Những ngày cách ly xã hội, dịch Covid 19 đã khiến việc mua sắm của mọi người trở nên khó khăn hơn. Việc dự trữ nhu yếu phẩm, thuốc men, thực phẩm… trở thành luôn là mối quan tâm hàng đầu đối với mỗi người dân.
Bên cạnh đó, chúng ta không thể không nhắc đến tủ thuốc gia đình mùa dịch vì việc tự chăm sóc sức khỏe tại nhà trong mùa dịch này rất cần thiết và cấp bách bởi số ca mắc Covid trong cộng đồng hiện nay còn khá cao. Vậy các mẹ cần chuẩn bị những nhóm thuốc nào trong tủ thuốc gia đình mùa dịch để phòng bệnh cũng như ứng phó khi không may chúng ta chẳng may mắc Covid? Hãy cùng Mẹ và Con tìm hiểu và bổ sung những loại thuốc mà gia đình bạn có thể bỏ quên nhé.
1. Các nhóm thuốc cần có trong tủ thuốc gia đình mùa dịch
Có lẽ trong tủ thuốc của mỗi nhà đa phần sẽ có vài viên thuốc lẻ tẻ và các vật dụng y tế mà chúng trông có vẻ đầy đủ. Tuy nhiên trong bối cảnh đai dịch căng thẳng hiện nay, tủ thuốc cần được đa dạng hóa và phong phú hơn. Dưới đây mẹ và con sẽ liệt kê các nhóm thuốc bạn cần nên có trong mùa dịch này nhé:
- Nhóm thuốc hạ sốt, giảm đau
- Nhóm thuốc ho
- Nhóm thuốc tăng sức đề kháng
- Trang thiết bị y tế
1.1 Nhóm thuốc hạ sốt, giảm đau
Đây là nhóm thuốc không cần kê đơn nên gia đình cần mua dự phòng. Nhóm thuốc này có chứa hoạt chất Paracetamol có 2 dạng: cho người lớn và cho trẻ em. Thuốc hạ sốt, giảm đau an toàn cho bé là Acetaminophen. Và ở 2 đối tượng chỉ nên uống thuốc hạ sốt khi có triệu chứng sốt (nhiệt độ cơ thể > 38 độ C). Nếu dưới 38 độ C chúng ta chỉ cần hạ sốt bằng cách mặc quần áo thoáng mát kết hợp với lau nước ấm.
- Cha mẹ lưu ý sử dụng liều thuốc theo cân nặng, liều từ 10-15 mg/kg, cách nhau mỗi 4-6 giờ. Cụ thể, nếu con bạn 10 kg, sử dụng 100-150 mg cho mỗi lần hạ sốt là an toàn.
- Các trường hợp cần phải cho đi bệnh viện: Sốt kéo dài quá 3 ngày, sốt mà dùng thuốc không hạ sốt, sốt quá cao, 40-41 độ C (vừa phải cho dùng thuốc vừa cho đi bệnh viện ngay), sốt có dùng thuốc nhưng bị dị ứng.
1.2 Nhóm thuốc ho
Thời điểm dịch này cũng là lúc chuyển mùa. Cảm, cúm là vấn đề phổ biến ở người lớn lẫn trẻ nhỏ gây các triệu chứng như ho, chảy mũi… làm chúng ta rất khó chịu. Thông thường nếu sức đề kháng tốt bệnh sẽ tự khỏi sau 7-10 ngày. Trường hợp miễn dịch kém, bệnh kéo dài thường ho nhiều, chảy nước mũi liên tục sẽ cần đến thuốc. Các mẹ cần chủ động dự phòng các loại thuốc ho, cảm cúm để có thể sử dụng ngay khi cần.
- Đối với người lớn, thuốc ho không kê đơn có chứa dextromethorphan, có tác dụng ức chế phản xạ ho, hoặc guaifenesin giúp làm loãng chất nhầy.
- Các loại thuốc ho cho bé mà không cần chỉ định của bác sĩ là những thuốc ho sau: ambroxol, prospan. Thực tế, hầu hết các bác sĩ đều không khuyến khích việc bố mẹ tự ý cho trẻ nhỏ dùng thuốc đặc biệt các bé dưới 6 tuổi. Khi bé được 6 tuổi, bố mẹ có thể đến nhà thuốc mua thuốc ho thảo dược cho bé và cần sử dụng theo hướng dẫn của dược sĩ đứng quầy và lưu ý:
- Liều lượng phù hợp của thuốc đối với độ tuổi của trẻ.
- Không nên cho trẻ dùng nhiều hơn 2 loại thuốc trong cùng một thời điểm. Bởi trong mỗi thuốc thường có nhiều thành phần hoạt chất khác nhau gây tương tác, dẫn đến tác dụng phụ không mong muốn.
1.3 Nhóm thuốc tăng sức đề kháng
Đây là một trong những mục thuốc được nhiều gia đình quan tâm bởi nó giúp hệ miễn dịch chúng ta được tăng cường hơn và điều đó rất cần thiết trong thời điểm này. Thuốc tăng đề kháng thực chất là việc chúng ta chủ động bổ sung vitamin và các chất khoáng cần thiết cho cơ thể. Đa phần chúng ta bổ sung chúng dưới dạng thực phẩm, rau củ trong những bữa ăn hằng ngày là đã đủ.
- Tuy nhiên, mùa dịch này việc bổ sung vitamin hay chất khoáng từ thực phẩm, trái cây, rau củ không được dồi dào như trước nên chúng ta có thể uống thêm viên sủi C, thực phẩm chức năng…
- Đặc biệt, các mẹ cần lưu ý không nên tự ý sử dụng thuốc đề kháng cho trẻ. Bởi thuốc tăng sức đề kháng cho trẻ chỉ được chỉ định dùng trong các trường hợp như: Trẻ sinh non, không được dùng sữa mẹ đầy đủ; trẻ thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng về đường hô hấp, tiêu hóa; trẻ suy dinh dưỡng. Cách tăng cường sức đề kháng tốt nhất cho trẻ chính là chế độ dinh dưỡng lành mạnh, môi trường sống sạch sẽ, chế độ vận động hợp lý theo lứa tuổi.
2. Các vật dụng y tế cần có trong tủ thuốc gia đình mùa dịch
Ngoài những sản phẩm ở trên, chuẩn bị các loại vật dụng y tế trong tủ thuốc gia đình mùa dịch càng quan trọng, bởi chúng không chỉ giúp phòng ngừa mà còn kiểm tra tình trạng sức khỏe bản thân và xác định dấu hiệu nguy hiểm để can thiệp kịp thời.
- Nước rửa tay, khẩu trang: Đây là 2 thứ mọi người cần có trong mùa dịch. Chúng bảo vệ, khử khuẩn khi chúng ta tiếp xúc, va chạm và quan trọng là thực hiện nguyên tắc 5K.
- Nhiệt kế: Bạn có thể dùng nhiều loại máy khác nhau như máy đo thân nhiệt từ xa, nhiệt kế điện tử, nhiệt kế thủy ngân… giúp chúng ta theo dõi nhiệt độ cơ thể kèm với các triệu chứng khác nếu có, nhất là trong thời tiết thay đổi thất thường và mùa dịch đầy phức tạp như lúc này. Khi đo thân thiệt, cách tính là nếu đo thân nhiệt ở nách thì kết quả cộng thêm 0,5 – 0,7 độ C; đo ở miệng, lỗ tai, trán thì kết quả cộng thêm 0,1 – 0,3 độ C.
- Nước muối sinh lý: có nhiều người hiểu lầm rằng nước muối có tác dụng sát khuẩn và tiêu diệt được virus. Thực chất, nước muối sinh lý 0.9% là dung dịch đẳng trương có tác dụng làm sạch và chúng ta áp dụng nước muối vệ sinh mũi, họng, tránh viêm nhiễm khu vực đồng thời hạn chế khả năng lây nhiễm Covid 19 cũng như nhiều bệnh khác.
- Băng gạc, bông y tế, oxy già: Khi ở nhà, nhất là trẻ nhỏ cũng không tránh khỏi những trường hợp vô ý như trầy xước, đứt tay…Trong trường hợp này, những loại thuốc sát trùng, bông gạc là thực sự cần thiết.
Lời kết
Bên cạnh đó, khi sử dụng thuốc, các mẹ cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để biết chỉ định cũng như liều dùng, chống chỉ định và thời gian sử dụng thuốc. Nếu nhiễm bệnh, hãy nhanh chóng khai báo với cơ quan y tế để được hỗ trợ.
Mẹ và Con hy vọng là có thể giúp bạn cung cấp kiến thức về tủ thuốc gia đình mùa dịch nhằm kịp thời bổ sung để giúp bảo vệ cả nhà hiệu quả hơn. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe, luôn lạc quan trong cuộc sống và an toàn vượt qua đại dịch.