Việc tìm hiểu các kiến thức khi chuẩn bị mang thai là một điều vô cùng quan trọng, giúp bạn có thể hiểu rõ hơn các vấn đề xoay quanh hành trình mang thai và “vượt cạn” thành công.
1. Cơ thể của mỗi người phụ nữ đều khác nhau
Bạn đã bao giờ nghe theo các lời khuyên, bí quyết để mang thai từ hội chị em hay cô dì xung quanh mình và rồi tự hỏi vì sao mãi mà mình chẳng có thai?
Bạn đã bao giờ cảm thấy lo lắng khi chuẩn bị mang thai chỉ vì thấy… cô hàng xóm ốm nghén đến xanh mặt khi sinh đứa con đầu lòng?
Đừng quá lo lắng bạn nhé! Cơ thể của mỗi người phụ nữ đều khác nhau. Vì thế, thời điểm mang thai, dấu hiệu mang thai hay những điều xảy ra trong quá trình mang thai của chúng ta cũng hoàn toàn khác nhau đấy.
2. Không phải ai cũng có thai ngày từ những lần quan hệ đầu tiên
Đây là một điều vô cùng quan trọng mà khi chuẩn bị mang thai bạn cần phải ghi nhớ. Chúng ta thường nghĩ rằng chỉ cần quan hệ vợ chồng mà không sử dụng các biện pháp phòng tránh thì sẽ có thai. Dĩ nhiên, xác suất có thai lúc này sẽ cao hơn gấp nhiều lần so với việc bạn “yêu” với các biện pháp tránh thai.
Thế nhưng, điều này không đồng nghĩa với việc 100% mọi người đều dễ dàng có thai ngay từ những lần quan hệ đầu tiên.
Vì thế, các đôi vợ chồng son sau khi cưới nhau, lên kế hoạch chuẩn bị có thai không nên quá hụt hẫng và thắc mắc tại sao mãi mà chưa thấy tín hiệu mang thai nào, bạn nhé!
3. Chậm đậu thai hơn không có nghĩa là cơ thể “không ổn”
Bạn cho rằng, nếu đã bắt đầu quan hệ trong một khoảng thời gian dài nhưng vẫn không thể có thai được có nghĩa là cơ thể đang “trục trặc”? Nhiều người khi chuẩn bị mang thai nhưng mãi không thể thụ thai đã từng cho rằng mình bị vô sinh, hiếm muộn,… dẫn đến tình trạng lo lắng quá mức.
Theo các chuyên gia y tế, việc có thai trong vòng 6 tháng – 1 năm kể từ lúc bạn và chồng quyết định “yêu” mà không dùng các biện pháp tránh thai là một việc hoàn toàn bình thường.
Các dấu hiệu vô sinh ở nữ giới
Nếu bạn vẫn không yên tâm về cơ thể mình, bạn có thể theo dõi nhưng thay đổi của bản thân để có thể kịp thời tìm các phương pháp điều trị, cải thiện khả năng thụ thai trong tương lai:
- Chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc không có
- Cơ thể thường xuyên nóng ran
- Thường bị đau bụng vùng chậu
- Lông mọc bất thường
- Tiết sữa từ bầu ngực
- Đau bụng khi “bà dì” ghé thăm
Những ai có nguy cơ vô sinh?
Đây cũng là một vấn đề được các chị em chuẩn bị mang thai quan tâm. Một số đối tượng có nguy cơ khó thụ thai cao hơn gồm có:
- Phụ nữ nhiều lần sẩy thai
- Phụ nữ trên 40 tuổi
- Mắc các bệnh lý như bệnh lạc nội mạc tử cung, viêm vùng xương chậu, tổn thương ống dẫn trứng, buồng trứng, ung thư cổ tử cung…
Nếu không nằm trong nhóm đối tượng kể trên và đã cố gắng thụ thai, nhưng vẫn chưa có tin vui thì bạn cũng đừng quá lo lắng nhé.
4. Cơ thể cũng cần thời gian để điều chỉnh
Các chuyên gia trong lĩnh vực sinh sản từng chia sẻ rằng, nhiều người phụ nữ chỉ ngừng sử dụng các biện pháp tránh thai khi chuẩn bị mang thai. Tuy nhiên, cơ thể bạn cần một thời gian để điều chỉnh và phục hồi sau khi bạn ngừng tránh thai, đặc biệt là khi bạn áp dụng biện pháp tác động đến nội tiết tố như dùng thuốc hằng ngày chẳng hạn. Thời gian phục hồi của mỗi người có thể khác nhau, có thể từ vài tuần đến 1-2 tháng.
Vì thế, đừng quá nóng vội và mong muốn có thai ngay lập tức sau khi ngừng sử dụng biện pháp tránh thai bạn nhé!
5. Không phải mọi phụ nữ đều có chu kỳ kinh nguyệt 28 ngày
Nhiều người chuẩn bị mang thai thường dựa vào chu kỳ kinh nguyệt 28 ngày để tính được ngày an toàn và ngày có khả năng thụ thai cao. Nếu bạn cũng đang có ý định làm theo biện pháp này, hãy nhớ rằng không phải ai cũng có chu kỳ 28 ngày giống nhau. Chu kỳ kinh nguyệt của một số phụ nữ thậm chí kéo dài đến 34 ngày và điều này là một điều hoàn toàn bình thường.
Theo các nghiên cứu khoa học về chu kỳ của phụ nữ, thời gian của một chu kỳ có thể từ 21 – 35 ngày. Vì thế, nếu bạn chuẩn bị mang thai, bạn nên chắc chắn chu kỳ của mình kéo dài bao lâu để tính toán thời gian quan hệ dễ thụ thai nhất.
6. Đừng quá phụ thuộc vào các ứng dụng tính ngày thụ thai
Nhiều người trong chúng ta vì không thể tự tính được chu kỳ kinh nguyệt của mình đã “phó thác” việc này cho các ứng dụng trên điện thoại thông minh. Bạn tin theo lịch hiển thị trên ứng dụng để chọn ngày quan hệ sao cho dễ thụ thai nhất và sau đó “vỡ mộng” vì chuẩn bị mang thai mãi nhưng chẳng thể thành hiện thực…
Các ứng dụng tính ngày thụ thai cũng chỉ là phần mềm được lập trình sẵn và có thể không phù hợp với tất cả mọi người. Do đó, đừng nên quá phụ thuộc vào các ứng dụng này mà nên lắng nghe cơ thể mình nhiều hơn, bạn nhé!
7. Càng nôn nóng càng khó có thai
Rất nhiều người đã phạm phải sai lầm vô cùng nghiêm trọng khi lên kế hoạch mang thai. Bạn càng nóng vội bao nhiêu thì bạn càng dễ rơi vào căng thẳng và mệt mỏi – các yếu tố làm giảm khả năng thụ thai bấy nhiêu.
Vì thế, tốt nhất hãy chuẩn bị mang thai trong một tâm thế thật nhẹ nhàng, thật thoải mái, không để stress và áp lực làm ảnh hưởng đến tâm trạng của mình nhé!
8. Que thử thai có thể cho ra kết quả “giả”
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả được hiển thị trên que thử thai của bạn. Đôi khi bạn thấy 1 vạch nhưng vài ngày sau, bạn lại thấy que thử thai của mình hiện… 2 vạch. Và một vài trường hợp, que thử thai hiện 2 vạch, bạn cho rằng mình đã có thai nhưng sau đó đi khám lại chẳng có gì.
Đây là một việc vô cùng bình thường. Que thử thai sẽ dựa trên nồng độ hormone HGC trong cơ thể của bạn để cho ra kết quả phù hợp bởi thông thường, nồng độ hormone HGC thường rất cao. Tuy nhiên trong 1 số trường hợp, nồng độ hormone HGC của bạn vẫn ở mức cao dù bạn không có thai.
Hoặc kết quả có thể sai do bạn mua nhầm que thử thai kém chất lượng. Vì thế, nếu đã chuẩn bị mang thai, bạn nên thử kiểm tra kết quả nhiều lần và đến bệnh viện xét nghiệm để chắc chắn mình có mang thai hay chưa.
Trên đây là 8 điều quan trọng bạn cần biết trước khi chuẩn bị mang thai để có thể thụ thai dễ dàng hơn. Hãy đón đọc Mẹ và Con để cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích, bạn nhé!