Kỹ năng sống chắc chắn sẽ là những hành trang quý giá mà trẻ sẽ cần và áp dụng rất nhiều trong suốt cuộc đời. Nhưng hầu hết trẻ em ở Việt Nam lại không được học cách xử lý các tình huống thực tế cho đến khi các con phải đối diện với những hoàn cảnh khắc nghiệt đó. Bảo bọc con là vì yêu thương con, nhưng đừng đợi đến khi con vấp ngã, rơi tình trạng nguy hiếm thì mới hối tiếc vì mình đã không dạy trẻ kỹ năng sống sớm hơn.
Kỹ năng quyết định
Nghe có vẻ lớn lao nhưng thực chất con cần phải tập tính quyết đoán trong mọi việc từ nhỏ đến lớn. Đó là cách giúp con biết phân tích một vấn đề, sự vật, sự việc mà đưa ra những quyết định đắn. Đối với trẻ mẫu giáo, đó có thể là quyết định lựa chọn giữa kem sô cô la hay kem vani, tất xanh hay tất trắng… Khi trẻ lớn hơn một chút, chúng nên học cách phân biệt giữa đúng-sai, phải-trái. Hãy giúp con cân nhắc giữa các lựa chọn, đánh giá ưu và nhược điểm của quyết định đó. Và cuối cùng hãy để con thỏa sức với những lựa chọn của mình, dù kết quả của những quyết định đó là tốt hay xấu thì chính con lúc này mới là người học được những bài học đắt giá.
Vệ sinh cá nhân
Hàng ngày, bên cạnh bề bộn công việc, chúng ta lại phải mệt mỏi với việc nhắc nhở con mình đi tắm, đánh răng, rửa tay và thay quần áo,… Tuy nhiên, ba mẹ thường không nói với con vì sao chúng ta phải làm những hành động đó. Giải thích cho con nghe về tầm quan trọng của sức khỏe và vệ sinh luôn sẽ giúp con hiểu được ý nghĩa của nó và tự giác hơn. Khi con bạn rèn luyện về kỹ năng này, hãy thiết lập một “thời khóa biểu” cho phép chúng đánh dấu từng nhiệm vụ khi chúng hoàn thành. Khi những hành động này chăm sóc sức khỏe này được thực hiện thường xuyên và trở thành thói quen hàng ngày. Lúc này, bạn cũng chẳng cần phải ra rả “Đánh răng chưa con?”, “Tắm đi con”, hay “Uống thuốc chưa con?”,…
Quản lý thời gian
Quản lý thời gian có thể nói là cách dạy trẻ kỹ năng sống cần thiết mà bạn nên hướng dẫn cho con càng sớm càng tốt. Hãy dạy trẻ về giá trị quý báu của thời gian, để con lớn lên mà không lãng phí một giờ sống ý nghĩa nào. Việc dạy trẻ kỷ luật “đúng giờ, đúng việc” giúp bạn quản lý gia đình dễ dàng hơn, vì lúc này con cũng sẽ tự chủ động mọi. Hãy tạo cho con cảm hứng để trở nên tự lập, và biết cách tận dụng 24 tiếng/ngày của mình để làm những việc có ích cho bản thân.
Chuẩn bị các bữa ăn
Những đứa trẻ không thể giúp bạn nấu bữa tối thịnh soạn, thậm chí chỉ làm cho căn bếp rối loạn hơn. Nhưng bạn có thể dạy trẻ 3-4 tuổi cách chuẩn bị một bữa xế với chiếc bánh sandwich “ngũ vị”. Trẻ lên 7-8 tuổi có thể học cách sử dụng lò vi sóng, cũng như thỏa sức sáng tạo bày biện bàn ăn cho cả nhà. Lớn hơn nữa con có thể trở thành một đầu bếp giỏi hoặc ít nhất là hiểu được sự vất vả của mẹ khi chuẩn bị bữa ăn. Nhờ đó mà con sẽ biết trân trọng từng bữa ăn gia đình. Nếu con thực sự có niềm yêu thích với nấu ăn, đừng ngần ngại trao cho con chức vụ bếp chính trong gia đình. Đó không chỉ là bài học về nấu ăn, mà còn là về trách nhiệm nữa đấy.
Quản lý chi tiêu
Chúng ta dạy con mình đếm và hy vọng chúng sẽ là những học sinh giỏi toán. Liệu con có cảm thấy ràng buộc và không ngừng đặt ra câu hỏi trong đầu: “Để làm gì?”. Hãy đưa con đi xa hơn và biến những bài toán thành bài học kỹ năng sống mà chúng có thể bắt đầu áp dụng ngay bây giờ, ngay trong thực tế cuộc sống. Quản lý chi tiêu là điều mà bất cứ người lớn nào cũng gặp khó khăn. Vậy tại sao bây giờ chúng ta lại không dạy trẻ kỹ năng sống này. Đây là thời điểm hoàn hảo để bắt đầu dạy con bạn về tầm quan trọng của tiền bạc và làm sao quản lý chúng. Kỹ năng này sẽ là hành trang không thể thiếu cho con trong tương lai.
Hãy bắt đầu bằng việc nhìn nhận những đứa con bé bỏng của mình là “người lớn” thực thụ trong thân xác của những đứa trẻ. Chúng là người có khả năng đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Có như vậy, bạn mới bỏ đi được tư duy “ấm” con, vì đó mới là cách bảo vệ tốt nhất.