Chúng ta dành một phần lớn cuộc đời của mình để tìm kiếm những điều khiến chúng ta hạnh phúc. Nhưng điều gì mới thực sự làm mãn nguyện nhu cầu hạnh phúc của một người nào đó thì còn tùy thuộc vào suy nghĩ, nhận thức và những giá trị mà họ muốn hướng đến. Có phải tiền là thứ điều kiện quyết định tạo nên một cuộc sống hạnh phúc? Hay tiền chỉ là chất xúc tác cho gia vị hạnh phúc của cuộc sống?…Mẹ và Con khẳng định với bạn rằng tiền quan trọng nhưng tiền không phải là tất cả! Tại sao ư? Mời bạn đón đọc hết bài viết này nhé!
Có hay chăng tiền không thể mua được hạnh phúc?
Chúng ta vẫn thường nói rằng tiền không mua được hạnh phúc. Nhưng nghiên cứu cho thấy giữa tài chính và hạnh phúc có mối quan liên hệ tích cực. Thật vậy, tiền không thể mua được hạnh phúc, nhưng nếu không có tiền thì chắc chắn chúng ta không thể có hạnh phúc vẹn tròn. Khi so sánh những người có thu nhập cao với những người có thu nhập thấp, những người khá giả hơn có thời gian và điều kiện tận hưởng cuộc sống tốt hơn.
Trong khi đó, những người còn lại thì lại bận rộn nghĩ về cách làm sao để kiếm tiền. Duy chỉ xét về mặt thời gian và cách sử dụng thời gian của 2 đối tượng như vậy, hạnh phúc phần nào đã được định nghĩa bằng sự thoải mái, tiện nghi, cũng như những điều kiện đủ đầy khác thông qua phương tiện trung gian là tài chính, là tiền bạc.
Nói “tiền mang đến hạnh phúc” có phải đã quá thực dụng?
Có thể bạn cho rằng, lập luận đó bảo vệ cho chủ nghĩa thực dụng và không thể đánh đồng nó với “hạnh phúc” – những giá trị cảm xúc xuất phát từ trái tim. Thế nhưng, nếu nói rằng tiền là chiếc cầu nối gián tiếp tạo ra nụ cười và niềm vui… thì bạn nghĩ như thế nào? Như những đứa trẻ thích ăn kẹo, như những bạn trẻ thích giày hiệu, như những ông bố thích sưu tầm đồ cổ, hay như những bà mẹ thích tận hưởng cuộc sống bằng cách làm đẹp và shopping… tất cả chúng ta đều cần có một phương tiện để nâng cấp cuộc sống của mình trở nên hạnh phúc hơn.
Đặc biệt đối với những người đang có cuộc sống khó khăn và thiếu thốn, thì tiền lại đóng vai trò quyết định thay đổi cuộc sống cũng như mang lại niềm hạnh phúc khi cởi trói cho những ý nghĩ, những mối lo đau đáu về “cơm ăn áo mặc”. Chúng ta không thể phủ nhận tầm quan trọng của việc có nền tảng tài chính tốt trong những trường hợp như vậy. Bởi con người làm sao có thể dành tâm trí để tận hưởng những điều hạnh phúc trong điều kiện khó khăn và khốn cùng?
Vậy tại sao có tiền, nhưng vẫn không thể có được hạnh phúc?
Có người phản biện rằng “Tôi có tiền, tôi có tất cả những thứ vật chất mà ai cũng hằng ao ước trên cuộc đời này, nhưng tại sao tôi thấy mình không hạnh phúc như họ?”. Thật vậy, tiền là phương tiện nhưng không phải là thước đo. Đối với những ai đã có đủ những điều kiện về vật chất, họ sẽ không còn tìm kiếm hạnh phúc có từ đồng tiền, vì nhu cầu bây giờ của họ là được thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ.
Ở một cấp độ tiến độ tiến bộ hơn, những người như vậy sẽ hướng đến việc định nghĩa hạnh phúc của mình là những giá trị tinh thần cho bản thân. Hoặc cao hơn một bậc nữa là lan tỏa hạnh phúc đến cho mọi người xung quanh và khi đóng góp sức mình cho hạnh phúc chung của cộng đồng, đối với họ như vậy mới là hạnh phúc. Nói cách khác, họ sẽ dùng đồng tiền để duy trì hạnh phúc mà không phải là làm điều ngược lại.
Lời kết
Đối với mỗi người, chúng ta có những thước đo hạnh phúc khác nhau, chúng ta hướng đến những giá trị cuộc sống mà mình cho là đúng đắn và xứng đáng. Không có ai có thể quy định cho bạn làm sao để tìm được thứ mà làm cho bạn hạnh phúc. Tiền cũng vậy, đối với cô ấy, tiền chiếm 70% trên thang đo của một cuộc sống hạnh phúc. Nhưng đối với anh ấy tiền là con số 0 trên chiếc thang “ngoằn ngoèo” ấy. Cuộc sống hạnh phúc hay không đôi khi đơn giản nằm ở chỗ bạn biết tự thỏa mãn và biết được giới hạn bao nhiêu là đủ để mình cảm thấy hạnh phúc.