Đã bao giờ bạn cảm thấy đau đầu khi những đứa con của mình vào độ tuổi mầm non luôn “bài xích” việc đến trường? Bé có thể nghe lời bố mẹ trong tất cả mọi tình huống nhưng lại phản kháng, khóc thét khi đi học. Hãy cùng Mẹ và Con giải mã tâm lý trẻ mầm non và cùng tìm hiểu xem vì sao con lại sợ đến trường như thế nhé.
1.001 diễn biến “trời ơi đất hỡi” trong tâm lý trẻ mầm non
Sợ phải xa bố mẹ
Nhìn chung, tâm lý trẻ 3 tuổi trở lên đã hình thành ý thức tự lập nhất định. Tuy nhiên, trẻ mầm non vẫn có những biểu hiện gắn kết và rất phụ thuộc vào người lớn. Vì thế, khi đi học, trẻ buộc phải xa vòng tay của bố mẹ, không còn được gặp gỡ những người thân quen trong gia đình. Điều này đã khiến trẻ cảm thấy sợ hãi và ngao ngán việc đến trường.
Trẻ có tâm lý sợ người lạ
Có thể nói, cách dạy con của chúng ta đã vô tình khiến tâm lý trẻ mầm non thường rất sợ phải tiếp xúc với người la. Khi trẻ không vâng lời bố mẹ, thay vì khuyên bảo nhẹ nhàng thì chúng ta thường tìm một ai đó để dọa trẻ.
Chúng ta thường chỉ vào những người có vóc dáng to lớn, gương mặt khó tính và tiêm nhiễm vào đầu trẻ các câu nói như: “Con không nghe lời thì chú này sẽ bắt con đi đấy” hay “Cô này sẽ đánh con nếu con không chịu ăn hết cơm đi”. Lâu dần, trẻ sẽ hình thành tâm lý sợ người lạ và cho rằng tất cả mọi người lạ đều không tốt với con.
Trẻ từng bị bắt nạt
Nếu trẻ từng chơi cùng với các bạn trong xóm và bị bắt nạt thì đây chính là một phần nguyên nhân khiến việc đi học trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng trong tâm lý trẻ mầm non. Trẻ sẽ cho rằng bạn bè ở trường cũng giống như các bạn trong xóm mà trẻ biết, cũng sẽ bắt nạt trẻ mà thôi. Vì thế, trẻ sẽ kiên quyết phản kháng lại bố mẹ khi được bố mẹ dắt đến trường. Tâm lý này có thể kéo dài và khiến trẻ trở nên xa cách bạn bè, xã hội.
Trẻ bị bạo hành tại trường
Nếu những ngày đầu tiên con vô cùng ngoan ngoãn khi đi học nhưng sau đó, con xin được nghỉ học, không muốn đến trường nữa thì có thể con đã bị bạo lực học đường trong những ngày đi học. Có thể con đã bị bạn bè cô lập hoặc bị cô giáo đánh khi không nghe lời. Bố mẹ nên trò chuyện cùng con để biết con đang gặp phải vấn đề gì nhé!
Bé đã quen được chiều chuộng
Với một số trẻ được đi học muộn hơn bạn bè của mình thì việc được ở nhà cùng ông bà, bố mẹ, được xem ti vi, đưa đi công viên, được chiều chuộng từ A-Z đã trở thành một thói quen. Tâm lý trẻ mầm non rất ham chơi, thích những điều vui vẻ. Vì thế, trẻ sẽ thích được ở nhà để tiếp tục được chiều chuộng thay vì phải đến trường.
Bố mẹ đã từng quên đón con
Nếu bạn quên đón con hoặc đón con trễ, đặc biệt là trong những ngày đầu tiên đi học, trong tâm lý trẻ mầm non, con sẽ dễ nghĩ rằng bố mẹ không còn thương con nữa, bố mẹ đang muốn bỏ rơi con. Vì thế, con sẽ không đi học nữa mà ở nhà cùng bố mẹ để bố mẹ không thể quên con được.
Phải làm gì khi trẻ không muốn đến trường?
Nói chuyện nhẹ nhàng với con
Điều đầu tiên mà bạn cần lưu ý chính là hãy trao đổi với con một cách nhẹ nhàng và bình tĩnh. Đừng vội nóng giận khi thấy con khóc lóc, la hét khi đến trường. Việc này chỉ khiến mọi thứ tồi tệ hơn mà thôi. Tâm lý trẻ mầm non vẫn còn rất non nớt, dễ tổn thương. Do đó, bạn hãy dùng thái độ ôn hòa nhất để tâm sự với con, tìm hiểu lý do vì sao con không muốn đến trường.
Kể với con những điều thú vị ở trường học
Nếu đây là lần đầu tiên con đi học, bạn có thể kể với con về những điều tuyệt vời mà con sẽ nhận được tại trường học. Cụ thể hơn, bạn có thể cho con biết tại trường con sẽ được học những môn năng khiếu như hát, vẽ; được vui chơi cùng bạn bè; được nghe cô giáo kể chuyện; được học chữ để có thể tự đọc quyển sách cổ tích mình thích thay vì mỗi tối phải chờ bố mẹ đọc. Hãy khơi gợi cho con niềm khát khao được đến trường thông qua chính những sở thích của trẻ.
Cam kết với con
Nguyên nhân con không muốn đi học là do sợ bị bố mẹ bỏ rơi, muốn bố mẹ đón con sớm hơn thì bạn có thể cam kết với con rằng bố mẹ sẽ đến đón con đúng giờ. Hoặc bạn có thể cam kết với con rằng các bạn ở trường đều rất thân thiện và có cô giáo bảo vệ con, con sẽ không lo bị bắt nạt. Và dĩ nhiên, hãy thực hiện đúng những gì bạn đã nói thay vì chỉ hứa cho có nhé!
Đặt ra những phần thưởng
Không chỉ tâm lý trẻ mầm non mà nhìn chung tất cả mọi người ai cũng thích có phần thưởng. Vì thế, hãy khen con khi con đi học và đặt ra những phần thưởng cho con. Ví dụ bạn có thể nói “Con hãy đi học đi, khi nào con được cô giáo dạy đọc chữ thì bố mẹ sẽ cùng con đi nhà sách và mua thật nhiều truyện cổ tích nhé”. Hãy cho con động lực đến trường thay vì bắt ép con phải đến trường vì đây là ý muốn của bố mẹ, con không được cãi lời. Như vậy, con sẽ ngoan ngoãn đến trường hơn.
Để trẻ thật sự vui vẻ, mong muốn đi học là một điều khó khăn khi tâm lý trẻ mầm non còn đang ham chơi, thích được ở nhà để bố mẹ chiều chuộng. Hãy “bắt bài” những diễn biến trong suy nghĩ của trẻ và đưa ra cách dỗ trẻ phù hợp thay vì quát mắng, đánh đập con, bạn nhé!