Nếu bạn nghĩ khi con bắt đầu bập bẹ học nói những tiếng đầu đời mới là lúc bé phát triển ngôn ngữ và mới cần chú trọng đến điều này thì bạn… nhầm rồi! Sự phát triển ngôn ngữ bắt đầu trước cả khi bé học nói. Thậm chí nó sẽ bắt đầu từ những tháng đầu đời. Bé học cách lắng nghe, học cách hiểu, học cách bắt chước ê a và bập bẹ những âm thanh “vô nghĩa”. Tất cả những điều đó đều cần được mẹ quan tâm, vì nó ảnh hưởng đến khả năng nói của bé sau này.
Bạn có bao giờ thắc mắc sao đứa trẻ này “nói nhiều” thế, diễn đạt thông minh, ngộ nghĩnh thế, còn bé kia lại chỉ biết gật đầu, lắc đầu, nói những tiếng cộc lốc: “có”, “không”, “thích”, v.v.? Điều đó là do bé nhận được sự hướng dẫn tốt của mẹ, bé sẽ biết cách dùng ngôn ngữ bày tỏ mong muốn của mình, thể hiện sợi dây kết nối với thế giới xung quanh.
Hiểu rõ từng giai đoạn phát triển ngôn ngữ của trẻ
1 Bé mới sinh ra đã bắt đầu biết “hóng chuyện”. Nếu bạn nói chuyện với bé ở khoảng cách 20 – 25cm (khoảng cách bé sơ sinh nhìn thấy rõ ràng), bé có thể đáp lại bạn bằng những cái nhép miệng không phát ra âm thanh. Hãy tập cho con! Nâng bé lên sát gương mặt của mình, trò chuyện với con. Từ tuần thứ hai trở đi, bé có thể phát ra những âm thanh ê a trong miệng không rõ ràng, nhưng cũng không còn “im lìm” như trước nữa.
2 Khoảng tuần thứ 3, thứ 4 sau khi sinh, vốn “ngôn ngữ” của bé đã nhiều hơn. Bé đã hiểu được bạn đang “chuyện trò” với bé. Lời khuyên cho mẹ lúc này là đừng chỉ chăm lo chuyện bú, chuyện ăn, chuyện ngủ, chuyện… đi ngoài của con. Bạn cần dành thời gian nói chuyện với bé càng nhiều càng tốt. Hãy gọi: “Con ơi!”, “Bé ơi!”, gọi tên con và mỉm cười với bé. Quan sát ánh mắt con đáp lại giọng nói của bạn. Đây là những bước đầu tiên đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển ngôn ngữ. Bởi lẽ, bé đã bắt đầu cảm nhận được từ ngôn ngữ của bạn sự ấm áp, tình yêu thương, chứ không phải đợi đến lúc bé biết nói đâu.
Ảnh minh họa
3Từ 1 – 2 tháng tuổi, con đã nhận diện được đâu là tiếng của mẹ, đâu là tiếng của người khác và người đó quen hay lạ. Bạn hãy khuyến khích mọi người trong nhà nói chuyện với con. Để ý xem con có phát ra âm thanh “đáp trả” khi có ai đó gọi bé, trò chuyện với bé hay không. Giai đoạn này, bé rất nhạy với những âm thanh có âm cao, đều, do đó không ngạc nhiên khi bé chú ý đến tiếng của mẹ (phụ nữ – giọng cao) hơn là tiếng của bố (đàn ông – giọng trầm). Bạn nên nói với bé bằng “tông” này.
Nếu bé phát triển ngôn ngữ tốt, giai đoạn này bạn sẽ thấy bé bắt đầu cố gắng ngọ nguậy, đưa lưỡi ra, há miệng, v.v. khi nghe bạn nói chuyện. Bạn nên nói chậm, chọn những câu ngắn vài từ, nói bằng giọng dịu dàng, có thể hát ru cho bé nghe. Đừng bỏ qua những cơ hội tuyệt vời đó để “tăng vốn từ” cho con. Bạn cần biết rằng trước khi nói được thành tiếng, bé cần quá trình tích lũy vốn từ đủ nhiều, quen thuộc với sự nghe đi nghe lại cho đến lúc bật ra thành tiếng được.
4 Đến 3 tháng tuổi, thiên thần bé bỏng của bạn đã “phát hiện” ra rằng mình cũng có giọng nói. Bé bắt đầu tận dụng mọi cơ hội để “nói” bằng nhiều loại âm thanh rất khác nhau: lúc líu ríu, lúc the thé, lúc thật cao, lúc thật thấp, v.v.. Bạn cần khuyến khích bé không ngừng nghỉ “nói”. Bạn cũng có thể bày cho bé hành động thở phì phèo ra nước bọt. Hành động này không hề thừa, nó giúp bé làm quen dần với việc phát ra các âm bật hơi sau này đấy bạn.
Tiếp tục cho con tiếp cận gần với khuôn mặt bạn để bé quan sát và bắt chước theo. Bé sẽ chăm chú nhìn miệng bạn nên hãy làm đủ mọi động tác miệng khác nhau cho bé thấy: chu miệng, bặm môi, cười tươi, cười mỉm, “làm xấu”, v.v.. Vào giai đoạn này, bạn đã có thể duy trì cuộc nói chuyện với con lâu hơn mà không lo bé mệt.
5 Khoảng tuần thứ 16, bé biết vận dụng các âm thanh khác nhau để biểu hiện những cảm xúc khác nhau như vui, sợ, bực bội, đói, v.v.. Nếu gần gũi con nhiều, trực tiếp chăm sóc con mỗi ngày, bạn sẽ có thể nhận ra những khác biệt đó để “hiểu” con. Trò chơi phì phèo ra bong bóng ở miệng như một chú cua vẫn được con rất thích.
6 Đến 5 tháng tuổi, một bé có sự phát triển ngôn ngữ tốt sẽ biết chờ đến lượt mình mới nói. Ví dụ như bạn nói thì bé im lặng, nếu có “ọ ẹ” cũng chỉ ít thôi. Nhưng khi bạn im, ở khoảng lặng của bạn, bé sẽ nỗ lực “diễn đạt” bằng cách của mình. Bạn hãy khuyến khích con không ngừng, tỏ ra lắng nghe con, tập cho con các trò chơi bắt chước động tác miệng nhiều hơn.
7 Khoảng 6 tháng, bạn không nên gọi chung chung con là: “Bé ơi!”, “Con ơi!” nữa mà hãy gọi tên bé càng nhiều càng tốt. Nên quan sát kỹ sự phát triển của bé ở giai đoạn này để nếu thấy con “chậm” quá, bạn cần trao đổi với bác sĩ. Những tiến bộ có thể thấy rõ của bé vào thời điểm này là bé biết phản ứng khi mẹ gọi tên, bé phát ra được những từ ghép nguyên âm và phụ âm như: “ma”, “ba” dù chưa rõ ràng. Bé có dấu hiệu lắng nghe bạn, nhìn miệng bạn khi bạn nói một cách rất chăm chú. Đặc biệt, bé đã hiểu lõm bõm những từ đơn giản như: “Không được!”, “Bú”, “Bố”, “Giỏi quá!” nếu bạn lặp đi lặp lại nhiều lần. Một số bé, ở tuổi này, khi nghe khen: “Giỏi quá!” đã biết phản ứng lại bằng cách tỏ ra thích thú.
Những việc bạn có thể làm là đọc vè, thơ ngắn cho con nghe càng nhiều càng tốt. Cho bé nghe thật nhiều tiếng kêu của các con vật khác nhau. Chơi trò chơi vỗ tay với bé. Cho bé nghe các bài hát thiếu nhi, khuyến khích bé ê a theo giai điệu. Bạn cũng nên tìm những cuốn sách để đọc truyện cho con nghe mỗi tối, cho dù bạn vẫn nghĩ rằng bé chẳng thể hiểu gì.
> 3 căn bệnh răng miệng thường gặp nhất ở trẻ nhỏ
> Giúp mẹ giải đáp thắc mắc “có nên cắt móng tay cho trẻ sơ sinh?”