Mẹ&Con - Không phải ai cũng may mắn là mối tình đầu của nhau rồi thành vợ thành chồng. Chuyện có một lớp “sương mờ” quá khứ không phải là chuyện hiếm. Quan trọng là người trong cuộc biết làm 'tan sương' như thế nào, cũng như người vợ hoặc chồng kia nhìn nhận về chuyện cũ từ 'đối tác' thế nào… Làm sao thoát khỏi ám ảnh quá khứ? Đay nghiến chuyện quá khứ: điều có nên làm? Khi vợ chồng là sống vì nghĩa

Khi gia đình luôn có “sương” ám ảnh…

Cưới nhau được 4 năm, có một cậu con trai kháu khỉnh 23 tháng tuổi, nhưng anh Quốc – chị Như (Quận Gò Vấp) vẫn mơ hồ cảm thấy có một khoảng cách lạ giữa tình cảm vợ chồng. Chẳng là chị từng gặp một tai nạn trong những năm đầu còn là sinh viên đại học. Mới ở quê lên thành phố, chưa hiểu hết những cám dỗ và cạm bẫy, cô gái non nớt được đưa vào những cuộc vui và trong một buổi tiệc sinh nhật bị chuốc cho say mèm. Chuyện gì đến cũng đến. Tai nạn bị cưỡng bức tập thể trong cơn say như một nỗi đau khôn nguôi với chị.

Nỗi đau rồi cũng “lên sẹo” theo thời gian. Vết thương lòng khép lại, chị chí thú học hành, lập nghiệp. Sự hiền ngoan chăm chỉ của chị đã lọt vào mắt anh – một người bạn đồng nghiệp cùng công ty. Yêu nhau, thấy rõ ở chị những tố chất cần có ở một người vợ, anh đề nghị tiến đến hôn nhân, bất chấp cả cái “quá khứ” mà vài người bạn của chị biết, đã tiết lộ với anh từ đầu kia.

bi-quyet-hanh-phuc-vo-chong-dung-day-nghien-mai-qua-khu

Cưới nhau về, cuộc sống gia đình trôi êm đềm đúng như ước nguyện của cả hai. Song, dường như lớp sương quá khứ thì không dễ dàng bảo tan là tan được. Xem một cảnh phim hơi nhạy cảm đến những cảnh như thế, anh cũng bực tức bấm remote chuyển kênh ngay, và chị lại ngượng nghịu không biết nói gì với chồng. Lúc gần gũi nhau, có lúc tự dưng anh hung hãn bất thường, xong việc lại bỏ ra ngoài phòng hút thuốc.

Cả chị cũng thế. Chị tìm đến chuyên viên tư vấn: “Em luôn có một cảm giác bất an, cảm thấy mình không thật sự tự tin với cuộc sống gia đình. Thậm chí khi đọc được trên điện thoại của anh ấy vài tin nhắn lạ của những cô gái khác, em cũng không dám nói, vì cảm thấy mình đâu có ‘cao quý’ gì mà đòi hỏi điều ấy ở người ta! Cuộc sống của vợ chồng em lúc bình thường thì không sao, song thỉnh thoảng vẫn như bị bao phủ bởi một lớp sương. Có khi phải mất mấy ngày mới lấy lại được không khí bình thường. Và bình thường xong, sau đó cũng chỉ cần vài chuyện nhỏ là lại gặp chuyện y như trước…”.

Với anh Hân – chị Thụy (Quận 2), sương mù quá khứ lại là chuyện anh có một lần ngoại tình, gia đình ầm ĩ suýt chia tay, nhưng may mắn sao lại giải quyết êm, sống chung như cũ. Nói là “như cũ”, là bỏ qua mọi thứ, song chị Thụy biết mình không hề làm được cái điều đã hứa với chồng và gia đình chồng: “Tôi thấy ghê sợ mỗi khi anh ấy chạm vào người. Ngày xưa, những giây phút gối chăn là giây phút tôi hạnh phúc thăng hoa, giờ thì điều đó với tôi giống như cực hình, lúc nào cũng gượng gạo, lúc nào tôi cũng thấy hiện lên trong đầu mình hình ảnh chồng đang làm những điều như thế với một người phụ nữ khác. Thật tệ quá chừng!”.

Chuyên gia tâm lý Trần Thị Minh Hạnh (Trung tâm tư vấn Tình yêu – Hôn nhân – Gia đình) cho biết, việc có một “quá khứ” nào đấy giữa hai vợ chồng không phải là chuyện hiếm. Có những việc xảy ra từ trước khi thành vợ thành chồng, có những việc xảy ra từ những năm đầu chung sống. Vợ chồng bỏ qua cho nhau, lại vẫn đi tiếp, tự nhủ sẽ “tha thứ”. Nhưng đúng là những ám ảnh về nó không hề dễ quên đi như một lời hứa “bỏ qua là hết chuyện”. Khi giận hờn, khi gặp cảnh nhạy cảm, những nghi ngờ lại kéo trở về. Sự mất tự tin và những tâm lý bất an cũng tác động thêm vào, khiến hạnh phúc gia đình lúc nào cũng như cây non trước gió.

Làm sao để “tan sương”?

Phải thẳng thắn là chuyện này hoàn toàn không dễ chút nào. Quên được một chuyện ám ảnh, một nỗi đau, một tổn thương hay một lần bị lừa dối gần như là điều không thể. Tuy nhiên, nếu khéo khắc chế, bạn sẽ biết cách để làm lớp sương kia mỗi lúc nổi lên sẽ nhanh chóng mờ đi.

Anh Nguyễn Ngọc T. (Quận 2) chia sẻ chuyện mình: “Tôi cố hết sức để thay đổi không khí gia đình sau một lần suýt tan vỡ vì người thứ ba. Tha thứ được cho vợ là chuyện khó vô cùng, nhưng nghĩ đến con, tôi quyết dẹp đi cái tự ái đàn ông, để đúng nghĩa bắt đầu lại từ đầu. Hai vợ chồng chuyển nhà sang nơi mới. Tôi tập trung nhiều hơn cho vợ con, tranh thủ đi làm về sớm, chơi đùa với con, ăn cơm với vợ. Chuyện cũ không thể quên, nhưng khi có quá nhiều cái mới mẻ thì mình sẽ bị chi phối bớt. Khoảng 2 năm sau khi xảy ra cú sốc, thỉnh thoảng sương vẫn… kéo về, nhưng dường như tôi đã biết cách làm chủ và điều khiển nó. Nhìn lại cuộc sống gia đình của mình, thấy con có đầy đủ cha mẹ, thấy vợ thật sự ân hận và toàn tâm toàn ý lo cho gia đình, tôi nghĩ những việc mình đã làm là đúng…”.

Từng xấc bấc xang bang vì quá khứ của chồng (có con riêng, quan hệ với người phụ nữ khác chỉ vài tháng trước khi cưới), nhưng chị Kim Anh (Quận 11) cũng chọn cách nỗ lực xua đi “bóng ma quá khứ” kia. “Chúng tôi ngồi xuống với nhau, hỏi anh có thể thật sự thay đổi không? Anh ấy hứa. Tôi biết, lời hứa đó có thể vẫn bị phá vỡ. Nhưng tôi không muốn giữ mãi trong lòng sự nghi ngờ. Thật ra, tâm lý của tôi cũng chẳng hề dễ chịu gì. Tôi bất ổn, trầm cảm một thời gian dài, phải tìm đến bác sĩ. Nhưng tôi muốn thật sự cùng anh bắt tay lại, gây dựng lại mái ấm một lần…”, chị trầm ngâm.

bi-quyet-hanh-phuc-vo-chong-dung-day-nghien-mai-qua-khu

Đã từng tư vấn thành công cho nhiều trường hợp bị sương mờ quá khứ ám ảnh thế này, chuyên gia tư vấn Trần Thị Minh Hạnh nhấn mạnh: “Thật ra, khi đã có một lớp sương, thì để làm tan sương phải có sự nỗ lực hết mình của cả hai người. Chứ một người muốn quên mà một người lại luôn dằn vặt, đay nghiến, nhắc tới thì không thể nào… sương tan được!”.

Người “có lỗi” nên cố gắng bù đắp nhiều hơn cho gia đình, chủ động cách ly mình khỏi những thứ có khả năng kéo mình trở về với “quá khứ”. Và người đã tha thứ nên “tha thứ cho trót”, hãy tự hỏi lòng mình rằng những yêu thương trong tim còn đủ lớn mạnh để vượt qua thử thách này không. Có sự chung tay chung sức với nhau, sương sẽ tan, mặt trời lại sáng. Ngược lại, nếu nhận ra sau nhiều năm tháng, nỗi tổn thương trong lòng vẫn quá lớn, thì có khi cách làm “mờ sương” tốt nhất chính là một sự chia tay, kết thúc, để giải thoát những ám ảnh cho cả hai.

“Vợ chồng chia tay nhưng lại giữ được cho nhau sự tôn trọng chắc chắn sẽ tốt hơn cứ sống cùng nhà nhưng mặt nặng mày nhẹ, mãi mãi để cho một lớp sương mờ quá khứ bao phủ lấy mình. Đó là cách làm tan sương cuối cùng, chẳng đặng đừng mới phải dùng tới, nhưng trong chừng mực nào đó, nó vẫn là điều mang đến bình yên cho người trong cuộc!”. Lời nhắn nhủ của chuyên gia tâm lý Trần Thị Minh Hạnh có lẽ cũng rất đáng suy nghĩ, quan tâm. 

Tags:

Bài viết liên quan