cho bé ăn mỡ để tránh béo phì?

>> Sai!

Thấy quá nhiều người lớn bị thừa cân, béo phì, tiểu đường, tim mạch, mẹ đâm ra… sợ. Nhà kiêng hết mỡ động vật, dầu thực vật cũng chỉ ăn một lượng rất ít, mẹ lấy “công thức” này áp dụng luôn cho trẻ. Kỳ thực, điều đó hoàn toàn không đúng.

Các bé cần khoảng 30-40% lượng calo từ chất béo hàng ngày để đáp ứng cho sự phát triển của bộ não và cơ thể (nên nhớ não bộ có những yêu cầu đặc biệt từ axit béo và các thành phần khác của chất béo).

Vì vậy, mẹ vẫn cần cho bé ăn đầy đủ mỡ động vật lẫn dầu thực vật (ưu tiên mỡ cá hơn mỡ heo), trừ trường hợp trẻ bị béo phì và có sự điều chỉnh chế độ dinh dưỡng theo hướng dẫn của bác sĩ. Lượng chất béo phù hợp cho trẻ ăn dặm dưới 1 tuổi là 2-3,5g/kg mỗi ngày. Vì bé uống sữa đã có béo động vật, tốt nhất là cho trẻ ăn chất béo từ dầu thực vật, mỡ cá, có chứa hàm lượng Omega-3 cao giúp tăng sức đề kháng, giảm thiểu các căn bệnh viêm nhiễm, hỗ trợ hệ tuần hoàn hoạt động tốt hơn.

9-loi-dinh-duong-thuong-gap-khi-nuoi-con

3. Cho bé ăn nước hầm thôi là đủ?

>> Sai!

Mẹ vẫn tin rằng nước hầm rất tốt cho sức khỏe của bé. Vì vậy, mẹ nỗ lực mua nhiều xương, hầm thật kỹ, thật lâu, sau đó dùng nước hầm này nấu với rau, bột, cháo… cho con và tự tin rằng đã cung cấp cho con rất nhiều dưỡng chất.

Tuy nhiên, các phân tích thành phần dinh dưỡng đã cho thấy chất đạm (thịt, cá, tôm…) có nấu trong bao lâu thì vẫn chỉ có ở phần xác mà không tan được vào trong nước, và chất xơ trong rau củ cũng vậy. Vì vậy muốn nhận đủ các chất dinh dưỡng, mẹ cần cho trẻ ăn cả phần cái (xác) của thực phẩm bằng cách băm nhuyễn, cắt nhỏ, nấu mềm. Nếu chỉ cho trẻ ăn nước hầm thôi thì bé sẽ không nhận được các chất đạm từ thịt hay chất chất xơ có trong rau củ.

4. Mẹ ngậm muỗng trước rồi mới bón cho con?

>> Sai!

Để kiểm soát độ nóng của thực phẩm, cũng như để làm “gọn gàng” những muỗng bột, muỗng cháo khi bé đang giai đoạn ăn dặm, nhiều mẹ hay cho muỗng bột vào… miệng của mình trước rồi mới lấy ra đút cho con. Tệ hơn, nhiều mẹ cho thức ăn vào miệng mình, nhai dập ra một chút rồi lấy đút cho bé. Bạn nghĩ làm như thế để đảm bảo con không bị phỏng (vì thức ăn nóng), không bị hóc (vì đã được mẹ nhai dập trước)…?

Bạn nhầm rồi đấy! Cách làm này rất mất vệ sinh và có thể truyền những vi khuẩn, vi rút từ miệng của bạn sang cho bé. Khi đút cho con ăn, không bao giờ nên cho thức ăn vào miệng mình trước để “thử nghiệm” rồi mới đút cho trẻ cả.

9-loi-dinh-duong-thuong-gap-khi-nuoi-con

5. Cho trẻ uống trực tiếp sữa bò tươi mới vắt?

>> Sai!

Nhiều người thấy gần nhà mình có bán sữa bò tươi nguyên chất vừa vắt ra, nghĩ là rất tốt cho con nên… mua cho bé uống! Tuy nhiên, bạn cần biết một điều quan trọng là sữa tươi nguyên chất chưa qua xử lý thanh trùng hoặc tiệt trùng sẽ rất dễ nhiễm khuẩn và đưa lượng hại khuẩn vào cơ thể bé. Ngoài ra, sữa tươi có hàm lượng protein rất cao, khó hấp thu tiêu hóa nên tốt nhất là chỉ cho trẻ uống sữa tươi khi trẻ đã trên 1 tuổi (có hệ tiêu hóa vững chắc hơn), ít bị dị ứng hơn, đồng thời chọn sữa tươi đã tiệt trùng cho con.

6. Cà rốt, càng nhiều càng tốt?

>> Sai!

Cà rốt nằm trong danh sách các món tốt cho sức khỏe hàng đầu mà mẹ luôn khuyến khích bé ăn. Tuy nhiên, khi ngày nào cũng làm cho con một ly nước ép cà rốt, đưa cà rốt vào mọi bữa ăn thì bé lại có dấu hiệu… không ổn!

Đúng vậy bạn ạ. Cà rốt không nên lạm dụng quá nhiều, vì dễ khiến bé bị vàng da, chán ăn, bồn chồn và khó ngủ. Nên bổ sung lượng cà rốt hợp lý. Chỉ cần 2 lần/tuần, mỗi lần khoảng 30-50g là tốt.

7. Cho trẻ ăn cháo loãng mỗi khi bé ốm?

>> Sai!

Cứ thấy con bệnh là mẹ cho ăn ít đi, hoặc chỉ nấu ít cháo loãng với thịt và khoai tây, cà rốt cho bé ăn nhằm mục đích giúp bé dễ tiêu hóa, hấp thu. Điều này thật sự không cần thiết trừ khi bé có vấn đề về tiêu hóa và cần ăn như thế theo hướng dẫn của bác sĩ. Những trường hợp còn lại, bé bệnh nhưng vẫn có khả năng ăn uống bình thường thì bạn càng cần khuyến khích con ăn nhiều bữa, ăn phong phú, đa dạng, đầy đủ chất để nâng cao sức đề kháng, chống lại bệnh tật. Một số món con thích ăn (không gây hại cho sức khỏe) cũng sẽ là chọn lựa tốt trong thời gian này, vì nó kích thích bé cảm thấy ngon miệng hơn.  

9-loi-dinh-duong-thuong-gap-khi-nuoi-con

8. Nước ép trái cây: Cho bé uống thả ga cũng được?

>> Sai!

Mẹ nghĩ đã là nước ép trái cây đương nhiên tốt cho sức khỏe. Thế là ngày ngày, mẹ mất công lôi trái cây ra sơ chế, ép nước và cho vào tủ lạnh, con muốn uống bao nhiêu thì uống thả ga, thậm chí uống thay nước lọc cũng được.

Thế nhưng thực tế đây là một sai lầm của mẹ. Bạn chỉ nên cho bé uống 1-2 ly nhỏ nước trái cây mỗi ngày (tối đa 100-120ml/ngày) vì nếu không bé sẽ mất cảm giác thèm ăn, dễ bị khó chịu trong dạ dày và bị hỏng men răng. Những lúc bé khát, nước lọc vẫn là thứ nên được ưu tiên số một.

9. Pha sữa đặc hơn để… bổ sung nhiều chất?

>> Sai!

Thấy con hơi kém ăn, mẹ nghĩ thầm: Vậy thì mình cần làm “đặc” hơn mọi thứ để tăng cường dưỡng chất cho con. Ví dụ bé chỉ uống được 1 ly sữa, thì thay vì cho 3 muỗng sữa bột để pha nhưng thông thường, mẹ tăng lên thành… 5-6 muỗng. Điều này có tốt cho bé không? Câu trả lời là hoàn toàn không! Sữa pha không đúng hướng dẫn sẽ làm trẻ dễ sình bụng, khó tiêu vì hệ tiêu hóa của trẻ rất non yếu.

Nhắc thêm bạn là cũng không nên dùng nước củ dền để pha sữa, cho trứng gà vào sữa, phối hợp sữa với các món ăn khác tùy tiện vì tất cả những phản ứng hóa học diễn ra khi kết hợp tùy tiện này đều có khả năng gây ngộ độc cho trẻ, hoặc làm thay đổi công thức tối ưu của sữa. Sữa cũng không nên pha với nước đang sôi sùng sục mà chỉ nên pha với nước ấm, theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất trên bao bì. 

Tags:

Bài viết liên quan