Nhiệt miệng tuy không phải một căn bệnh nguy hiểm nhưng có thể khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, đau đớn, gặp khó khăn trong ăn uống. Nếu không kịp thời điều trị, người bệnh có thể không ăn được dẫn đến suy nhược cơ thể, sụt cân, sức khỏe suy giảm nhất là khi tình trạng viêm trở nên trầm trọng.
Chính vì thế, Tạp chí Mẹ và Con mách nhỏ mẹ cách chữa nhiệt miệng hiệu quả nhanh chóng và an toàn. Bạn học ngay để áp dụng cho cả nhà nhé!
Bệnh nhiệt miệng là gì?
Bệnh nhiệt miệng (hay còn gọi là loét miệng, lở miệng) là tình trạng niêm mạc miệng xuất hiện những vết loét nông, nhỏ. Ban đầu, các vết loét này thường có màu trắng, sau đó chuyển sang màu vàng. Niêm mạc miệng xung quanh vết loét thường có tình trạng sưng đỏ.
Các vết loét này thường có kích thước dưới 1mm nhưng gây đau đớn vô cùng, khiến người bị nhiệt không thể mở miệng nói chuyện thoải mái. Hơn nữa, người bệnh sẽ gặp khó khăn do cảm thấy đau đớn khi ăn uống, đặc biệt là khi ăn các loại thức ăn cay nóng. Vì thế, người bệnh thường tìm mọi cách chữa nhiệt miệng để có thể chấm dứt tình trạng đau đớn này.
Thông thường, nhiệt miệng được chia làm 2 loại:
- Các vết loét đơn giản: Xuất hiện nhiều lần (3-4 lần/năm hoặc nhiều hơn). Một lần bệnh có thể kéo dài vài ngày hoặc một tuần. Bất kỳ ai cũng có thể gặp tình trạng loét miệng này.
- Các vết loét phức tạp: C ác vết loét này thường ít phổ biến hơn, chỉ xuất hiện ở những người đã từng bị nhiệt miệng từ trước.
Nguyên nhân gây nhiệt miệng
Trước khi tìm hiểu cách chữa nhiệt miệng, bạn cần phải biết đâu là nguyên nhân gây ra căn bệnh này. Hiện nay, chưa có các nguyên nhân chính xác về lý do xuất hiện bệnh nhiệt miệng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, một số yếu tố kết hợp dưới đây có thể dẫn đến tình trạng nhiệt miệng mà bạn đang gặp phải:
- Phản ứng dị ứng với một số vi khuẩn trong miệng
- Căng thẳng, stress
- Thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ kinh nguyệt
- Gặp các vết thương nhỏ ở miệng (do thủ thuật nha khoa, tai nạn thể thao, đánh răng quá mạnh, vô tình cắn trúng niêm mạc miệng)
- Kem đánh răng và nước súc miệng đang sử dụng có chứa natri lauryl sulfate
- Nhạy cảm với thực phẩm (dâu tây, sô cô la, trứng, cà phê, các loại hạt, phô mai và đặc biệt là các loại thực phẩm cay hoặc axit)
- Cơ thể thiếu dưỡng chất: vitamin B12, kẽm, folate (axit folic) hoặc sắt
- Nhiễm Helicobacter pylori, cùng loại vi khuẩn gây loét dạ dày
Ngoài những lý do kể trên, nhiệt miệng cũng có thể do các yếu tố sức khỏe nghiêm trọng hơn, không thể áp dụng cách chữa nhiệt miệng thông thường được. Các yếu tố này có thể kể đến như:
- Mắc bệnh Behcet, một rối loạn hiếm gặp gây viêm khắp cơ thể, bao gồm cả miệng
- Nhiễm HIV/AIDS làm ức chế hệ thống miễn dịch
- Mắc bệnh viêm đường ruột (bệnh Crohn, viêm loét đại tràng,…)
- Mắc bệnh rối loạn đường ruột celiac do nhạy cảm với gluten có trong các loại ngũ cốc
- Hệ miễn dịch tấn công “nhầm” các tế bào khỏe mạnh thay vì virus và vi khuẩn
Triệu chứng bệnh nhiệt miệng
Để có thể tìm đúng cách chữa nhiệt miệng để bệnh nhanh khỏi, cần nắm được các triệu chứng bệnh, tránh nhầm lẫn bệnh nhiệt miệng với các chứng bệnh khác.
Một số triệu chứng thường gặp ở người mắc bệnh lở miệng, nhiệt miệng như sau:
- Có nhiều đốm đỏ, sưng, vết loét ở các vị trí như lưỡi, mặt trong của môi, má, đáy nướu, mặt trên của miệng,…
- Khu vực trung tâm vết loét màu trắng hoặc vàng
- Khi gần lành, vết loét có thể chuyển sang màu xám
- Các vết loét thường nhỏ, dưới 1mm, gây đau đớn để cả khi không chạm vào
Bên cạnh những dấu hiệu phổ biến, người bị nhiệt miệng còn có thể gặp một số triệu chứng khác như:
- Khó chịu
- Hạch bạch huyết sưng
- Sốt
- Đau bụng
- Tiêu chảy
- Đầy hơi
- Tiêu hóa kém
- Cáu gắt
- Chuột rút, tê tay chân
- Người xanh xao hoặc sụt cân
Cách chữa nhiệt miệng hiệu quả, an toàn
Sử dụng nước muối như một cách chữa nhiệt miệng tại nhà
Nếu bạn đang bị nhiệt miệng, bạn có thể hòa tan muối với nước ấm và súc miệng với dung dịch này. Cách làm này giúp vết loét khô nhanh và rút ngắn thời gian lành bệnh. Tuy nhiên, bạn cần…. chuẩn bị tâm lý vì khi súc miệng với nước muối, muối có tính sát khuẩn và có thể khiến bạn cảm thấy vết loét đau rát.
Để súc miệng với nước muối nhằm chữa nhiệt miệng, mỗi lần súc bạn chỉ cần hòa tan 5g muối trong khoảng 230ml nước ấm là được. Súc miệng khoảng 15 – 30 giây rồi nhổ ra, không cần súc lại miệng với nước sạch.
Bạn có thể thực hiện cách chữa nhiệt miệng này 2 lần sáng – tối hoặc 4-5 lần trong ngày, mỗi lần cách nhau vài giờ.
Dầu dừa có công dụng chống viêm, làm lành các vết loét miệng
Khi bị nhiệt miệng, bạn có thể sử dụng dầu dừa để thoa trực tiếp lên vết loét. Cách này không chỉ làm dịu cơn đau tức thời mà còn giúp kháng khuẩn, ngăn cho vết nhiệt miệng không lây lan qua những khu vực khác và giúp vết thương nhanh lành hơn.
Mật ong – “cứu tinh” của người gặp đau đớn vì nhiệt miệng
Mật ong có khả năng kháng khuẩn, chống viêm, ngăn ngừa nhiễm trùng thứ cấp. Vì thế, thoa mật ong nguyên chất lên các vết loét do nhiệt miệng có thể chữa lành vết thương hiệu quả, giảm sưng và đau. Hơn nữa, ưu điểm của cách chữa nhiệt miệng này so với phương pháp súc miệng bằng dầu dừa chính là mật ong ngọt ngào hơn, không gây cảm giác rát nên rất phù hợp với các bé nhỏ.
Cách chữa nhiệt miệng bằng oxy già
Sử dụng oxy già có thể giúp bạn làm sạch vi khuẩn trong khoang miệng, giảm nhiễm trùng và tổn thương vết loét. Cách làm đơn giản như sau:
- Pha loãng dung dịch oxy già 3% với nước
- Lấy tăm bông hoặc bông gòn để thấm ướt dung dịch rồi thoa lên vết loét
- Bạn lưu ý không dùng tay bởi tay có thể mang vi khuẩn bên ngoài vào khoang miệng và khiến vết loét nhiễm trùng nghiêm trọng hơn
Cúc La Mã giúp giảm đau khi bị nhiệt miệng
Hoa cúc La Mã chính là “gương mặt vàng trong làng giảm đau” do bị nhiệt miệng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cúc La Mã có chứa azulene và levomenol giúp kháng viêm, giảm sưng, giảm đau nhanh chóng.
Để áp dụng cách chữa nhiệt miệng này, bạn nên dùng túi trà hoa cúc đắp lên vết loét rồi để trong vài phút, lặp lại 2-3 lần/ngày. Ngoài ra, bạn cũng có thể súc miệng bằng trà hoa cúc mới pha 3 – 4 lần/ngày để chữa nhiệt miệng, viêm họng.
Cách chữa nhiệt miệng nhanh bằng Baking Soda
Baking Soda hay còn gọi là muối nở không chỉ có công dụng dưỡng da mà còn giúp cân bằng độ pH trong khoang miệng, từ đó giúp giảm viêm, giúp vết loét nhanh lành hơn.
Cũng như khi súc miệng với nước muối, bạn có thể súc miệng với Baking Soda một vài giờ một lần, mỗi lần khoảng 15 – 30 giây và chỉ cần 5g baking soda + 230ml nước là được.
Sử dụng thuốc bôi chữa nhiệt miệng
Một số loại thuốc như benzocaine, fluocinonide, hydrogen peroxide… có khả năng trị nhiệt miệng, giảm đau, giảm sưng và thúc đẩy các vết loét do nhiệt miệng nhanh lành hơn.
Sữa chua có phải một cách chữa nhiệt miệng?
Nếu nguyên nhân nhiệt miệng là do vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) hoặc bệnh viêm ruột, bạn có thể bổ sung các loại men vi sinh sống như lactobacillus để diệt trừ H. pylori và cải thiện tình trạng loét miệng của mình.
Và sữa chua chính là nguồn thực phẩm có chứa nhiều vi sinh có lợi cho cơ thể. Khi bị nhiệt miệng, bạn có thể ăn khoảng 245g sữa chua mỗi ngày để cải thiện tình trạng này. Thỉnh thoảng ăn sữa chua cũng giúp bạn phòng ngừa nhiệt miệng hiệu quả.
Nước súc miệng lô hội giúp trị nhiệt miệng
Bên cạnh hỗn hợp nước súc miệng từ nước ấm và muối thì bạn cũng có thể áp dụng cách chữa nhiệt miệng từ lô hội (nha đam). Hòa tan nước ép lô hội với nước ấm và sử dụng để súc miệng có thể giúp bạn cải thiện vết thương do nhiệt miệng gây ra.
Không ăn thức ăn cay nóng cũng là một cách chữa nhiệt miệng
Các loại thức ăn cay nóng có thể khiến vết loét nghiêm trọng hơn. Do đó, nếu đang bị nhiệt miệng và muốn vết thương nhanh lành, nên hạn chế các loại thức ăn cay nóng cũng như các loại đồ chiên nhiều dầu mỡ.
Cách phòng ngừa nhiệt miệng
Để không phải gặp tình trạng loét miệng và cuống cuồng tìm cách chữa nhiệt miệng, bạn có thể bỏ túi một vài biện pháp phòng ngừa nhiệt miệng đơn giản như:
- Tránh ăn các loại thực phẩm gây dị ứng
- Hạn chế dùng các loại thực phẩm cay, mặn hoặc có tính axit
- Giữ cho cơ thể được thả lỏng, tránh căng thẳng
- Bảo vệ sức khỏe răng miệng: dùng bàn chải đánh răng mềm, đánh răng 2 lần 1 ngày, súc miệng với nước súc miệng,…
- Hỏi ý kiến bác sĩ xem mình có đang thiếu vitamin hay khoáng chất nào không
Bị nhiệt miệng có thể gây đau đớn và ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Vì thế, hãy áp dụng cách chữa nhiệt miệng mà Tạp chí Mẹ và Con bật mí phía trên để luôn cảm thấy thoải mái, bạn nhé!