Đau bụng dưới bên trái là một hiện tượng phổ biến mà nhiều người từng gặp, nhất là phụ nữ. Những cơn đau có thể chỉ là dấu hiệu của những chứng bệnh đơn giản do ảnh hưởng của sự thay đổi trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày nhưng cũng có thể là vấn đề nguy hiểm tới sức khỏe.
Trong một số trường hợp, những cơn đau bụng không chỉ tập trung ở vùng bụng dưới mà còn có thể lan ra sau lưng. Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu về cơn đau này nhé!
Nguyên nhân của việc đau bụng dưới bên trái
Hệ tiêu hóa có vấn đề
Khi bị đau bụng dưới bên trái chúng ta thường được chẩn đoán là mắc chứng viêm túi thừa cấp. Bệnh này có liên quan đến tình trạng viêm nhiễm các túi nằm ngoài thành ruột kết gọi là túi thừa. Khi bị viêm túi thừa sẽ có các cơn đau bụng dữ dội đi kèm với cơn sốt, buồn nôn, nôn mửa, táo bón…
Ngoài ra cũng có một số vấn đề về tiêu hóa thường gặp dẫn tới cơn đau bụng dưới bên trái một cách đột ngột bao gồm:
- Chứng táo bón nặng: do thiếu chất xơ trong chế độ ăn hoặc do thuốc
- Bệnh viêm đường ruột: bao gồm Crohn (bệnh viêm đường ruột mãn tính) và viêm loét đại tràng
- Viêm ruột già
- Thoát vị bẹn nghẹt: một phần ruột bị mắc kẹt trong túi thoát vị và thiếu máu nuôi dưỡng
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Đường tiết niệu bao gồm các bộ phận thận, niệu đạo, niệu quản và bàng quang với chức năng chính là hỗ trợ hệ bài tiết. Nếu bạn cảm thấy đau vùng bụng dưới bên trái kèm theo những rối loạn về tiểu tiện thì nhiều khả năng bạn đang mắc phải căn bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu đường dưới. Nhiễm trùng đường tiết niệu là tình trạng vi khuẩn xuất hiện gây viêm nhiễm bất kỳ vị trí nào trong đường tiết niệu. Trong đó, bàng quang và niệu đạo là hai cơ quan nằm ở dưới rốn dễ bị vi khuẩn xâm nhập và gây nên những cơn đau bụng dưới bên trái.
Bên cạnh các triệu chứng đau bụng dưới bên trái, người bị viêm đường tiết niệu có thể gặp thêm một số cơn đau buốt khi đi tiểu, tiểu nhiều lần, có cảm giác buồn tiểu dù mới tiểu xong. Nhìn chung, bệnh này cũng không quá nghiêm trọng, chỉ cần sử dụng vài loại thuốc kháng sinh và nghỉ ngơi vài ngày là khỏe hẳn. Tuy nhiên, nếu kéo dài dai dẳng thì bệnh có thể gây nhiễm trùng lan tỏa, viêm nhiễm ngược lên thận, niệu quản gây viêm bể thận, áp xe quanh thận, viêm bể thận. Nguy hiểm hơn có thể gây nhiễm trùng huyết, ảnh hưởng đến tính mạng.
Viêm bàng quang
Viêm bàng quang cũng gây ra những cơn đau bụng dưới bên trái kèm theo cảm giác buồn tiểu, tiểu có mùi, tiểu ra máu… Bệnh lý này xảy ra do nhiễm trùng vi khuẩn tại đường tiết niệu và không thể tự khỏi được do đó cần sự thăm khám của bác sĩ để được điều trị đúng cách. Mặt khác, nếu không thăm khám thì người bệnh có thể sẽ phải đối mặt với các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thận, tuyến tiền liệt, niệu đạo. Trong trường hợp để quá lâu, bệnh tình trở nặng có thể gây suy thận, bể thận, càng tốn chi phí điều trị và đe dọa đến tính mạng người bệnh.
U nang buồng trứng
Ở nữ giới, những cơn đau bụng dưới bên trái nhiều khả năng là do mắc bệnh u nang buồng trứng. Những biến chứng của u nang có thể nguy hiểm tới sức khỏe và khả năng sinh sản của nữ giới.
Ban đầu, kích thước của khối u rất nhỏ nên người phụ nữ khó có thể cảm nhận được những biểu hiện bất thường của cơ thể. Song theo thời gian, khi kích thước của khối u phát triển lớn hơn có thể gây ra tình trạng đau bụng dưới bên trái, đau thắt lưng hoặc đùi, đi tiểu liên tục, quan hệ tình dục đau rát, chu kỳ kinh nguyệt bất thường. Khi các triệu chứng đã trở nên rõ rệt, tức là khối u đã to, chèn ép vào các tạng xung quanh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là cả tính mạng. Mặc dù hiện nay nhờ sự tiên tiến của y học, các khối u nang có thể được loại bỏ dễ dàng và nhanh chóng nhưng chị em phụ nữ vẫn cần lưu ý điều này để tránh giảm khả năng sinh sản nhé!
Viêm vòi trứng
Ngoài u nang buồng trứng thì việc đau bụng dưới bên trái ở nữ giới cũng có thể là dấu hiệu của bệnh viêm vòi trứng. Đa phần nữ giới bị viêm vòi trứng do lây lan vi khuẩn từ các bộ phận khác như âm đạo, cổ tử cung, tử cung…
Ban đầu những triệu chứng của bệnh lý này là tình trạng khí hư bất thường, chu kỳ kinh nguyệt không đều, đau bụng dưới bên trái hoặc bên phải, đau vùng lưng. Một số trường hợp có sốt, mệt mỏi, chóng mặt, đi tiểu nhiều lần. Khi tiến triển nặng hơn, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính với những cơn đau mỏi ở vùng chậu, đau lưng kéo dài, chậm kinh, thống kinh. Các triệu chứng này sẽ không rõ ràng mà chỉ âm thầm diễn ra nên người bệnh khó để ý mà nhận biết.
Bên cạnh đó, viêm vòi trứng còn làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung, áp xe phần phụ, thống kinh… nếu không được điều trị bệnh kịp thời và đúng cách. Chính vì thế nếu cảm thấy bản thân có dấu hiệu bất thường, nữ giới nên nhanh chóng tới các cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm.
Những bệnh lý khác
Các vết bầm hay khối máu tụ ở các cơ trong thành bụng có thể gây ra cơn đau nhói bụng dưới rốn ở bên trái. Mặt khác, những vấn đề có liên quan đến hệ tuần hoàn như phình động mạch chủ bụng cũng là một nguyên nhân dẫn tới những cơn đau này. Thêm nữa, cục máu động hoặc viêm các mạch máu ở vùng bụng dưới bên trái cũng có thể dẫn đến những cơn khó chịu đột ngột.
Như vậy, các cơn đau bụng dưới bên trái có thể đơn giản là do táo bón, rối loạn tiêu hóa…nhưng cũng không loại trừ khả năng bị các bệnh như u nang buồng trứng, viêm bàng quang, viêm đường tiết niệu…Do đó, nếu các cơn đau diễn ra thường xuyên và kéo dài thì hãy đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị kịp thời.
Những điều cần làm khi bị đau bụng dưới bên trái
Khi gặp tình trạng đau bụng dưới bên trái, cần lưu ý thực hiện những điều dưới đây để đảm bảo tình trạng sức khỏe của bản thân:
- Theo dõi tình trạng sức khỏe cơ thể và nhanh chóng đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt để kịp thời chữa trị.
- Khi xuất hiện cơn đau, nên dừng mọi công việc đang làm để nghỉ ngơi, hạn chế làm việc nặng.
- Ăn đồ nhẹ để giảm tình trạng đau khi đói
- Không được tự ý sử dụng thuốc giảm đau, hay các mẹo chữa dân gian khi chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ.
- Tránh ăn những đồ ăn chua – cay – nóng.
- Không uống rượu bia, chất kích thích, nước ngọt có gas và những đồ uống có cồn khác.
- Không mặc quần áo quá chật bụng vì sẽ khiến cơn đau bụng gia tăng.
- Nếu cơn đau không thuyên giảm và kèm những triệu chứng bất thường cần nhập viện càng sớm càng tốt.
- Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để tầm soát các bệnh lý có thể xảy ra khi bị đau bụng dưới bên trái.
Đau bụng dưới bên trái là tình trạng thường xuyên gặp trong cuộc sống hàng ngày do ảnh hưởng của nếp sinh hoạt không điều độ. Tuy nhiên, để tránh những biến chứng nguy hiểm thì bạn nên theo dõi những cơn đau để có phán đoán tốt nhất để đảm bảo sức khỏe bản thân nhé!