Cảm giác ngứa khi mang thai là tình trạng phổ biến ở các mẹ bầu. Mặc dù điều này không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của mẹ và bé nhưng gây cảm giác khó chịu kéo dài khiến phụ nữ có thai bứt rứt, mệt mỏi. Vậy làm thế nào để giảm cảm giác này? Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu nhé!
Vì sao mẹ bầu thường hay bị ngứa khi mang thai?
Có rất nhiều lý do dẫn đến tình trạng ngứa ngáy đầy khó chịu khi mang thai ở mẹ bầu. Có thể thấy rõ nhất chính là do sự phát triển của thai nhi nên tử cung cần to ra để đủ chỗ cho bé lớn dần. Điều này gây ra tình trạng rạn da, vừa gây mất thẩm mỹ vừa gây ngứa da cho mẹ. Với những phụ nữ có tiền sử da khô, mắc chứng chàm hoặc tình trạng dị ứng da khi mang thai cũng có thể bị ngứa da.
Bên cạnh đó, tình trạng tăng cân nhanh chóng, không kiểm soát, đặc biệt ở những tháng cuối của thai kỳ cũng khiến mẹ bị ngứa ở những vùng da như mông, đùi, ngực.
Khi mang thai, nội tiết và hormone của người phụ nữ tăng nhanh chóng. Đặc biệt sự sản sinh nhanh chóng của hormone estrogen làm cho mạch máu giãn ra và gây ngứa khi mang thai. Mẹ hãy yên tâm là tình trạng này có thể biến mất tự nhiên sau khi sinh.
Mặt khác, ngứa khi mang thai cũng có thể là do ứ mật trong gan (ứ mật thai kỳ), làm cho mất không lưu thông bình thường trong các ống nhỏ của gan, muối mật tích tụ ở da và gây ngứa ngáy. Ngoài cảm giác ngứa, bà bầu còn có các dấu hiệu đi kèm khác như chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn, nếu ứ mật nhiều có thể gây vàng da.
Tình trạng này có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi. Do đó, mẹ bầu cần tự quan sát những biến đổi của cơ thể để nắm bắt kịp thời sức khỏe của bé.
Các vấn đề về da như viêm da bọng nước, viêm nang lông trong thai kỳ cũng là một trong những nguyên nhân gây ngứa khi mang thai. Viêm da bọng nước thường xuất hiện ở tuần thứ 20 của thai kỳ. Dấu hiệu nhận biết là ban đầu có thể thấy những mảng mề đay, mụn nước mọc ở quanh rốn, đùi. sau đó, những mụn nước này dần lan sang vùng lưng, bàn tay, bàn chân…
Viêm nang lông hay gặp ở quý 3 của thai kỳ với những biểu hiện như rát mẩn đỏ ở nang lông, ngứa ngáy. Có một số trường hợp bị viêm nang lông do sử dụng dầu dừa để bôi vùng da rạn.
Ngoài ra, ngứa ở vùng kín cũng gây ngứa khi mang thai cho mẹ. Do các tác động của vi khuẩn, nấm trong quá trình mang thai lên cơ quan sinh dục nên khiến người phụ nữ cảm thấy ngứa ngáy.
Ngứa ngáy tới mức nào là không an toàn?
Theo thống kê, có đến 40% phụ nữ cảm thấy ngứa khi mang thai và tình trạng này cũng sẽ biến mất sau khi sinh. Trong thời kỳ mang thai cơ thể người phụ nữ phải trải qua rất nhiều biến đổi về tâm lý và thể chất bên ngoài.
Sự thay đổi của nội tiết tố, hệ miễn dịch và sự lớn dần của tử cung theo sự phát triển của thai nhi dẫn đến làn da của mẹ bị giãn, khô và kèm theo là cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Bất kỳ vùng da nào trên cơ thể có thể gặp hiện tượng này nhưng thường thấy nhất là ở lòng bàn tay, lòng bàn chân.
Ngoài ra, một số bà bầu khi ngứa còn kèm theo các dấu hiệu như phát ban toàn thân, rạn da quá mức, xuất hiện những mảng da mẩn ở bụng, ngực, mông, đùi… Tuy nhiên, nếu tình trạng ngứa và mẩn đỏ trở nên dữ dội, vượt ngoài khả năng chịu đựng thì mẹ bầu nên đến bệnh viện để xác định nguyên nhân.
Khi nào cần điều trị ngứa khi mang thai?
Như đã nói ở trên, tình trạng ngứa khi mang thai hầu như là lành tính. Nhưng nếu đi kèm một số dấu hiệu cảnh báo bệnh lý khác thì bạn cần tới khám và được điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
- Ngứa toàn thân kèm theo dấu hiệu vàng da, rối loạn tiêu hóa: có thể bạn đang mắc chứng ứ mật thai kỳ.
- Ngứa, phát ban và sốt: dấu hiệu cảnh báo một số bệnh nhiễm trùng gây phát ban như herpes, sốt phát ban, sởi…
- Ngứa đi kèm với những tổn thương ngoài da: thường gặp trong bệnh viêm da cơ địa, vẩy nến…
- Ngứa vùng kín kèm theo cảm giác nóng rát âm đạo, khí hư ra nhiều: dấu hiệu nhiễm nấm âm đạo hoặc mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Cách giảm ngứa khi mang thai an toàn cho cả mẹ và bé
Những trường hợp ngứa khi mang thai trong những tháng đầu hoặc ngứa ít thường không có vấn đề gì quá nghiêm trọng ảnh hưởng tới sức khỏe nên có thể xoa dịu cảm giác này bằng các biện pháp không dùng thuốc. Nếu cảm giác ngứa trầm trọng xuất hiện dữ dội ở tam cá nguyệt thứ hai hoặc ba thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh ứ mật trong gan.
Lúc này, thai phụ cần cẩn thận theo dõi vấn đề sức khỏe của bản thân và tìm tới sự thăm khám của các bác sĩ. Các bác sĩ có thể cho bạn dùng các loại dược phẩm dưỡng da an toàn hoặc bổ sung vitamin khi cần thiết.
Nếu chỉ bị ngứa do rạn da, viêm da hoặc các vấn đề về thay đổi nội tiết khác, mẹ hoàn toàn an tâm có thể dùng những cách dưới đây để giảm ngứa khi mang thai như sau:
Duy trì chế độ ăn giàu dinh dưỡng
Ăn uống điều độ những thực phẩm giàu dinh dưỡng giúp cho bạn không bị tăng cân quá độ, kiểm soát được cân nặng. Hơn nữa, mẹ bầu cần chú ý uống đủ nước mỗi ngày, ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin A, D như cá, trứng, rau củ, các sản phẩm từ sữa… Tránh ăn những đồ dễ gây dị ứng như thức ăn nhanh, hải sản…
Hạn chế gãi, cào khi ngứa
Phản xạ tự nhiên khi ngứa của chúng ta là gãi để xoa dịu tạm thời cảm giác ngứa ngáy. Thực tế việc làm này chỉ càng khiến vùng da mẩn ngứa lan rộng ra hơn, có thể thành sẹo nếu bị thương trong quá trình gãi. Thay vì tác động lực lên vùng da bị ngứa, mẹ nên dùng một chiếc khăn ấm hoặc khăn chườm mát để cảm thấy dễ chịu hơn.
Thêm vào đó, mẹ bầu nên chọn những bộ quần áo rộng rãi, làm từ vải tự nhiên như cotton để hạn chế quần áo cọ xát vào da, gây kích ứng và khiến bạn ngứa ngáy, khó chịu. Đối với những vùng da khô, rạn nên được dưỡng ẩm thường xuyên với các loại gel hoặc tinh dầu chiết xuất tự nhiên như dầu dừa, hạnh nhân, hướng dương…
Thường xuyên tập thể dục
Các bài tập thể dục nhẹ nhàng, điều độ mỗi ngày có thể giúp làm giảm cảm giác ngứa khi mang thai cho mẹ bầu. Các hoạt động được gợi ý như đi bộ, tập yoga, thiền… giúp nâng cao sức khỏe, tăng hệ miễn dịch, máu lưu thông tốt hơn… Nếu mẹ muốn tập ở ngoài trời để hít thở không khí trong lành thì đừng quên bôi kem chống nắng để ngăn ngừa những vết thâm trên da nhé!
Tăng cường đề kháng da bằng cách giữ vệ sinh cơ thể
Da cũng có một hệ thống có khả năng đề kháng tự nhiên, hay còn gọi là đề kháng da, để chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây hại. Nếu đề kháng da suy yếu, da bạn sẽ trở nên nhạy cảm, dễ bị tổn thương, ngứa ngáy trước sự kích thích của các tác nhân gây hại từ bên ngoài và bên trong cơ thể.
Do đó, mẹ cần chú trọng tới việc tăng cường sức mạnh này của làn da bằng cách vệ sinh cơ thể thường xuyên với những sản phẩm chăm sóc da thích hợp. Đối với phụ nữ mang thai những sản phẩm như sữa tắm, kem dưỡng da, dầu gội… đều không nên có mùi quá mạnh, dễ gây kích ứng. Hơn nữa, những sản phẩm này nên có tính diệt khuẩn, đề kháng cho da tốt để bảo vệ mẹ khỏi những vi khuẩn gây bệnh, từ đó luôn khỏe mạnh trong thai kỳ.
Ngứa khi mang thai thường lành tính nên các chị em phụ nữ không cần phải quá lo lắng về điều này. Nếu cảm thấy khó chịu thì có thể thử các biện pháp tự nhiên, an toàn. Ngoài ra, ngứa ngáy kéo dài kèm theo các triệu chứng kể trên cũng cần được lưu ý để thăm khám bác sĩ kịp thời, bảo vệ mẹ và bé. Chúc các mẹ bầu luôn vui khỏe!