Ăn vạ là tình huống thường gặp của trẻ nhỏ khi muốn đòi hỏi một điều gì đó mà không được bố mẹ đồng ý. Những biểu hiện thường gặp của con là nằm lăn lộn ra đất, khóc lóc, giận dữ, phá đồ đạc… Vậy phải làm sao để có những “pha xử lý không cồng kềnh” khi con ăn vạ? Cùng Mẹ&Con tìm hiểu ngay cách trị trẻ ăn vạ không phải ai cũng biết trong bài viết sau đây!
5 giai đoạn ăn vạ của trẻ bố mẹ nên biết
Một giáo sư của Mỹ đã nghiên cứu tâm lý trẻ nhỏ và chia ra 5 giai đoạn của ăn vạ:
- Giai đoạn 1: Giận dữ, la hét rất lớn, ném đồ vật đang cầm trên tay hoặc nếu ai đưa đồ không muốn sẽ gạt ra ngay lập tức.
- Giai đoạn 2: Giận có chút buồn, biểu hiện bằng việc mếu máo, khóc và giẫy giụa.
- Giai đoạn 3: Trong khi khóc thì bé bắt đầu giãy nảy lên nếu ai đó cố chạm vào hoặc dỗ dành.
- Giai đoạn 4: Cơn khóc sẽ vẫn còn, nhưng giảm dần và chịu khó nín khi nghe có ai đó nhắc tới trẻ.
- Giai đoạn 5: Hết giận. Bé lại chơi bình thường và quên đi lý do “ăn vạ” vừa rồi.
Theo các chuyên gia, bố mẹ thường có cách trị trẻ ăn vạ sai lầm và dẫn đến các tác động ngược. Nếu bố mẹ có bất kỳ tác động nào như đánh mắng, trách phạt khi bé đang giận dữ, khóc lóc và giãy nảy (giai đoạn 1,2,3) thì khả năng bé chỉ càng khóc nhiều, khóc to và khóc dai hơn. Nếu bố mẹ cố gắng dỗ dành, mua đồ chơi khi bé mếu máo, khóc lóc (giai đoạn 2) để bé mau hết giận (giai đoạn 5) thì những lần “ăn vạ” sau sẽ càng mãnh liệt hơn
Cách trị trẻ ăn vạ bố mẹ nên biết
Thông thường việc “ăn vạ” sẽ trải qua đầy đủ cả 5 giai đoạn trên. Theo các chuyên gia, để trị trẻ ăn vạ nên tránh có bất kỳ tác động nào ở 3 giai đoạn đầu vì đây là một trạng thái mà bé phải trải qua, suy nghĩ và tự điều chỉnh cảm xúc của mình. Thời điểm tốt nhất để răn dạy và yêu thương là giai đoạn 4. Hãy bắt đầu bằng một cái ôm để bé đỡ tủi thân, sau đó dần dần nói để bé hiểu về lỗi sai của mình.
Xử lý nguyên nhân khiến bé “ăn vạ”
Thông thường bé sẽ “ăn vạ” khi thấy được món đồ mình thích nhưng bố mẹ không cho. Để áp dụng các cách trị trẻ ăn vạ, trước tiên, cần phải đưa món đồ đó ra khỏi tầm mắt của đứa trẻ. Lúc này bé sẽ chỉ càng khóc to hơn, lớn hơn nhưng bố mẹ phải hết sức bình tĩnh và giữ im lặng chờ các dấu hiệu của giai đoạn 4. Sẽ có một số tình huống bé đòi đồ chơi ở siêu thị, nơi công cộng thì bố mẹ có thể kệ bé, bỏ đi chỗ khác nhưng vẫn để con trong tầm mắt. Như vậy bé sẽ nhanh chán và quay đi tìm bố mẹ.
Kiên nhẫn
Các bậc phụ huynh thường có xu hướng thương con, xót con, sợ con ói… khi đứa trẻ khóc, giận dữ nên sẽ thuận theo điều bé muốn. Điều này chỉ khiến bé trở nên bướng bỉnh hơn, “đòi hỏi” nhiều hơn sau này. Vậy nên, theo cách trị trẻ ăn vạ được chia sẻ thì các bà mẹ dễ yếu lòng thì cũng phải kiềm lòng, kiên nghị, cứng rắn và kiên nhẫn chờ tới giai đoạn thứ 4 như đã nói nhé.
Không dùng đồ chơi để dỗ
Dùng những món đồ chơi hay dỗ bé hết giận sẽ chỉ càng làm mọi chuyện tệ hơn trong những tình huống tương tự về sau. Những việc làm này khiến bé không học được cách chấp nhận và thay đổi cảm xúc. Vậy nên việc để bé tự trải qua hết 3 giai đoạn đầu mà không có bất kỳ tác động là rất quan trọng trong việc hoàn thiện cảm xúc và tâm lý trẻ nhỏ.
Ôm bé
Ôm bé là một bước quan trọng trong các cách trị trẻ ăn vạ. Khi bé bước đến giai đoạn giảm khóc dần, nhìn ngó xung quanh thì hãy bắt đầu bằng một cái ôm và tha thứ cho con. Nhiều bố mẹ có xu hướng “giận lẫy” lại, tức là khi bé tìm kiếm và đòi được ôm thì không chịu bế mà bắt bé tự đi. Khi làm như thế chỉ khiến bé “khóc lại từ đầu và tiếp tục trải qua 5 giai đoạn “ăn vạ”. Chính vì thế, nếu bé đòi được ôm thì hãy cứ ôm và bắt đầu chỉ ra lỗi sai của đứa trẻ một cách nhẹ nhàng.
“Ăn vạ” là biểu hiện phát triển bình thường ở trẻ nhỏ. Tùy vào từng cách uốn nắn và dạy dỗ khác nhau thì mức độ “ăn vạ” cũng sẽ khác nhau. Nhưng muốn con lớn lên ổn định tâm lý tốt hơn thì bố mẹ nên cố gắng áp dụng những cách trị con ăn vạ mà Mẹ&Con đã đề cập ở trên nhé!