Mẹ&Con - Tắm nắng cho bé là một cách giúp con hấp thụ vitamin D cực tốt. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý đến thời gian và cả cách cho con tắm nữa nhé!

Từ lâu, việc tắm nắng cho bé được các mẹ truyền tai nhau là “bí kíp” giúp bé tổng hợp vitamin D một cách tự nhiên để phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, ngoài vitamin D thì ánh nắng cũng có những tia UV gây hại rất lớn cho da và sức khỏe. Do đó, các mẹ cần đặc biệt lưu ý tới thời gian đưa trẻ đi tắm nắng theo Tạp chí Mẹ&Con hướng dẫn dưới đây để đạt được kết quả như mong muốn.

trẻ sinh đôi

Trẻ em sau sinh bao lâu thì có thể tắm nắng?

Tuy nói tiếp xúc với ánh nắng mặt trời rất có lợi cho trẻ sơ sinh nhưng mẹ cần xác định được thời điểm nào sẽ thích hợp để con bắt đầu được tắm nắng. Thông thường, trẻ em sau 3 ngày tuổi đã có thể bắt đầu tắm nắng. Một số bố mẹ nếu lo lắng có thể đợi sau 7 – 10 ngày rồi mới bắt đầu cho con phơi nắng cũng được.

Vì sao không nên cho trẻ phơi nắng khi mới sinh?

  • Nhiều người vội vàng cho trẻ tắm nắng ngay từ ngày đầu tiên con chào đời. Tuy nhiên, điều này không giúp ích cho con mà ngược lại còn làm hại đến con. Khi vừa chào đời, trên làn da của trẻ thường có một lớp chất sáp màu trắng chứa protein có nhiệm vụ bảo vệ làn da của con. Lớp chất sáp này đóng vai trò như một loại thuốc mỡ kháng khuẩn tự nhiên, ngăn ngừa các loại nhiễm trùng thông thường. Nếu tắm nắng cho bé quá sớm, lớp chất sáp này sẽ bị rửa trôi và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng ở trẻ.
  • Bạn biết không, sau khi chào đời vài giờ thì con vẫn còn chưa hoàn toàn thích nghi với cuộc sống bên ngoài tử cung của mẹ đâu. Nếu lúc này bố mẹ hay ông bà cho con tắm nắng thì lượng đường trong cơ thể con sẽ bị tuột thấp và ảnh hưởng đến sức khỏe của con.
  • Trẻ thường được sinh ra trong phòng sinh có nhiệt độ khoảng 25 độ C. Trong khi đó, 9 tháng 10 ngày trong tử cung của mẹ, con đã quen với nhiệt độ khoảng 37 độ C. Sự chênh lệch nhiệt độ này buộc con cần phải thích nghi. Nếu bạn cho con tắm nắng ngay từ khi chào đời, cơ thể của con lại phải chịu tác động nhiệt lớn từ ánh mặt trời và sự luân chuyển nhanh của gió. Nhiệt độ thay đổi liên tục có thể khiến con bị cảm lạnh và để lại các biến chứng về sức khỏe.

trẻ sơ sinh tắm nắng

Tắm nắng cho bé vào thời điểm nào thì tốt?

Tắm nắng cho trẻ sơ sinh vào buổi sáng

Khoảng thời gian từ 7 giờ đến trước 9 giờ sáng là lúc ánh sáng dịu nhẹ, tia tử ngoại khá yếu nên không gây thương tổn cho làn da mỏng manh của con. Các bác sĩ khuyến cáo chỉ nên cho trẻ phơi ngoài nắng không quá 30 phút mỗi buổi sáng. Nếu trẻ lần đầu tiên tắm nắng thì chỉ kéo dài khoảng 10 phút và tăng dần mỗi ngày.

Theo nghiên cứu thì khoảng 1 tiếng sau khi mặt trời mọc là thời điểm tốt nhất để đưa trẻ đi tắm nắng. Tuy nhiên, bố mẹ cũng có thể điều chỉnh tùy thuộc vào các mùa trong năm. Vào mùa hè, nắng lên sớm hơn và gắt hơn nên tranh thủ cho bé đi trước 7 giờ sáng để tránh tác hại của tia UV. Vào mùa thu, thời tiết se se lạnh, các mẹ có thể đưa bé đi trễ hơn nhưng không quá 9 giờ sáng. Mùa đông, trời nhiều mây, khí hậu lạnh, hanh khô, có thể đưa bé đi tắm nắng khi thời tiết ấm hơn để đảm bảo con không bị nhiễm lạnh nhé.tắm nắng cho bé

Tắm nắng cho trẻ sơ sinh vào buổi chiều

Nếu bố mẹ bận đi làm vào buổi sáng hoặc vì lý do nào đó không thể đi vào buổi sáng thì cũng có thể đưa bé đi phơi nắng vào buổi chiều. Khoảng thời gian tốt nhất là 1 tiếng trước khi mặt trời lặn, tức là sau 16 giờ chiều. Đây là lúc ánh nắng đã yếu và dịu đi nên làn da của con sẽ không bị tổn thương.

Tuy nhiên, thời gian này có thể dao động để phù hợp với tình hình thời tiết. Vào mùa hè, nếu nắng gay gắt thì sau 17 giờ mẹ mới nên cho con tắm nắng. Còn mùa đông, trời chóng tối và nhiệt độ giảm dần khi về tối nên 15-16 giờ là khoảng thời gian tốt nhất đảm bảo trẻ vẫn có thể tổng hợp vitamin D mà không bị cảm lạnh.

Ngoài khoảng thời gian sáng chiều cụ thể kể trên, những thời điểm khác (trừ buổi tối, lúc chưa có ánh nắng mặt trời) không nên đưa trẻ ra ngoài đường tiếp xúc với ánh nắng vì lúc này tia UV cực mạnh, có thể khiến bé bị bệnh. Trong trường hợp bất khả kháng phải đi vào thời điểm đó thì bạn cần che chắn thật kỹ, bảo vệ mắt cho bé nhé!

cho bé tắm nắng

Những lưu ý khi tắm nắng cho trẻ sơ sinh

Bên cạnh việc quan tâm tới thời gian tắm nắng, bố mẹ cũng cần chú ý tới phương pháp để đạt được hiệu quả tối đa và không gây hại cho bé

  • Không gian phơi nắng thoáng mát, ít bụi bặm. Đưa bé ra ngoài sân, ngoài vườn để bé vừa phơi nắng vừa được hít thở không gian trong lành vào buổi sáng. Ngoài ra, mẹ có thể để bé trong phòng để ánh nắng chiếu vào đều được.
  • Để ánh nắng chiếu trực tiếp trên da bé mà không gián tiếp thông qua vật cản trong suốt nào khác như cửa kính. Vitamin D trong ánh nắng không thể xuyên qua cửa kính vậy nên không có tác dụng khi tắm nắng qua cửa kính.
  • Da của bé rất nhạy cảm nên bố mẹ hãy trao đổi trước với bác sĩ khi nhi khoa khi muốn tắm nắng cho con. Trong quá trình phơi, nếu da bé có hiện tượng khô, bong tróc, phát ban hoặc kích ứng cần dừng ngay lại và đưa bé tới bác sĩ chuyên khoa.
  • Nhẹ nhàng massage những vùng da có nếp gấp như bẹn, đùi, khuỷu tay, nách… để những khu vực này cũng có thể tiếp xúc với ánh nắng.
  • Theo dõi nhiệt độ cơ thể trẻ thường xuyên khi tắm nắng để chắc chắn bé không bị quá nóng, không có điều gì bất thường hay nguy hại tới con.
  • Lau mồ hôi và uống nước bổ sung liên tục.
  • Che mắt, vùng kín bé lại để ánh nắng không làm tổn thương trẻ.

Tắm nắng cho bé sơ sinh giúp con hấp thụ vitamin D một cách tự nhiên, tổng hợp dinh dưỡng từ sữa mẹ. Vậy nên, bên cạnh việc ăn uống, bổ sung vitamin này thì bố mẹ nên đưa bé đi phơi nắng hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời khi đã lớn hơn để con luôn khỏe mạnh và phát triển toàn diện. Tuy nhiên, bố mẹ cần lưu ý tới thời điểm cũng như cách tắm nắng để không gây hại cho con nhé! Đồng thời, đừng quên theo dõi Tạp chí Mẹ và Con để cùng khám phá nhiều mẹo nuôi dạy con bổ ích.

Bài viết liên quan

những điều cần biết khi dạy con về tình yêu

7 điều cha mẹ nên dạy con về tình yêu để trẻ luôn hạnh phúc

Mẹ và Con - Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc ngồi lại và tâm sự, chia sẻ cùng con những vấn đề về tình yêu, chẳng hạn như tình cảm gà bông của con và người bạn cùng lớp? Một đứa trẻ được dạy về tình yêu từ sớm có thể học được làm sao để yêu thương đúng cách cũng như biết cách sống hạnh phúc với những tình cảm mình đang có.