Mẹ và Con - Khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến rất căng thẳng trên diện rộng, việc tìm kiếm các toa thuốc điều trị Covid tại nhà luôn là quan tâm hàng đầu của những F0 được chỉ định tự cách ly tại chỗ ở hiện tại. Nhưng bạn cũng nên nhớ, bất cứ quyết định dùng thuốc kê đơn nào cũng nên trao đổi với nhân viên y tế hoặc theo dõi và làm theo các văn bản hướng dẫn của cơ quan y tế.

Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con điểm qua một số ý chính về chăm sóc và điều trị Covid tại nhà từ trang thông tin của Bộ Y tế nhé!

Hướng dẫn F0 tự điều trị Covid-19 tại nhà

Người mắc F0 không được chỉ định chuyển đến bệnh viện, khi ở nhà nên mang khẩu trang thường xuyên, trừ khi ăn uống và vệ sinh cá nhân. Bên cạnh đó, nên thay khẩu trang 2 lần mỗi ngày, sát khuẩn tay bằng cồn trước khi loại bỏ khẩu trang.

Thường xuyên vệ sinh và sát khuẩn tay, khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, bồn cầu, lavabo…

điều trị Covid tại nhà

Đo thân nhiệt và nồng độ oxy trong máu (SpO2) tối thiểu 2 lần mỗi ngày. Đặc biệt vào những thời điểm cảm thấy mình có những dấu hiệu như sốt, khó thở.

Thường xuyên khai báo y tế ít nhất 1 lần mỗi ngày trên ứng dụng “Khai báo Y tế điện tử”, nhất là khi có triệu chứng bất thường.

Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước.

Thường xuyên tập thể dục và tập các bài tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày.

Luôn sẵn sàng có thể liên lạc với nhân viên y tế khi cần tư vấn, hỗ trợ.

Tất cả các thành viên ở cùng với F0 đang điều trị Covid tại nhà phải khai báo sức khỏe qua ứng dụng “Khai báo Y tế điện tử” ít nhất 1 lần mỗi ngày hoặc cảm thấy cơ thể có triệu chứng bệnh.

Hướng dẫn sử dụng các toa thuốc điều trị tại nhà

điều trị covid tại nhà

Chỉ định sử dụng thuốc kháng viêm Corticoid và thuốc kháng đông dạng uống: những người bệnh có triệu chứng sớm của suy hô hấp (có cảm giác khó thở hoặc hạ nhịp thở >20 lần/phút và/hoặc sau khi đo SpO2 <95%, nếu có) và chưa liên hệ được với nhân viên y tế để được hướng dẫn và hỗ trợ.

Nên lưu ý gì khi chọn thuốc điều trị Covid tại nhà?

Không nên tự ý sử dụng corticoid

Một lưu ý mà bạn nên nắm đó là corticoid (dexamethason, methylprednisolon) thường có lợi khi bệnh trở nặng vì thuốc ức chế các tác hại của hệ miễn dịch lên cơ thể. Trong khi đó, nếu mắc bệnh nhẹ trong giai đoạn sớm là thời điểm virus sinh sôi, việc ức chế miễn dịch lúc này có thể khiến quá trình sinh sôi mạnh hơn, từ đó sẽ làm cho bệnh nhân lâu khỏi bệnh, đồng thời có thể kích hoạt phẩn ứng miễn dịch có hại hơn lên cơ thể.

Bên cạnh đó, việc tự ý sử dụng mà chưa có đánh giá và chỉ định của nhân viên y tế cũng sẽ mang đến rất nhiều tác dụng phụ như tăng đường huyết, giữ muối nước, tăng huyết áp… đặc biệt hơn sẽ gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến nhóm bệnh nhân có bệnh nền nếu không được sử dụng đúng cách.

Trong văn bản hướng dẫn dùng thuốc cho bệnh nhân điều trị Covid tại nhà của sở Y tế TPHCM có nêu rõ, chỉ khi có triệu chứng sớm của suy hô hấp và chưa liên hệ được với nhân viên y tế do quá tải, bệnh nhân có thể dùng corticoid và thuốc kháng đông dạng uống theo gợi ý trong hướng dẫn Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý chỉ dùng loại thuốc này như trong trường hợp đã nêu trên vì nếu không dùng đúng thời điểm sẽ gây ra nhiều vấn đề tiêu cực cho sức khỏe hơn.

Kháng sinh không có tác dụng diệt virus

Tất cả các loại kháng sinh như amoxicillin/acid clavulanic, azithromycin… đều không mang đến tác dụng hiệu quả trên virus SARS-CoV-2. Do kháng sinh chỉ có tác dụng trên vi khuẩn nên chúng hoàn toàn vô tác dụng với các loại virus. Trước đây có một số ý kiến cho rằng azithromycin có thể có mang lại nhiều lợi ích trong điều trị vì có thêm tính kháng viêm, tuy nhiên sau qua nhiều nghiên cứu RECOVERY cho biết, thuốc này không có tác dụng tích cực nào với bệnh nhân mắc Covid-19, đặc biệt là trong tình trạng nặng.

Bên cạnh đó, theo các nghiên cứu và khuyến cáo khác cũng cho biết, việc tự ý sử dụng kháng sinh cho bệnh nhân đang mắc Covid-19 là không hợp lý. Bạn chỉ nên dùng khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn, tức là phải có thêm đánh giá chính xác của nhân viên y tế. Lạm dụng kháng sinh không đúng cách sẽ gặp nhiều tác dụng phụ, hoặc nếu sau này bị nhiễm trùng, kháng sinh đó có thể bị mất tác dụng.

Cẩn thận khi dùng thuốc chống đông đường uống

Nhìn chung, các loại thuốc chống đông đường uống như rivaroxaban, apixaban… sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các bệnh nhân đang mắc Covid-19 nặng nhưng vẫn chưa có những bằng chứng cụ thể rõ ràng. Tất nhiên đối với những trường hợp nhẹ thì bạn vẫn không nên dùng vì có nguy cơ gây chảy máu, đặc biệt là những người đang dùng các loại thuốc kháng đông (loãng máu) khác.

Ngoài ra, các bệnh nhân F0 đang điều trị Covid tại nhà nên lưu ý vì các toa thuốc trên mạng thường kê liều “cao” hơn liều khuyến cáo trong hướng dẫn. Vì thế nguy cơ gây chảy máu cũng sẽ tăng cao hơn. Bạn vẫn nên cần thêm tư vấn từ nhân viên y tế hoặc uống theo hướng dẫn của Sở Y tế nếu như bệnh có dấu hiệu trở nặng.

Không lạm dụng vitamin C trong điều trị Covid tại nhà

điều trị Covid tại nhà

Vitamin C thường được dùng để bồi bổ cơ thể và phục hồi thể trạng. Rất nhiều người cho rằng vitamin C sẽ mang lại nhiều lợi ích do giúp tăng cường hệ miễn dịch, tuy nhiên bạn cũng nên nhớ có rất nhiều chất khác cũng cần thiết cho hệ miễn dịch như vitamin D, vitamin A… cũng như một số kháng chất khác như kẽm, sắt, selen…

Thông thường, hàm lượng vitamin C dành cho người trưởng thành là 70-100mg/ngày. Việc dùng quá nhiều vitamin C trong 1 ngày và kéo dài trong thời gian dài có thể gây kích ứng dạ dày, siêu chảy, sỏi thận… Vì thế, để điều trị Covid tại nhà, điều quan trọng là bạn nên có một chế độ dinh dưỡng hợp lý hoặc cần thiết thì nên bổ sung multivitamin sẽ phù hợp hơn chỉ dùng mỗi vitamin C.

Các loại thuốc trị ho, tiêu đờm dùng quá liều có thể làm ức chế hô hấp

Hai loại thuốc terpin-codein, bromhexin… thường chỉ có tác dụng điều trị các triệu chứng ho. Trong khi đó, không phải bệnh nhân mắc Covid nào cũng bị ho, và không phải mức độ ho nào cũng cần dùng thuốc. Ngoài ra, một số biện pháp khác có thể giảm ho nhưng vẫn lành tính nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao như bổ sung nhiều nước (làm loãng đờm), nước gừng, húng chanh…

Bên cạnh đó, các loại thuốc trị ho như codein cũng có thể mang đến một số tác dụng phụ như buồn ngủ, táo bón. Và nếu như dùng quá liều có thể dẫn đến ức chế hô hấp khiến bệnh nhân có nguy cơ không thở được.

Nếu không có các triệu chứng sốt, nhức cơ thì không nhất thiết dùng thêm thuốc hạ sốt

Tương tự như thuốc trị ho, thuốc paracetamol (hay acetaminophen) là thuốc điều trị triệu chứng sốt, đau nhức cơ có trong đơn thuốc điều trị Covid tại nhà. Nếu như bệnh nhân không có biểu hiện sốt hay đau nhức cơ thì không nhất thiết phải sử dụng giống y như trong toa. Bên cạnh đó, lưu ý liều lượng không nên quá 3g/ngày và khoảng cách mỗi lần uống tối thiểu 4 tiếng. Bộ Y tế đã ghi nhận có trường hợp ngộ độc thuốc này vì tự ý dùng để trị Covid theo hướng dẫn trên các diễn đàn mạng và trang báo mạng không chính thống.

Phía trên là những thông tin được tổng hợp từ trang Bộ Y tế về hỗ trợ F0 điều trị Covid tại nhà khi chưa có chỉ định đưa đến bệnh viện. Nếu như bệnh nhân có những triệu chứng như sốt trên 38 độ C, ho, đau họng, tiêu chảy, mất vị giác, mất khứu giác, đau tức và nặng ngực, cảm giác khó thở… hãy liên hệ với nhân viên y tế ngay lập tức qua tổng đài 1022 (bấm số 3 để được tư vấn từ Hộ Y học TPHCM hoặc số 4 để nhận được tư vấn từ “Thầy thuốc đồng hành”).

Ngoài ra, nếu có dấu hiệu chuyển nặng như khó thở, có biểu hiện như thở hụt hơi, thở nhanh trên 30 lần/phút, cơ thể li bì, lừ đừ, tím tái môi và đầu chi, SpO2 <95% thì nhanh chóng liên hệ ngay đến tổng đài 115 hoặc số điện thoại của tổ phản ứng nhanh của địa chỉ đang cư trú như phường, xã, quận, huyện… để được đưa đi cấp cứu và vận chuyển đến bệnh viện điều trị kịp thời nhé!

Bài viết liên quan