Muối có cần cho trẻ không?
Muối ăn có hai thành phần chủ yếu là Natri và Clo, là hai nguyên tố có vai trò hết sức quan trọng trong cân bằng thể dịch trong cơ thể, đảm bảo sự tồn tại và hoạt động bình thường của tất cả các tế bào, hoạt động chức năng của tất cả các cơ quan và bộ phận. Với trẻ em, muối i-ốt giúp trẻ phát triển trí tuệ tốt.
Nếu bị thiếu muối, cơ thể sẽ tự thích ứng bằng cách làm giảm đào thải natri qua nước tiểu và mồ hôi. Cơ thể cũng sẽ có cảm giác thèm ăn mặn hơn nên sẽ sớm có được lượng muối cần thiết trong cơ thể. Thiếu muối nặng thì có thể dẫn tới chuột rút, hoa mắt, chóng mặt. Thiếu muối nặng thường gặp ở những trẻ bị ra quá nhiều mồ hôi hoặc bị tiêu chảy nặng mà không được bù nước và muối hợp lý. Nhắc điều này với mẹ để mẹ hiểu vì sao với trẻ em bị tiêu chảy, cần được bù muối và các chất điện giải bằng các dung dịch như Oresol hoặc nước cháo muối tự nấu ở nhà.
Đọc sơ qua như vậy, mẹ hẳn cũng đã thấy rằng muối không thể thiếu với trẻ rồi. Không có chuyện cho trẻ ăn hoàn toàn không muối thì sẽ tốt. Tuy nhiên, ngược lại nếu thừa muối thì sao?
Muối có nhiều vai trò quan trọng như vậy nhưng nếu ăn quá nhiều muối thì cũng vô cùng tai hại. Thói quen ăn mặn hoặc chế biến mặn các loại thức ăn sẽ làm tăng áp lực thẩm thấu trong máu, cơ thể sẽ có cảm giác khát, dẫn đến uống nước nhiều (quá lượng nước cho phép), tích trữ nước trong cơ thể gây tăng huyết áp. Cơ thể cũng tìm cách tăng đào thải natri qua nước tiểu, dẫn tới mất kali, canxi và nhiều khoáng chất khác và gây “mệt mỏi” cho hệ bài tiết, làm tăng cường độ làm việc của hệ thống tim mạch, thận và tiết niệu nên sớm dẫn tới suy giảm chức năng hoạt động của các hệ cơ quan này. Bên cạnh đó là các nguy cơ tăng huyết áp, bệnh tim mạch, suy tim, suy thận…
Mẹ lưu ý!
Với trẻ em, chức năng thận còn non nớt, bạn không nên cho muối vào thức ăn của trẻ trước khi trẻ 1 tuổi. Trẻ dưới 1 tuổi nên ăn nhạt để thận của bé không phải “làm việc” quá tải. Nêm muối khi nấu bột, cháo sẽ tập cho bé thói quen ăn nhiều muối khi bé lớn. Thói quen này dẫn đến khả năng bé sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, tim mạch trong tương lai.
Ở trẻ mới ăn dặm, bé hoàn toàn chưa biết phân biệt mặn nhạt là gì. Bạn không nên nếm thức ăn cho trẻ theo vị giác của mình, cho rằng như vậy thì trẻ mới vừa miệng, mới ăn ngon. Đối với trẻ ở lứa tuổi mới ăn dặm bạn nên cho trẻ ăn nhạt, như vậy sẽ tránh được thói quen ăn mặn sau này, phòng ngừa được các bệnh về tim mạch trong tương lai.
Nấu ăn cho trẻ trên 3 tuổi nên sử dụng muối i-ốt thay cho muối thường để đảm bảo đủ nhu cầu i-ốt cho cơ thể trẻ và phòng được các rối loạn do thiếu i-ốt gây ra.
Tuy nhiên, có một việc quan trọng cần chú ý là i-ốt có khả năng bị hao hụt trong quá trình bảo quản hay chế biến. Ví dụ như muối i-ốt khi bị mang phơi nắng, đun sôi lâu trong nước sẽ bị mất tác dụng. Do đó, khi nêm nếm thức ăn, để giữ lượng i-ốt thì cần cho muối i-ốt vào khi thức ăn gần chín, chỉ nêm thêm rồi nhắc nồi xuống. Ngoài ra không nên rang muối i-ốt, không để muối i-ốt gần bếp lửa nóng hay nơi có ánh nắng chiếu vào.
Đối với những trẻ bú mẹ, trong sữa mẹ đã có thành phần muối phù hợp với bé. Sữa công thức cũng được bổ sung một lượng muối có tỷ lệ y hệt sữa mẹ. Do đó, với trẻ sơ sinh dưới 1 năm tuổi, lượng muối trẻ nhận được mỗi ngày qua sữa là hoàn toàn đủ cho hoạt động của toàn cơ thể.
Đong đúng lượng, dùng đúng cách!
Như đã nói, cơ thể cần muối và muối lại là chất cơ thể không tự sản sinh được. Do đó, mẹ cần cho bé ăn muối trong bữa ăn hàng ngày.
Vấn đề là: Trẻ cần muối, nhưng lượng muối trẻ cần khác với người lớn chúng ta!
Lượng muối trẻ cần vô cùng nhỏ. Cụ thể, với trẻ em ở tuổi ăn dặm (dưới 1 tuổi), các thức ăn hợp với lứa tuổi này đã có chứa một lượng muối đủ dùng cho bé như bột ngũ cốc, trái cây, nước trái cây, thịt gia cầm, cá, trứng, rau. Do vậy, không cần cho thêm muối vào thức ăn của trẻ.
Lượng muối phù hợp với trẻ: Trẻ dưới 6 tháng cần ít hơn 1g muối/ngày (lượng muối này có trong sữa mẹ hoặc sữa bột). Trẻ từ 6 tháng tuổi đến 1 tuổi, nhu cầu muối khoảng 1g. Trẻ trên 1 tuổi cần khoảng 2g.
Nếu trẻ trên 1 tuổi mà bạn cho ăn những thức ăn có chứa hàm lượng muối cao như phomat, thịt nguội, khoai tây chiên giòn, súp… thì chỉ thỉnh thoảng mới nên cho thêm một chút muối vào thức ăn của trẻ.
Mẹ lưu ý kỹ thêm một điều là “muối” không phải chỉ hiện diện trong… lọ đựng muối ăn! Thực tế, muối có tác dụng tạo vị ngon cho món ăn, bảo quản thức ăn được lâu và một số loại thực phẩm khi chế biến đã được nhà sản xuất cho rất nhiều muối vào rồi.
Có thể kể đến một số loại thực phẩm chế biến sẵn như: pho mát, thịt nguội, xúc xích, mì ăn liền, ngũ cốc ăn liền, sốt salad, bánh mì, hải sản đông lạnh, bột ca cao, đậu phụ, bơ, snack, bánh qui… Các thực phẩm tự nhiên như ngũ cốc, hoa quả, thịt gia cầm, cá, trứng, rau tươi cũng đều có một lượng muối nhất định. Do đó, đừng hạn chế muối theo kiểu hoàn toàn không nêm đến muối vào món ăn của trẻ nhưng lại cho trẻ “măm” rất nhiều sốt salad, bánh quy, bánh snack, xúc xích…
Một thông tin xin được “khuyến cáo” thêm với mẹ là các nghiên cứu trên thế giới thời gian qua đều cho thấy trẻ em đang ăn quá nhiều muối trong khẩu phần ăn hàng ngày. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho thấy: So với lượng muối quy định, các em từ 5-6 tuổi đang ăn nhiều hơn 0,75g còn thanh thiếu niên đang hấp thu nhiều hơn khoảng 1,5g muối. Bé trai có xu hướng ăn nhiều muối hơn bé gái.
Đáng chú ý là lượng muối vượt chuẩn này tập trung nhiều vào các món tưởng chừng rất “vô hại”, không hề gợi lên ý niệm nào là “mặn”. Chẳng hạn như ngũ cốc, bánh mì (chiếm 36% lượng muối 1 ngày), khoai tây chiên ở các tiệm thức ăn nhanh, đặc biệt là các gói bánh snack (bim bim).
Theo sự tư vấn của BS. Hoàng Thị Diễm Thúy (Trưởng khoa thận BV Nhi Đồng 2) và BS. Lê Thị Hải (Viện Dinh dưỡng Quốc gia)