Khi một mối quan hệ có người thứ 3 xen vào thì hệ quả tất yếu là tan vỡ. Trong quá trình đó, có rất nhiều người chọn cách im lặng mà ra đi, nhưng cũng không ít người lựa chọn “đánh trống khua chiêng” đi đánh ghen để đặt dấu chấm hết cho một cuộc tình. Liệu, đánh ghen có phải là hành động thông minh?
Đi đánh ghen và những “quan tòa” bất đắc dĩ
Nếu ngày xưa, đánh ghen được biết tới trong phạm vi quanh nơi xảy ra sự việc thì ngày nay, nhà nhà đều có thể xem đánh ghen “nóng hổi” trực tiếp dù đang cách xa địa điểm hàng nghìn cây số.
Chính vì vậy, cư dân mạng trở thành những “bình luận viên” hay “quan tòa phân xử” bất đắc dĩ. Phần lớn mọi người cho rằng người thứ 3 chính là nguyên nhân phá hoại hạnh phúc một gia đình hoặc một mối quan hệ nào đó. Đương nhiên, người đàn ông hay phụ nữ đã có gia đình là kẻ phản bội.
Nhiều người lên tiếng ủng hộ đối tượng đi đánh ghen, cho rằng nhịn nhục đôi khi tạo nên ức chế, có người hóa rồ hay có di chứng tâm lý không chữa được nếu nhẫn nhịn. Một số lại cho rằng người ngoài cuộc không thể thấu rõ như người trong cuộc vậy nên không thể nói đánh ghen như thế nào là đúng khi những người này không thể ngồi lại nói chuyện.
Chuyện đi đánh ghen – ai đúng, ai sai?
Đôi khi “một nửa của sự thật chưa chắc đã là sự thật” và chúng ta chỉ là những người chứng kiến, dựa theo phán đoán, suy diễn của bản thân để viết tiếp “nửa sự thật” này. Rốt cuộc đánh ghen chẳng biết ai đúng ai sai, nhưng những người chỉ trích, lăng mạ hay tấn công những người trong cuộc bằng lời lẽ, từ ngữ gây ảnh hưởng tinh thần của họ và những người xung quanh thì là sai hoàn toàn. Những hành vi này đều có thể quy vào tội bịa đặt, tung tin sai sự thật làm tổn hại nhân phẩm người khác và tùy theo mức độ để phạt tiền hoặc giam giữ.
Cái giá phải trả cho tất cả người trong cuộc
“Sau tất cả mình chẳng thể trở về với nhau”. Một mối quan hệ hay một cuộc hôn nhân kết thúc bằng đánh ghen là một dấu chấm hết hoàn toàn không thể cứu vãn. Tất nhiên, khi lựa chọn đi đánh ghen, “người đánh” chẳng phải muốn giành giật lại “thứ thuộc về mình” mà đơn giản khiến tất cả phải trả giá cho chuyện này.
Làm tổn thương chính mình và khiến bản thân rơi vào vòng lao lí
Ừ thì “trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”. Người thứ 3 tổn thương thì đã đành. Nhưng đánh mà gây thương tích thì theo luật pháp Việt Nam sẽ có mức phạt tùy từng trường hợp. Nếu thương tích từ 11% trở lên thì sẽ phải nộp phạt và có thể truy tố trách nhiệm vì tội cố ý gây thương tích. Trường hợp bị thương nặng sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng.
Lấy ví dụ cụ thể, khi xô đẩy, va chạm, đối phương bị gãy một móng tay hoặc móng chân thì sẽ được tính là 2%. Như vậy, nếu gãy 6 móng thì thương tích là 12%.
Vết nhơ lớn trong cuộc đời
Bên cạnh đó, khi video được đăng tải lên mạng, sẽ chẳng bao giờ rút lại hay xóa đi được. Đây sẽ trở thành một “vết nhơ lớn” với tất cả người trong cuộc. Tương lai khi muốn bắt đầu một việc gì đó thì có thể bị “đào lại” và đem ra đánh giá. Kể cả người đi đánh ghen bề ngoài có vẻ đúng với lý lẽ của riêng mình nhưng cũng sẽ bị đánh giá dựa trên hành động, lời nói và cách xử lý tình huống khi tức giận. Cơ hội trong tương lai ít đi là cái giá dành cho từng người.
Làm tổn thương con cái
Đặc biệt với những gia đình có con nhỏ, chúng ta cố gắng không cãi nhau hay xích mích trước mặt con cái nhưng lại để những video đi đánh ghen, nắm tóc, bứt đầu vò tai, lột đồ, văng tục…của chính mình được đăng trên mạng xã hội. Khi con thấy được sẽ nghĩ sao và bạn bè con sẽ nói gì nếu thấy những clip đó?
Điều này ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của trẻ nhỏ. Những đứa trẻ này thường có xu hướng nổi loạn, bất cần, sa lầy vào bạo lực học đường hoặc thu mình khép kín, trầm cảm, tự kỷ.. .Con cái là vô tội và không đáng bị trả giá bởi hành động của bố mẹ. Vậy nên, trước khi quyết định đánh ghen hãy nhắm mắt và nghĩ tới con và tương lai của con.
Đi đánh ghen chẳng cho ta điều gì mà còn lấy đi rất nhiều thứ của bản thân “người đánh” và cả những người thân yêu xung quanh họ. Dù tình yêu kết thúc bằng những cách đau đớn, nghiệt ngã nhất nhưng phải biết cho mình đường lui nhé!