Sau đây Mẹ và Con sẽ mách các mẹ những công thức luộc gà ngon cực chuẩn cho ngày Tết thêm trọn vị và tiễn ông bà thật thuận lợi nhé!
Nguyên liệu các mẹ cần chuẩn bị
- 1 con gà ta (gà thả vườn sẽ cho thịt chắc hơn, không nhiều mỡ)
- 1 củ gừng
- Muối
- Hành lá, hạt tiêu, ớt bột, mù tạt.
Thường ngày Tết người ta sẽ chọn gà trống khỏe, đẹp mã để cúng tổ tiên cho được ban nhiều lộc. Để món gà luộc được ngon nhất thì cách chọn gà vô cùng quan trọng. Bạn nên chọn loại gà ta có da màu vàng nhạt tự nhiên và mỏng đều toàn thân, thịt săn chắc, phao câu nhỏ, mỡ vàng không nhiều ở phần cổ và phần đùi.
Cách luộc gà đẹp mắt
Bước 1: Làm thịt gà trước khi luộc
Để có thành phẩm gà luộc đẹp mắt ngon chuẩn vị, thì ngay ở khâu chọn gà các bạn cần lưu ý những điều sau đây: nên mua gà tươi, không bị bệnh, da mượt. Sau khi mua gà về các bạn thực hiện các thao tác sơ chế như bình thường: làm lông sạch sẽ, sau đó xát muối, rửa sạch cả ngoài da và phía trong rồi để gà thật ráo khô. Hiện nay nhiều chị em ngại làm gà ở nhà nên thường sẽ mua sẵn gà từ bên ngoài về rồi luộc. Nhưng bạn cần đảm bảo gà phải còn tươi mới làm không chọn gà làm sẵn để quá lâu.
Nếu gà để nguyên con luộc rồi cúng, bạn nên cẩn thận trong quá trình làm sạch bên trong gà. Đảm bảo các đường cắt cho đẹp để lấy ruột lòng mề ra khỏi mình gà làm sạch.
Các gia vị cần có để luộc gà gồm 3 cọng hành hoa rửa sạch, buộc túm gọn, đập dập 1 mẩu gừng.
Bước 2: Cho gà vào nồi luộc
Sau đó bạn cho gà vào nồi, đổ nước lã xâm xấp gà, cho toàn bộ gia vị (đã chuẩn bị sẵn ở bước 1) cùng chút muối vào nồi nước.
Khi luộc gà bạn cần lưu ý:
Để tránh tình trạng gà luộc da bị rách hoặc bên ngoài chín mà bên trong còn máu đỏ thì nên cho gà vào nồi nước lạnh ngay từ đầu rồi bắc lên luộc, không nên đợi nước sôi mới cho gà vào. Làm như vậy nhiệt độ nước sẽ đều, gà sẽ chín từ trong ra ngoài nên các mẹ lưu ý kỹ mẹo này nhé!
Trong lúc luộc gà bạn hãy để bụng gà hướng xuống dưới và đổ nước sao cho vừa ngập cả con gà là được. Nồi luộc không nên quá to vì thời gian luộc sẽ lâu hoặc quá nhỏ cũng khó trở gà cho chín đều. Bên cạnh đó các bạn nên chọn loại nồi có đáy dày để nhiệt giữ được lâu hơn.
Bước 3: Tiến hành luộc gà
Cách luộc gà có thành công hay không thì bước này đóng vai trò rất quan trọng. Các bạn cần lưu ý luộc gà cần để ý đến lửa, ban đầu các bạn bật lửa to và đậy nắp nồi. Đến khi nước sôi thì tiếng hành vớt bọt ra (việc này sẽ quyết định đến độ trong của nước và màu gà sẽ đẹp hơn sau khi luộc. Để sôi khoảng 5 phút thì giảm lửa nhỏ liu riu, nếu để nước sôi sung sục liên tục thì gà sẽ bị rách da, thịt bên ngoài co rút lại mà bên trong chưa kịp chín.
Lưu ý về thời gian luộc gà
Tùy theo trọng lượng và gà non hay già mà thời gian luộc sẽ khác nhau. Trung bình luộc gà mất khoảng 30 phút. Nhưng muốn gà chín đều, da giòn và vàng óng thì bạn có thể luộc lửa nhỏ liu riu khoảng 45 phút. Sau khi gà chín, bạn tắt bếp và ngâm gà trong nước luộc còn nóng khoảng 15 phút mới vớt ra nhé (ủ gà như vậy sẽ tránh tình trạng gà bị khô và lớp da sẽ không nứt khi đột ngột thay đổi nhiệt độ).
Bước 4: Vớt gà
Khi nước gà đã nguội bớt chỉ còn hơi ấm nhẹ, các bạn tiến hành vớt gà ra ngoài cho ráo nước. Để gà luộc không bị teo và có màu sắc đẹp mắt thì các bạn nên cho gà luộc vào nước lạnh. Đợi đến khi gà nguội hẳn thì lấy ra đĩa, nếu không gà sẽ nhanh khô và xỉn màu trông không đẹp mắt. Sau đó, để thịt ráo nước một chút, dùng củ nghệ, giã nhỏ vắt lấy nước trộn với mỡ gà đã thắng quét một lớp lên da, da gà sẽ có màu vàng bóng và căng mượt, trông rất hấp dẫn.
Các bạn thấy đấy cách luộc gà ngon ngày Tết không quá khó như bạn nghĩ, nhưng bạn cần chú ý trong các khâu chuẩn bị và để ý lửa to, nhỏ khi luộc gà. Gà vớt ra để nguội, bày cả con lên đĩa để xếp lên mâm cúng ông bà tổ tiên. Gà cúng được luộc chín, có màu vàng đẹp mắt, da bóng sẽ giúp mâm cơm Tết bày trên ban thờ hấp dẫn hơn.
Sau khi cúng gà luộc, bạn chặt gà xếp lên đĩa cho đẹp mắt. Chú ý muốn chặt gà đẹp mắt, không bị nát cần chuẩn bị dao, thớt cần thận bởi “dao sắc không bằng chắc kê”. Chặt từng miếng gà luộc xếp ra đĩa, bày lên mâm cỗ Tết, vậy là đã hoàn thiện món cúng mùng 3 dân dã, quen thuộc từ lâu đời của người Việt rồi đó!