Mạng xã hội trở thành “chợ thông tin” lớn nhất trong xã hội hiện nay. Ở đây người ta có thể biết được ngay cả những chuyện riêng tư nhất, chẳng hạn như mối quan hệ giữa vợ và chồng, gia đình và hôn nhân. Vậy nên, những clip đánh nhau cắt tóc, lột áo… trở thành một điều bình thường. Và sau những cuộc đánh ghen đầy “ly kì” ấy, liệu có phải chỉ người thứ ba thiệt thòi?
Liệu chúng ta có thể làm chủ cảm xúc khi đối diện với người thứ ba?
Thực chất khi đi đến quyết định chia tay hay ly hôn thì đã chẳng phải câu chuyện êm đẹp gì. Bởi mỗi cá nhân đã phải trải qua nhiều sự tổn thương và mất mát trong tình cảm này. Nhiều người vì những vết thương này trở nên nóng giận, bực bội, không làm chủ được bản thân và ngay lập tức sinh ra hành động chẳng “nhẹ nhàng” với người thứ ba như đánh ghen lột áo hay cắt tóc…
Trong những lúc như thế này, theo lý thuyết mà nói, người trong cuộc nên suy xét tình huống, cần bình tĩnh và kiềm chế cảm xúc. Đặc biệt, khi chúng ta vô tình hay hữu ý bắt gặp đối phương và người thứ ba ở những nơi công cộng.
Tuy nhiên thực tế thì nói thì ai cũng nói được, còn làm thì không phải ai cũng làm được. Vấn đề làm chủ cảm xúc này chưa bao giờ là dễ dàng và cần sự rèn giũa thường xuyên.
Clip đánh ghen đây, vậy clip hậu đánh ghen đâu?
Ngày nay, rất nhiều vụ đánh ghen được ghi lại trên mạng xã hội giống như một sự “gợi ý” cho các chị em nếu gặp người thứ ba, “tuesday” xuất hiện. Nhiều người cho rằng, cần “cao tay” xử lý người thứ 3 bằng cách tung tất cả mọi việc lên mạng xã hội để mọi người có thể biết được “bộ mặt thật” của người này.
Tất nhiên, mạng xã hội không xấu mà tùy từng “đầu lọc thông tin” của mỗi người trong các tình huống xã hội để nhìn nhận sự việc.
Vấn đề ở đây chính là chúng ta chỉ nhìn thấy họ đánh ghen, xé quần áo hay cắt tóc người thứ ba nhưng chưa từng có clip hay video nào nói về cuộc sống hay hậu quả mà chính người trong cuộc phải đối diện sau này.
Nhìn vào clip, họ chỉ nói với chúng ta rằng họ có nguyên nhân chính đáng để đánh ghen, họ lôi kéo sự đồng cảm của những người xem. Tất nhiên, “người đánh” lựa chọn đánh ghen là để cho bản thân họ, kiềm chế cảm xúc giống như một cực hình và họ muốn tất cả đều phải trả giá theo hành động này.
Còn chúng ta, những “cư dân mạng” nhìn vào lý do này cũng thấy rất hợp lý và hiểu cho hành động đó, dần dần nghĩ rằng đánh ghen người thứ ba là chuyện bình thường. Thế nhưng, chưa từng có một clip nào nói về hậu quả thực tế sau những trận đánh ghen lột áo, cắt tóc ấy. Hoặc đôi khi, có nhưng chẳng phải xu hướng nên không ai quan tâm.
Chúng ta chưa nhìn thấy những gì “người trong cuộc” sẽ phải trả giá, mất mát sau này cho họ người thân yêu, đặc biệt là con cái của họ.
Chúng ta không thể tưởng tượng được con cái của mình sẽ hứng chịu tổn thương như thế nào khi bạn bè của bé nhìn thấy video chúng ta đánh ghen, cư xử bạo lực với nhau trên mạng và chế giễu bé chẳng hạn. Chúng ta cũng không nghĩ đến việc mọi người “e dè” với một người có những hành động điên cuồng khi không thể kiềm chế cảm xúc của mình. Chúng ta càng không thể lường trước, bố mẹ, anh chị em và những người thật sự quan tâm mình sẽ đau lòng ra sao, khi bạn bất chấp tất cả, làm tổn thương người thứ ba và tổn thương chính mình.
Vậy nên, đừng nuông chiều cảm xúc mình mà “ngộ sát” những người thực sự quan tâm, lo lắng và chăm sóc bạn. Quá nhiều cái giá phải trả vì đánh ghen cho bản thân “người đánh” mà chính họ cũng chẳng nhìn thấy được.
Chính vì thế, Mẹ&Con nhắc bạn hãy suy nghĩ thận trọng, kiềm chế và làm chủ cảm xúc của mình, đặc biệt ở nơi công cộng. Người thứ ba có thể đáng với sự tổn thương, nhưng bạn thì không! Vì thế, hãy chọn một cách “đánh ghen văn minh” hơn bạn nhé!