Cãi nhau nặng nề lần đầu tiên. Có ý định ly hôn lần đầu tiên. Có bóng dáng “người thứ ba” lần đầu tiên. Có xung đột với gia đình chồng/vợ lần đầu tiên. Những “cột mốc” mà chỉ đọc lướt qua… cái tên thôi, bạn đã thật sự cảm thấy mệt mỏi, nặng nề. Tuy nhiên, đừng bỏ qua nó, cũng đừng trốn tránh nó. Đừng quên đây là những cột mốc rất khó tránh, nếu không muốn nói là hầu như không thể không gặp ít nhất một lần trong đời sống hôn nhân, nhất là trong những năm đầu tiên. Bạn cần có kỹ năng để “tháo nút”.
1. Cãi nhau nặng nề lần đầu tiên
Có vô số lý do dẫn đến cuộc cãi vã, xung đột này. Đó là lần đầu tiên kể từ sau khi lộng lẫy trong váy cưới, bạn cảm thấy cuộc sống hôn nhân không hoàn toàn “màu hồng” như mình tưởng. Những giọt nước mắt thất vọng, những cảm giác thương tổn nặng nề. Bạn giật mình nhận ra cứ tưởng đã “hiểu” bạn đời mình nhiều lắm, thế mà giờ lại hóa không.
Đây đáng xếp vào “cột mốc”, vì nó giống như lần đầu tiên, con thuyền êm đềm bạn vốn quen bỗng đối đầu với một cơn bão lớn. Bạn thấy mình chòng chành, thấy những bực tức dâng cao. Bạn cảm thấy “ghét” và “giận” người kia một cách khủng khiếp. Bạn ức chế và gọi điện cho cô bạn thân, bảo rằng tình yêu trong bạn dành cho chồng dường như lúc này đã “chết” rồi.
>> Ứng xử thế nào?
Thật ra, hãy tin đi, chỉ một tỷ lệ rất ít người… chia tay nhau, thấy tình yêu “chết luôn” vì một lần cãi nhau nặng nề này lắm.
Tuy nhiên, bạn cần nhìn vào nó và rút kinh nghiệm. Bởi vì nếu không “gia cố” con thuyền, không nhìn ra những vấp váp ở nhau và cùng sửa chữa, thì sau trận cãi nhau nặng nề lần đầu tiên này, sẽ có trận thứ hai, thứ ba, thứ tư. Cho đến lúc hết nhìn nổi nhau và… chấm hết!
Sau trận cãi đầu tiên, vượt qua đôi ba ngày giận hờn, “chiến tranh nóng”, “chiến tranh lạnh”, việc vợ chồng cần làm chính là giữ cho mình bình tĩnh lại, càng bình tĩnh càng tốt, và tìm cách nói chuyện với nhau. Việc nói chuyện lúc này là rất cần thiết, vì nó sẽ giúp giải tỏa hết mọi gút mắc, suy nghĩ còn vướng ở trong lòng. Một số đôi vợ chồng chọn cách im lặng và cho qua! Song, hãy biết rằng cho qua trong trường hợp này không phải cách hay. Vì nếu không giải quyết tận gốc những tổn thương và thất vọng về nhau, đó sẽ là lỗ mọt đắm thuyền không đáng có.
>> Kỹ năng cho bạn:
– Lý tưởng nhất là vợ chồng bạn chọn một không gian yên tĩnh, nhẹ nhàng, có tính riêng tư, ngồi xuống và nói chuyện.
– Trong trường hợp bạn không thoải mái hoặc anh xã là người rất gia trưởng, không chịu lắng nghe, dễ gây gổ mỗi khi nói chuyện, hãy viết một lá thư hoặc một email chia sẻ những suy nghĩ trong lòng bạn.
– Nguyên tắc đơn giản, là hãy cố đặt mình vào vị trí của người kia, để hiểu và thông cảm hơn cho người kia. Lúc nói chuyện với nhau, không chỉ ào ào tranh phần nói mà cần thật sự học cách lắng nghe những điều người kia nói.
– Cùng tìm cho ra được nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn giữa vợ chồng bạn vừa rồi là gì, có cách nào để giải quyết mâu thuẫn đó không, làm gì – thỏa thuận với nhau ra sao để lần sau không lặp lại?
– Sau hết, hãy xoa dịu cảm giác thương tổn trong mình. Nhân vô thập toàn. Vợ chồng bạn khó khăn lắm mới đến được với nhau, cùng dựng xây một mái ấm. Đừng vì chút gút mắc nho nhỏ mà đánh giá cả con người anh ấy hay cô ấy. Hôn nhân là một hành trình cùng nhau dung hòa, cùng nhau sửa chữa. Bạn cần học cách để hiểu và chấp nhận người kia, trước khi đòi hỏi bạn đời của mình làm thế.
2. Có ý định ly hôn lần đầu tiên
Tệ hơn cả một trận cãi nhau, đó là khi trong đầu bạn bất giác hiện lên quyết định: Muốn ly hôn, muốn kết thúc, muốn xóa bỏ tất cả những gì vừa mới gây dựng này!
Khi bạn gặp cơn khủng hoảng này lần đầu tiên, hãy biết rằng bạn không đơn độc trong nỗi đau. Có ít nhất 70% cặp vợ chồng xuất hiện ý nghĩ sẽ… ly hôn trong 5 năm đầu. Nhiều người nói ra ý định ấy với người kia. Nhiều người khác thậm chí viết ra những lá đơn xin ly hôn và cùng ký. Nhiều người khác nữa làm ầm lên với họ hàng, cha mẹ hai bên, đùng đùng cho biết chúng con sẽ chia tay. Một số nàng vợ chọn giải pháp xách va li về nhà mẹ ruột, để lại lời nhắn: “Anh hãy chờ đến ngày tòa giải quyết!”.
>> Ứng xử thế nào?
Thật ra, như đã nói, nếu bạn biết rằng có đến 70% gia đình gặp phải trục trặc nghĩ đến chuyện ly hôn giống như mình, hẳn bạn sẽ hiểu chuyện này không nghiêm trọng thế. Sửa chữa mới khó, chứ đập vỡ không hẳn là cách hay.
Hãy bình tĩnh nghĩ lại xem, bạn đang đòi ly hôn như một cách cho đã nư, cho người kia đau, cho người kia chú ý đến mình hay bạn thật sự không còn kỳ vọng gì và lý trí đầy sáng suốt, đầy bình tĩnh của bạn cho biết ly hôn là giải thoát?
Phần lớn người đòi ly hôn trước là người vợ. Và nên lưu ý rằng, phần lớn họ lại vẫn yêu chồng, vẫn chưa kịp nghĩ đến những hệ lụy của chia tay. Họ đưa ra giải pháp như một cách “làm nư” trong cuộc khủng hoảng đầu đời của gia đình.
>> Kỹ năng cho bạn:
– Đừng bao giờ vội xách va li rời khỏi nhà, nhất là về nhà mẹ ruột. Đừng làm ầm lên, để những người thân khác biết đến xung đột của vợ chồng bạn. Hãy biết rằng, trong một số trường hợp, khi chuyện cứ “ầm ầm” thế này, sự nóng nảy và tự ái đàn ông dễ đẩy chồng bạn vào những quyết định sai lầm. Thậm chí từ chuyện “hù dọa” ly hôn trở thành ly hôn thật một cách đầy đáng tiếc!
– Đừng dễ dãi đưa ra câu: “Mình ly hôn đi!”, vì nếu nói rồi… chẳng làm gì, thì từ từ người bạn đời của bạn sẽ “lờn” và có ý coi thường, thiếu tôn trọng mỗi khi bạn đưa ra lời “dọa” (mà họ biết bạn chẳng bao giờ dám làm) đó.
– Hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi để thốt ra một câu nói “ly hôn”. Thay vào đó, tốt hơn hết, bạn nên giấu nhẹm ý nghĩ ấy (muốn chia tay) vào trong lòng, cho mình một vài ngày thử xa gia đình, để tỉnh táo nhìn nhận lại hết mối quan hệ hiện tại, xem cái gì chưa ổn, xem bạn có thật sự muốn chuyện ly hôn, xem còn giải pháp nào không, xem bạn đã đánh giá đúng tình hình chưa?
– Hãy nhớ lại xem vì lý do gì bạn yêu chồng mình? Hãy nghĩ tới những giây phút ngọt ngào đã có với nhau. Hãy tìm đến chuyên gia tâm lý hoặc bạn bè thân – những người đủ sáng suốt để cùng bạn phân tích tình hình hiện tại.
– Với rất nhiều người, sau khi bình tĩnh lại, họ sẽ đặt ra câu nói quen thuộc với bạn đời của mình: “Em cảm thấy chúng ta có gút mắc lớn, và em cần sửa chữa nó! Mình nói chuyện được không chồng?” thay vì câu nói… ly hôn!
3. Có bóng dáng “người thứ ba” lần đầu tiên
Điều này đa phần rơi vào… các anh chồng! Khoảng 4-5 năm sau ngày cưới, vợ chồng bạn đã bắt đầu tương đối ổn định về tài chính, ít những cuộc xung đột về tiền bạc. Con cái cũng có thể đã có đứa đầu tiên. Tâm trí người vợ bắt đầu bớt đi sự lãng mạn của “thuở còn son” mà tập trung cho… cái bụng bầu hoặc đứa con bé bỏng của mình.
Những chuyện tã, chuyện cho bú, chuyện gia đình giặt giũ, nấu ăn khiến vợ ít chăm chút cho bản thân mình hơn, thờ ơ chăn gối hơn. Trong khi đó, các đấng lang quân, sau khi cảm thấy đã tương đối “tròn trách nhiệm” với gia đình (đã “cho” vợ được một đứa con, đã lo liệu khá chu toàn nhà cửa, tiền chi tiêu hàng tháng…), thì thường cho phép mình “lãng đãng” bên ngoài đôi chút.
Đây chính là thời điểm rất dễ có hình bóng một “người thứ ba” xuất hiện.
>> Ứng xử thế nào?
Chắc chắn là bạn sốc, rất sốc! Không sốc sao được khi phát hiện một người mà mình trọn vẹn tin tưởng, trọn vẹn yêu thương, mình xem như tất cả cuộc đời của mình hóa ra… có “ai đó” khác từ lâu??? Có rất nhiều cấp độ khác nhau cho sự xuất hiện của “người thứ ba” này. Hoặc là chàng à ơi bên ngoài nhưng ở mức “tình dục” chứ chẳng yêu thương gì. Hoặc là chàng ỡm ờ cho vui, cũng đôi lần ngọt ngào “yêu thương” song vẫn biết ranh giới đâu là vợ, đâu là “bồ”. Và cuối cùng, chàng thật sự đã có một sự gắn bó đặc biệt, tâm đầu ý hợp, sẻ chia nhiều điều (kể cả chuyện chăn gối) với một người phụ nữ khác.
Bạn không thể không ghen, tất nhiên! Song, điều rất cần làm lúc này chính là giữ cho mình bình tĩnh. Càng bình tĩnh, bạn càng giải quyết vấn đề tốt hơn.
>> Kỹ năng cho bạn:
– Hãy phân tích xem mức độ chồng mình và “người thứ ba” đang dừng lại ở đâu. Chẳng ai muốn chuyện này cả, nhưng nói nghiêm túc, nếu đó chỉ là những “trò vui” nhất thời kiểu chán cơm thèm phở, ham sự mới lạ, thích chinh phục thì sẽ dễ hơn cho bạn nhiều so với việc chàng thật sự yêu và dành sự tâm đầu ý hợp cho… người khác.
– Hãy tự hỏi bản thân mình: Mình mong muốn điều gì? Cố gắng duy trì và làm mới lại cuộc sống hôn nhân hay không thể bỏ qua, muốn kết thúc để xây dựng một cuộc sống mới? Trung thực với bản thân mình, bạn sẽ tìm được chính xác con đường cần đi.
– Hãy nói chuyện với chồng, lắng nghe anh để biết mong muốn của anh: Chọn vợ con hiện tại hay chia tay?
– Hãy chăm chút lại bản thân mình, chú ý sức khỏe, vóc dáng, làm mới chính mình. Điều này không phải để chọc tức chồng hay để “giành” lại anh ấy mà trước tiên là để cho bạn. Bạn cần tự tin vào bản thân, cần vực chính mình dậy và hiểu giá trị của mình thế nào.
– Hãy đặt ra nghiêm túc các vấn đề cần giải quyết và cố gắng giải quyết chúng bằng lý trí. Chẳng hạn, nếu bạn tha thứ, chồng bạn sẽ cam kết thế nào, làm sao khi trường hợp này lặp lại? Nếu bạn muốn chia tay, bạn đã chuẩn bị tài chính đến đâu để bắt đầu một cuộc sống mới cho mình và cho con?
– Chỉ gặp “người thứ ba” khi thật cần thiết. Còn lại, xung đột đánh ghen, hò hét và làm xấu đi hình ảnh của chính mình chẳng để làm gì cả. Nên biết, quan trọng trước tiên vẫn là vợ chồng bạn. Nếu mối quan hệ của vợ chồng bạn tốt, không “người thứ ba” nào có thể chen vào. Ngược lại, dù bạn có xỉ vả người thứ ba đến đâu mà lòng dạ chồng đã quyết đi, thì bạn rất khó lòng để giữ.
4. Có xung đột với gia đình chồng/vợ lần đầu tiên
Đến 70% xung đột này rơi về phía… các nàng vợ. Cãi cọ với mẹ chồng, anh chị em chồng. Gút mắc chuyện sao chồng lại đưa tiền về cho mẹ chồng nhiều thế. Mối quan hệ của người vợ với gia đình chồng vốn… quá nhiều phức tạp, đến nỗi trên các diễn đàn, bên cạnh những lời than vãn chuyện ngoại tình thì yếu tố “gia đình chồng” chính là đề tài bàn tán nhiều thứ hai.
>> Ứng xử thế nào?
Xung đột đã lỡ xảy ra rồi, lúc này điều đầu tiên bạn cần ghi nhớ là tuyệt đối không bao giờ dồn ép chồng vào cái thế: “Anh chọn mẹ con em hay chọn bố mẹ, anh em nhà anh?”. Nên nhớ, khi bị bắt chọn lựa, không người đàn ông nào thấy dễ chịu khi chọn từ bỏ cha mẹ mình, anh chị em mình.
Bạn cũng đừng để mình nóng nảy mà xúc phạm nặng lời đến bố mẹ, anh chị em chồng. Chồng bạn sống với họ, lớn lên cùng họ cả vài chục năm trời, trong khi chỉ mới sống cùng bạn nhiều lắm là 5 năm. Vậy bạn nghĩ trái tim của người đàn ông sẽ nghiêng về bên nào, khi bạn xúc phạm nặng lời đến những người mà họ thương yêu nhất?
>> Kỹ năng cho bạn:
– Bạn càng nhún nhường trong trường hợp này, bạn càng dễ được chồng bênh vực và có được tình yêu của anh ấy. Hãy cố gắng hết sức có thể tỏ rõ thiện ý của mình.
– Nếu có gì quá bức xúc về gia đình chồng hoặc chị em chồng, không nên phản ứng ra mặt với họ, mà nên ngồi xuống chia sẻ với chồng. Chia sẻ một cách thấu đáo, có lý có tình, phân tích rõ ràng, đừng cảm tính khóc lu loa và mắng nhiếc xúc phạm người khác.
– Hãy để chồng là người trung gian đứng ra hòa giải. Nếu bạn cảm thấy gia đình chồng gây ảnh hưởng trực tiếp đến “quyền lợi” của bạn (ví dụ chồng sử dụng quá nhiều tiền tiết kiệm đưa cho mẹ chồng chẳng hạn), hãy cùng anh phân tích lại để tìm ra giải pháp tốt nhất với gia đình mình.
– Cuối cùng, đừng ích kỷ! Khi bạn “ghét” một người phụ nữ bên nhà chồng, hãy dừng lại và đặt mình vào họ. Đừng quên, bạn cũng là một người phụ nữ! Có thể đến một lúc nào đó, bạn cũng sẽ là mẹ chồng, là chị em chồng của một người khác trong đời!