Là bậc làm cha, làm mẹ, ai mà không muốn con mình phát triển bình thường, ngoan ngoãn nghe lời người lớn. Nhưng khi bé không thể kiểm soát cảm xúc, có biểu hiện giận dữ, hung hãn hay đập phá đồ… bố mẹ cũng đừng vội vàng răn đe, đánh mắng để dạy con ngoan vì sợ người khác đánh giá con mình. Bởi trẻ nhỏ không giỏi trong việc che giấu cảm xúc thật như người lớn chúng ta. Vì thế, hãy để bé tự do bộc lộ những điều này để có thể kịp thời uốn nắn, dạy dỗ. Bên cạnh đó, hãy thử giúp trẻ học cách xua đi những cảm xúc tiêu cực qua một vài mẹo dưới đây nhé!
Vì sao con trẻ lại hay mất kiểm soát?
Để giúp trẻ tự kiểm soát hành vi, bạn cần phải biết đâu là gốc rễ, là nguyên nhân khiến con hành động như vậy. Khi còn nhỏ, con trẻ không biết diễn tả cảm xúc bằng lời nói thì hành động được xem là công cụ để giúp trẻ biểu đạt cảm xúc. Trẻ có thể đập phá để thể hiện sự bực tức của bản thân hoặc khóc ầm ĩ để muốn có được một món đồ chơi nào đó. Những hành động này chỉ là bản năng tự nhiên do trẻ chưa học được hành động nào là đúng sai, hậu quả ra sao…
Tình trạng này đặc biệt diễn ra khi con ở trong giai đoạn 2-3 tuổi. Lúc này, con bắt đầu hình thành cái tôi riêng, thích được mọi người nghe theo mình, nhưng vẫn chưa thể trình bày tròn vành rõ chữ ý muốn, khiến người lớn không hiểu và làm cho trẻ có cảm giác không được tôn trọng.
Dạy con cách kiểm soát cảm xúc không khó
Điều chỉnh hành vi của bố mẹ
Bố mẹ hung hãn, nóng tính thì con cái cũng sẽ như vậy và ngược lại. Trẻ con như một tờ giấy trắng, mọi hành động của người thân, nhất là người trong gia đình sẽ được trẻ ghi vào trí nhớ và hành động lại tương tự. Thay vì dùng roi vọt để dạy trẻ, hãy dùng lời lẽ nhẹ nhàng để chỉ dạy trẻ rằng hành động đó là sai, trong trường hợp như vậy con phải làm như thế này, thế kia… Dạy bé lần đầu có thể bé sẽ mau quên, hãy kiên trì dạy bảo bé lại, đừng dùng vũ lực, điều đó chỉ khiến bé ngày càng mất kiểm soát cảm xúc hơn.
Quản lý cảm xúc theo độ tuổi của bé
Với mỗi độ tuổi khác nhau, trẻ sẽ có những cách để cân bằng cảm xúc khác nhau:
– Mới sinh đến 12 tháng tuổi: Hãy dạy trẻ bằng những từ ngữ ngắn gọn, rõ ràng, giọng lớn nhưng không được thể hiện sự giận dữ. Sau khi dạy bảo, nếu bé vẫn còn mất kiểm soát, hãy mang đồ chơi để đánh lạc hướng sự chú ý của bé.
– 12 tháng tuổi trở lên: Đây là độ tuổi trẻ trở nên rất hiếu động, khả năng kiểm soát cảm xúc của trẻ đạt mức tệ nhất. Tuy nhiên đây cũng là độ tuổi trẻ tiếp thu và ghi nhớ cách xử lý những vấn đề trong cuộc sống nhanh nhất. Việc của cha mẹ là phải thật bình tĩnh trước mọi vấn đề của con trẻ. Bạn càng bình tĩnh bao nhiêu, thì trẻ càng nhanh chóng trở lại bình thường bấy nhiêu. Từ ngữ gọn gàng, dễ hiểu, có thái độ răn đe nhưng không giận dữ vẫn là biện pháp bạn cần áp dụng.
Thể hiện rõ ràng cho con hiểu rằng bạn hiểu con, biết con cần gì nhưng điều con cần phải làm là phải nghe lời bố mẹ. Bạn có thể sử dụng cử chỉ cứng rắn, nhưng nhất định không được đánh con. Nếu con vẫn không chịu nghe lời, hãy đánh lạc hướng sự chú ý của con sang vấn đề khác để trẻ quên đi việc mình đang làm. Sau khi trẻ chịu nghe lời bạn, bạn có thể dùng kẹo, một món đồ chơi để thưởng cho trẻ, giúp trẻ hiểu được tầm quan trọng và phần thưởng nếu như biết kiềm chế.
Chỉ trẻ cách giải tỏa, kiểm soát cảm xúc
Với những cảm xúc tức giận tột độ, trẻ không chịu nghe bất cứ chuyện gì từ cha mẹ, bạn hãy giúp trẻ giải tỏa cảm xúc đó. Đưa trẻ một quả bóng để sút, giấy để vẽ lên, gấu bông hoặc bất cứ thứ gì bạn cảm thấy thích hợp. Điều này giúp bé giải tỏa cảm xúc tiêu cực bằng những cách lành mạnh, không gây tổn thương.
Bên cạnh đó, bạn có thể đưa bé tới một không gian yên tĩnh hơn, để bé ở lại đó một mình để suy nghĩ, xoa dịu bản thân và bình tĩnh hơn. Điều này không phải là trừng phạt mà đơn giản là làm dịu bé đi. Sau khi bé ổn định hãy nói bé biết rằng con đã làm rất tốt việc kiểm soát cơn nóng giận nhé.
Hãy nhớ rằng bố mẹ là gốc rễ để học hỏi và cũng là “người thầy” đầu tiên của trẻ. Vì thế, bạn hãy luôn giữ bình tĩnh, kiểm soát mọi vấn đề, như vậy mới có thể giúp trẻ kiểm soát cảm xúc thật tốt nhé!