Khi nhà có 2 nhóc tì
Gia đình nhỏ của anh Sang bấy lâu chìm trong cảm giác buồn bã vì đơn chiếc, thiếu vắng tiếng cười trẻ thơ vì anh chị không may lâm cảnh hiếm muộn con cái. Bẵng đi một thời gian, hai người âm thầm đến bệnh viện điều trị, và kết quả là… hai cậu nhóc kháu ơi là kháu rủ nhau ra đời một lúc.
“Nhóc” anh, “nhóc” em giống nhau như khuôn đúc, lại không có dấu hiệu đặc biệt nào phân biệt. Nếu không nhờ hộ lý kỹ tính đã cột một chiếc dây màu đỏ vào cổ chân “nhóc” anh thì chắc anh Sang cũng… bó tay. Khi siêu âm biết vợ mang thai song sinh, anh ngẩn tò te vì dường như mình được đền bù “gấp đôi” sau những vất vả, khó khăn vừa qua. Nhưng anh cũng chưa kịp chuẩn bị gì nhiều ngoài việc đi làm thêm ngoài giờ để chuẩn bị tiền bạc đón hai đứa con chào đời.
Những khó khăn
Đến khi vợ sinh, anh mới thật sự hoảng. Anh là con một, bên chị thì cũng chẳng có anh em nhiều, hai người ra riêng từ lâu nên việc qua lại “nhờ vả” họ hàng cũng khó khăn. Hai cu cậu thi nhau khóc quấy, vợ anh sinh xong rất yếu nên một tay anh phải ôm hết mọi việc từ bệnh viện đến về nhà. Suốt ngày, anh luôn tay luôn chân với bọn nhóc. Khi thì thay tã cho “nhóc” anh, khi thì bế “nhóc” em lên vuốt lưng cho nó khỏi ọc sữa.
Đứa em khóc thì cậu anh cũng ré lên theo, dỗ bé này nín thì bé kia khóc, cậu này đi ị thì cậu kia cũng tè ướt mem tã, quay qua quay lại đến vã mồ hôi. Rồi lại phải gom quần áo vợ giặt giũ, chợ búa, cơm nước cho bà đẻ, v.v.. Ôi thôi, mọi thứ cứ nhảy bổ vào anh khiến anh suýt ná thở. Cũng may là khi ở bệnh viện, một vài sản phụ nằm cùng phòng với vợ anh đã giúp vợ chồng một tay.
Vợ anh mới sinh con đầu lòng nên chậm sữa, hai nhóc phải bú bình. Mà hai nhóc cũng khó chịu lắm, chẳng chịu nút núm vú, chỉ chịu nhóp nhép từng muỗng sữa nhỏ thôi. Ai thấy cũng lắc đầu ngao ngán. Cũng may là khi về nhà thì vợ anh đã có sữa. Nghe mách nước, anh đi mua một chiếc gối cho bé song sinh, từ đó việc bú mớm cũng trở nên thuận tiện hơn.
Vợ anh còn được tư vấn dùng dụng cụ vắt sữa vào bình để dành cho hai nhóc. Khi cho bú thì cho cả hai bú cùng lúc. Dần dà, hai cậu đã được lập một thời gian biểu bú mớm rõ ràng, tiết kiệm được thời gian của mẹ. Cả giờ giấc đi ngủ cũng thế. Hai nhóc được nằm kế bên nhau, chúng có vẻ thích thú và quen với điều đó, bằng chứng là nằm im lắng nghe xem “bên kia” đang làm gì. Trong một gian phòng thoáng mát và yên tĩnh, hai cậu mau chóng chìm vào giấc ngủ sâu. Vợ anh không bao giờ dám bế con cho ngủ lâu trên tay. Chị thường đặt hai nhóc xuống giường khi chúng vừa dứt sữa và lim dim mắt. Chị bảo, làm vậy để tránh cho trẻ giật mình, ngủ dễ dàng hơn, ngủ sâu và đầy giấc hơn.
Việc có một lúc hai cậu nhóc bắt buộc chị phải tạm thôi việc ở nhà chăm sóc con. Dù rất mệt mỏi, nhưng thương vợ, thương con, anh Sang vẫn tươi cười nhận thêm việc để bù vào khoản thu nhập vừa bị cắt giảm của vợ. Anh biết, rồi đây mọi thứ từ sữa đến quần áo, những chi phí dành cho con anh đều phải tăng gấp đôi so với con người khác. Trong nỗi lo âu vẫn không vơi đi niềm vui được làm cha mẹ. Anh huy động cả mẹ ruột và mẹ vợ sang giúp vợ trong tháng đầu. Nhờ vậy mà chị có thêm thời gian nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe sau những đêm thức trắng cùng hai nhóc.
Hạnh phúc nhân đôi
Vợ chồng chị Thuyên đều là công nhân viên chức nhà nước. Anh chị vốn rất yêu trẻ, thấy con ai cũng xin bế bồng nựng nịu. Đến khi cưới nhau, anh đòi có con liền. Chị đùa: “Em cho anh một lúc hai đứa luôn!”. Đùa thế mà thành… thật. Chị mang thai song sinh hai bé gái. Tất cả mọi việc đều ổn, thế nhưng, vấn đề rắc rối ở chỗ đặt tên cho hai bé.
Anh bảo: “Chị em nó giống nhau thì đặt tên giống nhau nghe mới hay!”. Chị lắc đầu: “Em thì thấy tên hai đứa phải khác nhau nghe nó mới phong phú!”. Ông bà nội bảo con gái phải lấy tên hoa này hoa kia đặt cho “nữ tính”, mà phải thêm thứ tự chị, em vô cho phải phép. Thế là cái tên Huệ Chị, Huệ Em suýt tí nữa nằm trên giấy khai sinh thật. Nhưng chị Thuyên nhất quyết thuyết phục bằng được ông bà xé nháp cái tên “dễ quê” đó, cuối cùng, cả nhà thống nhất tên cho hai cô bé là Nhất Quyên (chị), Nhị Quyên (em). Nghe hay hay và biết ngay là chị em song sinh.
> Những trò chơi cho trẻ em trong nhà
Hai cô bé này của anh chị kể ra cũng thật “cá tính” dù mới còn nhỏ xíu. Này nhé, đã mặc đồ thì phải mặc y chang nhau, từ quần áo, mũ vớ đến giày dép, cả những thứ đồ chơi cũng thế. Chị Thuyên định cho hai chị em mặc đồ khác nhau để dễ phân biệt, nhưng “cô” chị không chịu ngồi yên khi em mặc đồ xanh bé mặc đồ vàng. Ngược lại, “cô” em cũng ré lên khi chị có đồ chơi là con vịt dễ thương còn bé thì có con heo mũm mĩm. Cả hai lúc nào cũng bắt bố mẹ “tông xuyệt tông” cho. Anh chị cười, thôi kệ, hai con thích thế, cũng đâu có gì hại, chỉ hơi khó nhận ra chị em một chút. Thấy chị em yêu thương quấn quýt nhau, chơi chung, ăn uống chung, tắm chung, ngủ chung là mừng lắm rồi. Thì đấy, có bé sinh đôi, vất vả tăng lên, rắc rối cũng tăng lên. Nhưng niềm vui thì chắc chắn cũng đầy ắp hơn gấp nhiều lần!
Để chăm sóc trẻ sinh đôi dễ dàng hơn…
- Có vài sự khác biệt trong sinh hoạt gia đình khi bạn có con sinh đôi. Tất cả chi phí cho việc sinh nở và chăm sóc trẻ sinh đôi đều tăng vọt, thậm chí giá chăm sóc y tế cho một ca sinh đôi trở lên có khi gấp 4 lần một ca sinh con một. Nhu cầu về không gian cần rộng hơn, cần thời gian chăm sóc nhiều hơn, các khoản chi cho tã lót, sữa, thực phẩm, quần áo, đồ chơi, v.v. đều phải gấp đôi hoặc hơn nữa. Tất cả những điều đó cần được nằm trong dự tính của bạn từ khi bạn biết mình sắp có một cặp song sinh.
- Khi có con sinh đôi, nhất thiết một trong hai người vợ hoặc chồng phải cắt giảm thời gian làm việc để chăm sóc các con, một nguồn thu lại bị mất đi, người còn lại bắt buộc phải tính cách kiếm thêm một nguồn thu khác bằng việc làm thêm. Sức khỏe vì thế cũng suy giảm. Bảo vệ sức khỏe cho cả hai vợ chồng là điều quan trọng nhất để chăm sóc, nuôi nấng các con tốt.
- Nếu tranh thủ được sự giúp đỡ của người thân thì tốt, không thì nên thuê người chăm sóc trẻ phụ bạn.
- Cũng cần lưu ý, các cặp song sinh sinh non rất dễ bị vi rút hợp bào hô hấp (respiratory syncital virus, gọi tắt là RSV), một loại bệnh cúm có mức độ truyền nhiễm cao gây ra hàng loạt vấn đề về sức khỏe. Vì vậy cần thận trọng trước những người trợ giúp chăm sóc con bạn, nhất là khi họ giặt giũ và lau chùi bằng tay. Nên tìm người trợ giúp đã nắm rõ những vấn đề y khoa liên quan đến sức khỏe của trẻ nhỏ.
- Các trẻ sinh đôi trở lên thường phát triển ngôn ngữ chậm hơn trẻ sinh một. Do đó, người trực tiếp chăm sóc cần nhiều thời gian hơn để trò chuyện với trẻ, cũng như đọc cho trẻ nghe và khuyến khích trẻ tập nói càng nhiều càng tốt.
Huyền Trang