Mẹ&Con – Phát triển các năng khiếu của bé giúp bé tự tin khi đứng trước đông người là rất tốt, nhưng nó cũng có mặt trái mà cha mẹ phải lưu ý.

Chào bác sĩ!

Con gái tôi chỉ mới 10 tuổi. Bé có vóc dáng khá đẹp, cao, gương mặt ăn ảnh và một giọng hát được thầy cô khen là rất tốt. Lúc con còn nhỏ, tôi khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho bé đi học các môn năng khiếu như múa, hát, diễn kịch, v.v.. Bé được đánh giá tốt và được cho đi tham gia một số cuộc thi, có nhiều giải thưởng cấp quận, cấp thành phố. Tôi từng rất tự hào về điều này ở con. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tôi bắt đầu thấy lo. Bé càng lúc càng có phần xao nhãng việc học, không coi trọng những môn văn hóa ở trường dù tôi cố gắng kèm cặp, thậm chí rầy la bé. Bé chỉ dành nhiều thời gian để luyện giọng, tập hát. Con cũng có dấu hiệu chú trọng đến ngoại hình quá sớm. Bé mới 10 tuổi mà đi đâu ra ngoài dù chỉ một chút cũng đòi thay đồ đẹp mới đi. Con thường xuyên đòi tôi mua cho áo đầm mới, cũng như dành cả thời gian lên internet “nghiên cứu” về các ca sĩ trẻ. Bé mở miệng là bảo con chỉ muốn thành ca sĩ. Thậm chí khi tôi la sao kết quả học tập của con giảm sút, con cũng nói là ca sĩ đâu có cần học quá giỏi mấy môn đó làm gì, chỉ cần con học khá là được rồi. Tôi rất buồn và lo vì tôi nghĩ nếu tập trung, con có thể học tốt hơn như thế. Mong bác sĩ tư vấn giúp.

Hoàng Bạch Huệ (Quận 11)

 bác sĩ trả lời

con lười học vì mê hát

Ảnh minh họa

Phát triển các năng khiếu của bé như hát, múa, diễn xuất giúp bé tự tin khi đứng trước đông người, thể hiện bản thân mình là rất tốt. Tuy nhiên, rõ ràng việc này cũng có mặt trái của nó mà phụ huynh cần lường trước. Bé tiếp xúc quá sớm với những lời khen ngợi, những giải thưởng, những ánh đèn sân khấu và cảm giác mình là “ngôi sao”, nếu không có sự định hướng tốt sẽ rất dễ bị ảo tưởng về bản thân mình, mất đi tuổi thơ hồn nhiên và thậm chí lệch lạc về nhân cách. Bé cũng dễ bị sốc mạnh khi gặp phải một vài thử thách, vấp váp đầu đời, ví dụ như những lời chê bai của khán giả, những “thất bại” trong các cuộc tranh tài, v.v..

Những biểu hiện của bé hiện giờ cho thấy, bé có tư tưởng không coi trọng việc học, cho rằng mình có thể có tương lai “trải thảm” hơn với những năng khiếu mà mình đang có. Bạn nên tìm cách uốn nắn lại con. Có thể từ chối bớt các hoạt động, chương trình biểu diễn, chỉ cho bé sinh hoạt hát múa ở mức độ vừa phải. Tuy nhiên, bạn cần làm việc này thật khéo để tránh làm bé tổn thương, cảm thấy mình bị ngăn cản hay cấm đoán đến với điều mà mình yêu thích (trẻ ở tuổi này bắt đầu có tư tưởng phản ứng lại cha mẹ rất gay gắt để thể hiện bản thân). Nên giải thích để con hiểu, việc học ở trường sẽ giúp tạo cho bé nền tảng kiến thức quan trọng, giúp bé trưởng thành, cho dù có theo bất cứ lĩnh vực nghề nghiệp gì sau này.

Bạn cũng nên tránh cho con những hoạt động biểu diễn mang tính chất “kiếm tiền” quá sớm. Việc kiếm ra tiền quá sớm có thể khiến bé thấy mình “khác biệt” so với bạn bè cùng tuổi, mất đi tuổi thơ, “lớn” quá nhanh và dễ gặp phải những vấp ngã sau này (do còn quá non nớt về tuổi đời trước những cạm bẫy, cám dỗ). Có được sự “uốn nắn” khéo léo của bố mẹ, những lần thủ thỉ trò chuyện, chia sẻ chân thành và đầy tôn trọng bé giữa bố mẹ và con, tin rằng bé sẽ dần dần tìm lại sự vui thích với bài vở trên trường, với những hoạt động, sinh hoạt ngoại khóa phù hợp với tâm lý và độ tuổi của mình. Thân mến!

Bác sĩ Lê Phương Thúy

> Cách nuôi dạy con thành người vừa “có tài, có đức”

> 7 câu nói này của bố mẹ là cách nhanh nhất hủy hoại trẻ vị thành niên

Tags:

Bài viết liên quan