Để nuôi dạy con nên người là cả một hành trình dài, cần rất nhiều kiên nhẫn và lòng yêu thương. Đồng thời cha mẹ cũng cần bỏ ra nhiều thời gian và công sức để rèn luyện cho con trở thành một đứa trẻ ngoan ngoãn, giỏi giang và chăm chỉ. Theo các chuyên gia tâm lý cho biết, cha mẹ nên giúp bé hình thành một nhân cách tử tế, lối sống lành mạnh – tự lập từ trước 5 tuổi để con có thể hiểu chuyện và hiếu thuận hơn. Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu cách dạy con hiếu thảo ngay từ nhỏ qua bài viết sau \đây nhé!
Dạy con hiếu thảo bằng những bài học đơn giản
Trở thành một tấm gương cho sự hiếu thảo
Là những người cha mẹ, người bên cạnh và gần gũi với con nhất, bạn nên hiểu rằng trẻ luôn luôn quan sát và học theo bạn. Vì thế, muốn con cái hiếu thuận với mình, đầu tiên bạn phải để chúng thấy cha mẹ cũng hiếu thảo với ông bà. Không cần phải chứng minh quá to tát, chỉ cần một vài việc làm nhỏ của bạn để bày tỏ lòng biết ơn, hiếu kính đến ông bà như: hỏi han – quan tâm ông bà thường xuyên, mua quà biếu cho ông bà… từ những điều này, trẻ sẽ nhận thấy đây là một việc “nên làm”.
Ví dụ như hãy nói với trẻ rằng “Mẹ sẽ để dành phần trái cây tươi ngon này để biếu ông bà”, bỗng một ngày nào đó, bạn cũng đừng ngạc nhiên khi thấy trẻ cũng nhìn những món ăn ngon và nói rằng “Cái này sẽ để dành cho mẹ!”.
Dạy con biết cảm ơn và xin lỗi
Đây là một trong những bài học cơ bản đầu đời mà trẻ cần phải học trong hành trình làm người, cha mẹ nên dạy con càng sớm càng tốt. Lời cảm ơn và xin lỗi tưởng chừng như đơn giản, nhỏ bé nhưng chúng lại mang ý nghĩa rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách của trẻ.
Dạy con hiếu thảo từ những việc nhỏ nhặt như biết cảm ơn khi nhận được một món quà, một sự giúp đỡ hoặc bất kỳ một điều gì đó từ những người khác và biết xin lỗi, nhận lỗi khi làm sai là điều rất quan trọng. Từ đó, trẻ sẽ dần hiểu chuyện hơn, biết suy nghĩ về những hành vi của mình. Bên cạnh đó, trong lúc rèn luyện cho trẻ nói cảm ơn và xin lỗi, cha mẹ cũng nên cho con biết ý nghĩa của lòng biết ơn cũng như sự thật lòng hối cãi sẽ giúp con luôn được mọi người quý mến và tin tưởng, trở thành người tử tế, biết chừng mực.
Dạy con biết chia sẻ việc nhà
Đây là một trong những bài học quý giá mà bạn cũng nên hướng dẫn trẻ sớm nếu muốn dạy con hiếu thảo. Một đứa trẻ được chỉ dạy những kỹ năng làm việc nhà từ sớm sẽ có xu hướng tự chủ động chia sẻ việc nhà với cha mẹ, tự lập hơn khi bố mẹ mệt.
Sẽ rất ngọt ngào nếu như bạn bị ốm và con yêu của bạn biết cách vắt cho bạn một ly nước cam, quét nhà và phụ bạn nấu cơm. Bên cạnh đó, những kỹ năng làm việc nhà sẽ giúp con trở nên tự tin, siêng năng và chăm chỉ hơn, không ỷ y vào người khác. Vì thế, hãy hướng dẫn cho con từng chút một, đừng vì xót trẻ mà tự mình làm hết tất cả việc nhà, chỉ để cho con được “ăn và chơi” đúng nghĩa.
Cho trẻ tận mắt thấy tình mẹ con
Khi được chứng kiến và nghe về tình cảm mẹ con thiêng liêng ngay từ nhỏ, trẻ sẽ thấu hiểu và có xu hướng yêu thương cha mẹ nhiều hơn. Đừng lo lắng, việc này không có gì quá khó khăn đâu! Chỉ cần để ý một chút bạn sẽ nhận ra chúng luôn hiện hữu xung quanh chúng ta.
Đơn giản như, nếu nhà bạn có một đàn gà, hãy chỉ cho trẻ thấy gà mẹ đang che chở cho đàn gà con như thế nào, chúng nhường thức ăn cho gà con ra sao. Hoặc nếu như nhà bạn có nuôi chó và chúng đang trong thời kỳ sinh sản, hãy nói cho trẻ biết rằng nên cẩn thận không nên đến gần, vì chó mẹ sợ có người làm hại con mình, hoặc bạn có thể cho trẻ xem các chú cún con đang chơi hoặc đang bú mẹ…
Kể cho con nghe những câu chuyện về lòng hiếu thảo
Để dạy con hiếu thảo, bạn nên thường xuyên kể cho con nghe những câu chuyện về lòng hiếu thảo, một vài câu chuyện cổ tích như: Cây vú sữa, Người tiều phu hóa nai, Cậu bé Tích Chu, Sự tích hoa cúc trắng…
Bạn nên hiểu rằng, trẻ con có tâm hồn như tờ giấy trắng, những chuyện bé nghe và nhìn thấy hàng ngày sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến tâm thức của chúng. Nếu bạn kể cho con nghe những câu chuyện cổ tích, truyện nhân gian về tình mẫu tử, như gà mái mẹ đã dang cánh bảo vệ đàn gà con khỏi diều hâu như thế nào, như chim sẻ mẹ đã băng mình trong mưa tìm thức ăn cho sẻ con đang đói như thế nào… Dần lâu, trẻ sẽ thuộc lòng bài học “Mẹ luôn có thể liều mình hy sinh cho con, vì thế con cái nên biết hiếu thảo, ngoan ngoãn, yêu thương và vâng lời mẹ”. Sau khi kể xong mỗi câu chuyện, bạn có thể đặt những câu hỏi cho trẻ trả lời, điều này giúp bạn dễ dàng uốn nắn con nên người hơn.
Dạy con hiếu thảo bằng cách tâm sự với trẻ những khó khăn trong nhà
Các bậc làm cha làm mẹ thường không kể cho con mình nghe về những khó khăn trong gia đình, vì không muốn con gặp gánh nặng về tâm lý cũng như ảnh hưởng việc học hành. Nhưng trên thực tế, các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng, để dạy con hiếu thảo, bạn cần tinh tế chia sẻ và tâm sự cho trẻ biết những vất vả và khó khăn gia đình đang gặp phải, tất nhiên là theo một cách khéo léo phù hợp với độ tuổi của trẻ để không làm con quá lo lắng.
Một đứa trẻ khi biết gia đình mình đang có vấn đề về kinh tế, chúng sẽ ít đòi hỏi hơn, tiết kiệm hơn, giữ gìn đồ đạc hơn, thậm chí chúng cũng sẽ có suy nghĩ muốn làm gì đó để khiến cha mẹ yên lòng. Ngược lại, khi bạn xem chúng là “con nít” và giấu hết mọi chuyện vì không muốn chúng lo, có thể bạn sẽ chẳng bao giờ có thể được nhìn thấy sự dễ thương khi lo lắng cho cha mẹ mình.
Chẳng hạn như: “Khi nào lớn lên, con sẽ dắt cha mẹ đi du lịch”, hay một vài hành động nhỏ như vẽ tranh, viết thiệp gửi cho cha mẹ… Đó có thể là những hành động nhỏ, ngô nghê nhưng lại là hạt mầm cho sự hiếu thảo của trẻ được phát triển tốt hơn sau này.
Biết nghĩ cho người khác
Trẻ con thường có tâm lý xem mình là “trung tâm của vũ trụ”. Vì lý do đó, cha mẹ hãy chỉ cho con cách để cân bằng nhu cầu của bản thân và hiểu cho nhu cầu của những người khác. Chẳng hạn như khi chơi các môn thể thao có tính đồng đội như đá bóng, bóng chuyền, bóng rổ…, chúng cần biết phối hợp chuyền bóng cho đồng đội của mình ghi điểm.
Khi dạy con hiếu thảo, cha mẹ cũng phải dạy con biết cách lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác, dù những việc như vậy có thể làm cho chúng cảm thấy rất khó chịu. Ví dụ khi con quyết định nghỉ chơi với một người bạn rất thân, bạn nên hỏi trẻ rằng liệu con có phải là một người bạn tốt hay chưa, nếu con là người bạn đó, con sẽ làm gì? Từ đó, bạn có thể giúp trẻ nhìn ra được bản chất của sự việc để tìm được cách giải quyết vấn đề tốt hơn.