Tư duy sáng tạo cho phép chúng ta trở nên linh hoạt hơn và giải quyết hiệu quả mọi vấn đề trong cuộc sống. Sáng tạo khiến mỗi cá nhân có khả năng thích ứng, tiếp cận với những tiến bộ xã hội và tận dụng tối đa các cơ hội mới. Điều quan trọng là làm thế nào để nuôi dưỡng và rèn luyện tư duy sáng tạo ở trẻ em ngay từ những năm đầu đời. Hãy để Mẹ và Con mách bạn những thông tin hữu ích này nhé!
Nhiều người trong chúng ta vẫn thường nghĩ rằng, sáng tạo là một tài năng bẩm sinh, thế nhưng sáng tạo không tự nhiên mà được bộc lộ. Trẻ cần được kích thích để phát triển khả năng này. Do đó, bố mẹ cần chú trọng thực tập cùng con hàng ngày để giúp tăng khả năng tư duy sáng tạo của trẻ.
Thường xuyên đặt câu hỏi cho trẻ
Một trong những cách để phát triển tư duy sáng tạo ở trẻ em là thôi thúc sự tò mò ở các bé. Bất cứ khi nào chúng ta ở bên cạnh con, chơi cùng con, chúng ta có thể làm điều đó bằng cách đặt ra những câu hỏi về cuộc sống và con người chung quanh. Chẳng hạn như tại sao bầu trời lại có màu xanh?
Tại sao nước biển lại có sóng mà nước ở hồ, ao thì lại không?… và nhiều câu hỏi khác nữa. Khi chúng ta đặt câu hỏi cho bé, bé sẽ buộc phải suy nghĩ về câu trả lời, từ đó giúp tạo thói quen tích cực đặt nhiều câu hỏi hơn về thế giới xung quanh. Chính điều đó sẽ giúp bé nâng cao khả năng tưởng tượng, phản xạ nhanh nhạy.
Dạy bé cách giải quyết vấn đề
Dù là một vấn đề toán học hay tình cảm mà chúng đang gặp phải trong cuộc sống, thì với tư cách là cha mẹ, bạn phải làm cho con mình hiểu rằng có nhiều cách để giải quyết một vấn đề và cũng có những quan điểm khác nhau để nhìn nhận mọi thứ. Từ đó trẻ sẽ có sự linh hoạt, sáng tạo nghĩ ra nhiều cách để giải quyết vấn đề hơn.
Phát huy tư duy sáng tạo qua các hoạt động vui chơi thực tế
Tư duy sáng tạo và tầm quan trọng mà nó mang lại phụ thuộc vào tư duy vượt trội, suy nghĩ xa hơn về những điều hiển nhiên mà các bé được cha mẹ nói cho nghe hay được giáo dục từ nhà trường. Bạn có thể rèn luyện tư duy sáng tạo cho con bằng cách tạo cơ hội cho trẻ tham gia các trò chơi và hoạt động sáng tạo. Từ các hoạt động sẽ có nhiều phát sinh và trẻ phải học cách giải quyết từng vấn đề dưới sự giúp đỡ của bố mẹ, thầy cô, bạn bè.
Khuyến khích trẻ tăng khả năng tập trung
Có thể bạn vẫn thường nghĩ, sáng tạo là những ý tưởng mới lạ, bay bổng thì tại sao chúng ta cần rèn luyện khả năng tập trung. Tập trung là cách để chúng ta sắp xếp mọi thứ có logic. Nhờ vậy mà khi nghĩ ra một ý tưởng nào đó, bé sẽ biết cách áp dụng sự sáng tạo của mình vào cuộc sống thực tế.
Ba mẹ có thể hạn chế thời gian xem tivi hoặc các thiết bị điện tử của con để nhường chỗ hoạt động đòi hỏi nhiều suy nghĩ và sự tập trung. Đọc sách là một trong những cách tốt nhất giúp con phát triển tư duy logic, khả năng tập trung cao. Bạn có thể đưa bé đến các thư viện hay nhà sách và thảo luận về tác giả hoặc cuốn sách yêu thích…
Cho bé có cơ hội sáng tạo
Xây dựng các kỹ năng một cách bài bản là điều quan trọng. Nhưng điều quan trọng là phải cho bọn trẻ đủ không gian để tự do khám phá trí tưởng tượng của chúng. Hãy để chúng dành một vài giờ nhàn rỗi ở nhà để thỏa sức tập vẽ, tập tô màu, tập hát, chơi những trò chơi mang tính sáng tạo… Vừa học vừa chơi sẽ làm tăng khả năng sáng tạo ở bé mà không làm bé cảm thấy chán chường, ngán ngẩm.
Hãy để trẻ phát triển tư duy sáng tạo một cách tự nhiên
Chúng ta hãy để bé thể hiện tư duy sáng tạo của mình một cách tự nhiên, thay vì bắt ép con cố gắng sáng tạo để đạt được một mục đích nào đó. Điều này chỉ mang lại cho bé áp lực và những kết quả tạm thời và không xây dựng được gốc rễ của khả năng tư duy này. Rèn luyện tư duy sáng tạo cần quá trình dài để tập luyện và phát triển. Do đó, tùy theo khả năng của từng bé mà ba mẹ sẽ có những bài tập luyện khác nhau dành cho trẻ.
Tư duy sáng tạo được xem là một trong những kỹ năng quan trọng góp phần mang đến thành công trong hầu hết mọi việc mà chúng ta làm. Sự sáng tạo không chỉ giới hạn trong lĩnh vực nghệ thuật và âm nhạc, mà nó cũng cần thiết cho khoa học, toán học, ngôn ngữ, và cảm xúc… Mẹ và Con hi vọng những chia sẻ trên sẽ giúp mẹ rèn luyện tư duy sáng tạo cho bé ngay từ những hoạt động hàng ngày.