Xã hội, bạn bè, người thân… là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến tính cách của trẻ. Tuy nhiên bố mẹ vẫn là yếu tố quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách của con. Vì mỗi câu nói của người lớn dù chỉ là vô tình cũng sẽ “ăn sâu” vào tiềm thức của trẻ và ảnh hưởng đến tâm lý. Vì vậy, bố mẹ nên ghi nhớ những câu không nên nói với con sau đây.
Tại sao con không giỏi như bạn…
Nhiều bố mẹ thường có tâm lý so sánh con mình với những đứa trẻ khác và chuyện này thường xảy ta ngay cả khi con chỉ là trẻ sơ sinh. Bạn có để ý rằng chúng ta thường thắc mắc rằng tại sao con mình không bụ bẫm như những đứa trẻ khác, tại sao con mình lại khóc nhiều hơn con của bà A, B, C… Có thể tạm giải thích rằng những thắc mắc này thường xuất phát từ sự quan tâm, lo lắng của bố mẹ.
Nhưng khi trẻ dần lớn và bắt đầu hòa nhập với xã hội thì nhiều bố mẹ vẫn giữ tâm lý “cũ”, mỗi khi nhận phiếu điểm của con hay xem điểm kiểm tra của con bố mẹ sẽ thường thắc mắc “điểm của bạn A (ngồi chung bàn) như thế nào?”, “điểm của bạn B (con của hàng xóm) như thế nào”… nếu kết quả con bạn cao điểm hơn thì sẽ là một “cơn mưa” lời khen và hứa sẽ thưởng cho con… Ngược lại trẻ sẽ bị tổn thương bởi những câu nói trong lúc tức giận “Tại sao con không giỏi như bạn A, B, C…”
Bạn biết không? Không có bất kỳ ai muốn mình bị đặt lên bàn cân với một người khác, trẻ lại càng không. Bạn đừng gieo vào suy nghĩ trẻ sự hơn thua, ghen ghét… thay vào đó bạn hãy dạy trẻ hiểu sự cố gắng và nỗ lực còn quan trọng hơn nhiều.
Con có thể để cha/ mẹ yên được không?
Nếu bạn là một phụ huynh không mong cầu sự nghỉ ngơi hay không muốn dành thời gian riêng cho bản thân mình thì bạn là bố mẹ hoàn hảo rồi đấy. Nhưng sự thật lại phũ phàng hơn khi không có ai là hoàn hảo cả, chính vì vậy nhiều phụ huynh thường xuyên vô tình phát ra câu không nên nói với con là “con có thể để cha/ mẹ yên được không?”, “con không thấy bố đang bận à”, “mẹ đang rất bận”…
Tuy nhiên bạn có nghĩ rằng trẻ đang gặp phải một vấn đề lớn nào đó nhưng chính bạn lại đánh mất cơ hội được làm bạn với trẻ không? Có thể trẻ đang bị bắt nạt ở trường hay nặng hơn trẻ bị xâm hại và đang rối bời tìm hướng giải quyết. Nếu vô tình nghe được câu không nên nói với con này trẻ sẽ dần thu mình lại và không tin tưởng bất kỳ ai, kể cả bố mẹ.
Theo tiến sĩ Suzette Haden Elgin, trẻ sẽ “bắt đầu nghĩ rằng không có lý do gì để nói chuyện với cha mẹ vì cha mẹ luôn gạt chúng ra”. Trẻ sẽ tập thói quen không làm phiền và đau đớn nhất là có thể trở nên ít nói với những người sinh thành ra chúng, kể cả khi lớn thêm.
Cha/ mẹ hứa là nó không đau đâu
Bạn có nhận ra đây là câu nói quen thuộc trong trường hợp nào không? Chắc hẳn ít nhiều trong mỗi lần đưa trẻ đi khám bệnh bạn sẽ nói dối trẻ nhiều hơn 1 lần về cảm giác tiêm thuốc hay tiêm vắc xin. Đây là tâm lý chung của nhiều phụ huynh mong muốn mọi chuyện diễn ra thật nhanh và trẻ sẽ ngoan ngoãn hơn. Nhưng vào lần thứ 2, thứ 3… liệu trẻ có còn tin tưởng bạn hay không?
Chính vì vậy, mỗi khi đưa trẻ đi gặp bác sĩ hay tiêm vắc xin bạn hãy nhẹ nhàng giải thích với trẻ rằng: “Con sẽ bị đau trong khi tiêm, nhưng cảm giác đau sẽ rất nhanh hết và sau khi tiêm con sẽ khỏe mạnh hơn có thể thoải mái vui chơi với bạn bè”.
Con mà còn như thế thì sẽ ăn đòn đấy
Chắc hẳn đây là câu nói quen thuộc của nhiều phụ huynh trong quá trình nuôi dạy trẻ, nhưng rất tiếc đây là câu mà bạn không nên nói với con. Vì trên thực tế ít bố mẹ nào thực hiện đúng như cam kết là “ăn đòn” sau câu nói này. Điều này sẽ khiến lời nói của bạn mất đi giá trị và không sức mạnh như vốn có. Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng việc dạy trẻ bằng đòn roi cũng kém hiệu quả hơn phương pháp khác khi muốn thay đổi hành vi của trẻ.
Trên thực tế trẻ nhỏ cần rất nhiều thời gian để học được hành vi nào là đúng. Theo tiến sĩ Murray Straus “Tỷ lệ trẻ 2 tuổi lặp lại hành vi sai trái của mình trong một ngày là 80% dù bạn đã sử dụng rất nhiều phương pháp dạy con”. Ngay cả đối với trẻ đã lớn cũng rất khó dạy trẻ bằng phương pháp đòn roi, chính vì vậy bạn có thể sử dụng nhiều phương pháp dạy trẻ không đòn roi như:
- Chuyển hướng chú ý của trẻ
- Đưa trẻ ra khỏi tính huống và phạt trẻ ngồi một không gian không có sự xao lãng để trẻ nghĩ về hành động của mình (phương pháp dạy con timeout)
Con tuyệt đối không được nói chuyện với người lạ
Nhiều bố mẹ thường quan điểm bảo vệ trẻ khỏi những nguy hiểm xung quanh là phải cho trẻ không giao tiếp với người lạ. Tuy nhiên bạn có từng nghĩ rằng câu không nên nói với con này có thể làm cho trẻ ám ảnh với người lạ không? Và vô tình trẻ đi lạc bố mẹ thì trẻ còn đủ tự tin nhờ người lạ giúp đỡ hay không?
Thay vì gieo vào suy nghĩ trẻ mọi người lạ tiếp cận trẻ đều có mục đích xấu bạn hãy đưa ra tình huống: “Con sẽ làm gì nếu có một người lạ cho con bánh, kẹo và muốn chở con về nhà” sau đó bạn hãy lắng nghe cách giải quyết của trẻ rồi hướng dẫn trẻ cách xử lý phù hợp nhất.
Ước gì mẹ đừng sinh ra con
Đây chắc hẳn là câu mà bạn không nên nói với con dù đang trong tình huống tức giận như thế nào. Không chỉ là một câu nói gây tổn thương mà còn khiến trẻ nghĩ rằng bạn không còn thương chúng nữa. Một đứa trẻ mất niềm tin vào tình yêu gia đình sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cách sống của trẻ, thông thường trẻ sẽ bất cần hơn trong hành động. Bạn hãy nhớ rằng, cơn giận sẽ trôi qua rất nhanh nhưng lời nói sẽ không bao giờ thu lại được. Tất nhiên, sự tổn thương bên trong trẻ cũng rất khó chữa lành sau những câu nói của bạn.
Con không ăn hết cơm thì không…
Những câu như: “con mà không ăn hết cơm sẽ không được xem ti vi”, “con không ăn hết cơm sẽ không được anh bánh, kẹo”, “con có ăn hết không thì bảo”… bạn hoàn toàn không nên nói với con. Vì điều này sẽ khiến trẻ có cảm giác là đang bị phạt hơn là một bữa cơm thông thường, cảm giác ngon miệng cũng sẽ giảm hẳn. Thay vào đó là trẻ sẽ cố gắng ăn mà không thưởng thức được mùi vị.
Bên cạnh đó, nếu bạn liên tục dọa nạt trẻ bằng những câu không nên nói với con trên, trẻ sẽ dần sinh tâm lý tiêu cực dẫn đến hệ tiêu hóa cũng bị ảnh hưởng. Hơn nữa bạn cũng đã vô tình xây cho trẻ một cảm xúc sợ hãi với mọi thứ và khó hòa nhập với mọi thứ xung quanh. Bạn có thể thay đổi ngôn từ để khuyên trẻ ăn nhiều hơn bữa chính như: “Chúng ta cần ăn bữa chính nhiều hơn, sau đó mới đến các món tráng miệng”, bạn có thể lấy ví dụ là mỗi lần ăn gà rán sẽ ăn gà nhiều hơn rồi mới đến khoai tây chiên hay các món bánh.
Nuôi dạy trẻ là một điều không hề dễ dàng, hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp bố mẹ hiểu hơn những câu không nên nói với con trong quá trình nuôi dạy. Bên cạnh đó, bố mẹ hãy theo dõi Mẹ và Con để có hướng dạy con đúng hơn nhé!