Mẹ&Con - Ngay trước khi tôi lấy chồng, mẹ tôi đã dè dặt kéo tôi vào phòng dặn dò: “Mẹ không yên tâm khi con ở chung với cả gia đình chồng. Kinh nghiệm của mẹ, cứ ở xa mỏi chân, ở gần mỏi miệng. Thế nào cũng dễ phát sinh những xung đột, mâu thuẫn lắm.

Con ráng bàn với chồng, dành dụm kiếm tiền mua căn nhà nhỏ xíu, hoặc thuê tạm cũng được, vẫn ở gần gần để lui tới phụng dưỡng bố mẹ chồng, nhưng có sự riêng tư sẽ tốt hơn!”. Nghe mẹ nói, tôi chỉ phẩy tay cười: “Không sao đâu mẹ ơi, bên nhà chồng thương con lắm!”

>> Những điều nàng phải thuộc khi về làm dâu

Tôi đã nghĩ: Sống chung là chuyện rất dễ dàng!

Lỗi của tôi! Rõ là như thế, chẳng còn gì để bàn nữa. Hai mươi hai tuổi đã lập gia đình, tôi như cô bé còn quá non nớt và nhiều ảo tưởng về cuộc sống hôn nhân. Hoàn toàn không chuẩn bị chút gì, tôi thiếu mọi kỹ năng, cứ chủ quan tin rằng chỉ cần vợ chồng yêu thương nhau, mình ngoan ngoãn, vui vẻ, bố mẹ chồng nói gì cứ vâng lời là được.

mâu thuẫn với mẹ chồng

Ảnh minh họa

Suốt những năm đại học yêu nhau, tôi cũng lui tới nhà chồng khá nhiều lần. Bố mẹ anh có vẻ dễ tính, cái gì cũng chiều chuộng tôi. Tôi đến chơi luôn được mẹ anh (là mẹ chồng tôi sau này) mua cho khi thì chén chè, khi thì chén đậu hũ, v.v.. Bà thậm chí còn bưng lên tận phòng riêng của anh, nơi hai đứa tôi đang học bài cùng nhau, dặn hai đứa ăn.

Những ngày gần cưới, tôi lui tới chơi nhà, thấy rất thoải mái với không khí gia đình. Mẹ chồng thời điểm đó hay dắt tôi đi chợ, đi mua sắm, hay khoe với mọi người: “Con dâu tương lai của tôi nè!”. Những lúc ấy, tôi sướng rơn, cười toe toét. Tôi nghĩ mình thật may mắn khi được gia đình chồng thương yêu. Cách ngày cưới 2 tuần, khi mẹ chồng bảo hai đứa cưới xong sẽ ở đây, rồi chỉ cho tôi phòng ở trên lầu, tôi còn hớn hở nghĩ thầm: “Vậy thì còn gì bằng, cưới xong nhà cửa, tiện nghi sẵn sàng hết trơn, chẳng phải lo gì nữa cả!”

Nhưng… mọi chuyện hoàn toàn không đơn giản như tôi tưởng!

Ngay sau đêm tân hôn, còn chưa kịp hưởng những “mật ngọt” của đời sống vợ chồng, mẹ chồng tôi đã ngọt ngào bảo: “Con đưa hết nữ trang cưới đây mẹ cất cho. Trong phòng mẹ có két sắt, chứ trên phòng tụi con hớ hênh lắm. Để lỡ mất mát lại phiền!” Tôi hơi khựng lại, trong lòng có phần không vui, nhưng chẳng có “cớ” gì để từ chối cả. Tiền mừng cưới của chúng tôi được bao nhiêu tôi cũng hoàn toàn không biết, vì mẹ chồng và chị em chồng đã “thu xếp” đâu đó hết rồi. Tôi đành tự an ủi mình: Thôi, mẹ thương hai đứa, thấy hai đứa còn nhỏ nên mới lo lắng thay mọi chuyện mà!

mâu thuẫn với mẹ chồng

Ảnh minh họa

Tôi thật ngây thơ khi nghĩ như thế. Nhưng biết làm sao được. Chẳng lẽ mới về nhà chồng, chân ướt chân ráo đã cãi lời, hay đã hỏi chuyện tiền nong. Những tháng tiếp theo, tình hình trở nên mỗi lúc một ngột ngạt hơn. Vợ chồng tôi đều được thu xếp về làm việc cho công ty của gia đình. Tôi hỏi chồng: “Lương anh được bao nhiêu?” thì anh phì cười vì trước giờ anh không hề có lương, mọi thứ đều do mẹ quán xuyến trong nhà và mua sắm hết. Anh cần gì thêm thì hỏi mẹ, chủ yếu để tiêu xài lặt vặt, đi chơi.

Anh không thắc mắc gì chuyện ấy, vì theo anh tài sản của gia đình là tài sản chung. Anh là người con ngoan, rất biết vâng lời và cảm thấy rất hạnh phúc với cuộc sống như hiện tại. Nhưng còn tôi? Quả thật là nhìn sơ lược, tôi không thiếu thứ gì. Nhà cao cửa rộng, đi làm thì chồng đưa đi bằng xe của chồng. Đồ đạc trong nhà đủ cả. Ăn uống có người giúp việc nấu. Cuối mỗi tháng, kế toán chỉ gửi cho tôi một khoản xíu xiu, ít như một nhân viên tiếp tân mới vào làm vậy. Tôi thắc mắc thì chồng gạt đi, bảo cái đó chỉ là trên giấy tờ, cho nhân viên khác khỏi nhìn vào so đo, và cũng chỉ là để tôi tiêu vặt cho vui mà thôi, còn lại ở nhà mẹ đã lo tất cả.

Tôi chấp nhận dù trong lòng thấy không vui. Nhưng không chỉ có chuyện tiền bạc. Sống chung, tôi mới phát hiện ra rất nhiều thứ không như mình tưởng. Ngày xưa, chỉ đến chơi, tiếp xúc ít, tôi thấy gia đình chồng rất “thoáng”, thoải mái. Đến khi sống chung, tôi mới biết bên trong mẹ chồng tôi không “thoáng” chút nào. Mẹ chỉnh tôi từng chuyện, từng chuyện nhỏ. Nào là tắm xong phải phơi cái khăn ra sao, quần áo giặt riêng như thế nào. Cưới chồng hết năm đầu tiên mà có khi tôi chuẩn bị bước ra khỏi nhà với một bộ váy áo, mẹ chồng còn bảo phải vào thay bộ khác.

Vẫn biết nếu nhìn ở góc độ nào đó, những điều mẹ muốn là những điều tốt cho tôi. Nhưng có ai hiểu cảm giác của tôi không? Đó không phải là cuộc sống của tôi – của một người đã có gia đình. Tôi không được tự chủ bất cứ chuyện gì. Không có một khoản để dành, không biết tương lai mình ra sao, không có được dự tính nào “bình thường”, theo kiểu dành dụm bao lâu thì vợ chồng sẽ mua một căn nhà nhỏ. Tôi bắt đầu thấy “ngộp thở”. Và nhận ra mình rất cần được làm vợ, làm mẹ, làm chủ một gia đình theo đúng nghĩa bình thường.

Tôi có con, mọi chuyện vẫn không đổi

Cưới nhau sang đầu năm thứ hai thì tôi có thai. Bản năng của một người mẹ trỗi dậy trong tôi. Tôi rất muốn được làm chủ cuộc sống của mình, muốn sẽ chăm sóc con, chuẩn bị mọi thứ cho con. Nhưng nói với chồng, anh gạt đi, bảo sống ở đây ổn mà. Anh nhất định không chịu ra riêng, còn bảo tôi trở chứng.

Ở nhà chồng thì tôi chẳng được quyết định cái gì hết. Ai đời, tôi mang thai mà mẹ chồng là người chọn bệnh viện cho tôi khám thai, chọn bác sĩ theo dõi. Mẹ chồng quyết định cả việc trang trí phòng cho bé sơ sinh ra sao, mua sắm cho cháu những đồ đạc gì. Chồng tôi vô tư “tận hưởng” tất cả những chăm sóc đó và chẳng hề có tí ti gì sự chuẩn bị cho bổn phận làm bố của mình. Anh đi làm, về nhà, ăn uống, tắm rửa, xong ôm laptop chơi game. Thỉnh thoảng thì xem đá banh, đi chơi với bạn bè.

Tôi bực bội và trở nên ngang bướng. Cái gì tôi cũng muốn làm trái ý mẹ chồng, không phải do thật sự bất đồng ý kiến mà chẳng qua để cố chứng minh rằng: “Con khác mẹ! Hãy để cho con quyết định! Con cần cuộc sống của con!” Nhưng cả nhà chồng thì hùa vào bảo mẹ đúng, những chọn lựa của mẹ là tốt nhất cho em bé, rằng tôi còn thiếu kinh nghiệm, non nớt quá. Ức chế, tôi chỉ còn biết gọi điện thoại khóc với mẹ ruột. Những lúc ấy, mẹ tôi chỉ biết thở dài, bảo thôi con cố nhịn chứ bây giờ muộn rồi, chẳng thay đổi gì được, tạm thời phải qua giai đoạn này đã.

Ngay cả đến lúc sinh, cái tên cho con ruột của mình tôi cũng không được đặt. Tôi đặt xong, chồng tôi hỏi ý kiến bố mẹ chồng và các chị em chồng, mọi người chọn tên khác. Thế là chồng tôi hùa theo, bảo tên ấy đẹp hơn. Anh là người đi làm giấy khai sinh cho con và tôi dù có bực bội thế nào cũng đành thôi, chẳng làm sao cãi được.

Trầm cảm vì có con, cộng thêm dồn nén ngày càng nhiều, tôi sinh ra cáu bẳn, gây gổ với chồng, mặt mày nhăn nhó và chẳng chịu nói chuyện với ai trong nhà. Tôi nhốt mình trong phòng. Mẹ tôi lên thăm thì bị mẹ chồng tôi “méc” đủ các chuyện khác nhau. Mẹ tôi chỉ biết xin lỗi, còn tôi chỉ muốn hét toáng lên rằng con muốn có cuộc sống vợ chồng giống người ta.

mâu thuẫn với mẹ chồng

Ảnh minh họa

Mật độ những trận cãi nhau của tôi với chồng ngày một nhiều hơn. Tôi đòi ôm con về quê thì anh không chịu. Mọi chuyện cứ rối tung lên. Tôi khóc liên tục, trầm cảm và mất sữa. Mẹ chồng liền nói với mẹ ruột tôi là cho tôi về quê ở một thời gian để “trấn tĩnh” lại, còn cháu cứ để gia đình bên nội trông nom.

Tôi không chịu. Nhưng biết làm sao bây giờ? Chẳng biết bà nội chăm sóc và làm thế nào mà con tôi cứ để bà ẵm thì nó nín khóc, im, ngủ ngoan, ăn ngoan, còn đưa sang tôi thì nó khóc ngằn ngặt. Mẹ chồng và bác sĩ nói gì đó với mẹ tôi, mà cuối cùng mẹ tôi đành ưng thuận, đón tôi về nhà và để cháu ở lại. Mẹ tôi khuyên tôi: “Bác sĩ nói sức khỏe con không tốt, đang bị trầm cảm sau sinh. Con về nhà nghỉ ngơi vài tuần rồi lại về thôi. Đưa em bé về cùng vừa đi xa không tiện, lại thêm con không thể nghỉ ngơi, cứ mòng mòng với bé mãi thì không khỏi được!”

Bao giờ tôi mới có được một mái ấm của mình?

Ba tháng điều trị trầm cảm của tôi trôi qua, tôi trấn tĩnh lại dần, bớt nghĩ quẩn nhưng sự chán chường, mệt mỏi thì vẫn còn. Mẹ chồng về quê đón tôi lên lại nhà chồng. Tôi lên và mọi thứ lặp lại như cũ. Tôi dần nhận ra con càng lúc càng “xa” mình. Muốn ly hôn để ẵm con đi thì không dễ, vì ba mẹ tôi không đồng ý, ai cũng khuyên tôi, bảo rằng làm mẹ đơn thân là một điều rất khó khăn, tôi phải nghĩ cho tương lai của con mình. Rồi thì mọi người cố phân tích, khuyên răn. Mẹ chồng tôi thì vẫn tỏ ra rất yêu thương tôi trước mặt mọi người. Bà làm bằng cách nào đó khiến ai nấy đều nghĩ chẳng qua tôi trẻ người non dạ, chỉ thích “bốc đồng”, bị trầm cảm hay cạn nghĩ mà thôi.

mâu thuẫn với mẹ chồng

Ảnh minh họa

Một mình nuôi con thì quá sức của tôi, khi mà toàn bộ nữ trang cưới mẹ chồng cất giữ, tiền bạc một đồng tôi cũng không có trong người. Còn tiếp tục thì…!

> Có nên chỉ sinh con theo ý muốn của chồng

Chị ruột tôi bảo tôi cố nhịn một thời gian, rồi cũng đến lúc chồng muốn ra riêng thôi. Nhưng “một thời gian” là bao lâu? Tôi không biết. Năm năm sau ngày cưới, đến giờ con tôi đã học mẫu giáo, nó vẫn chỉ quấn quýt với bà nội và tất cả mọi thứ đều chỉ “nội, nội”. Chồng tôi thì ngày một thờ ơ. Anh vẫn hài lòng và thoải mái với cuộc sống của mình, trong ngôi nhà của mình. Chỉ có tôi, tôi như con chim mắc kẹt trong lồng. Giờ mà đòi ly hôn, thì với những “thế lực” của nhà chồng, có chắc tôi giành được quyền nuôi con không, khi con đã trên 2 tuổi và tôi không có chỗ ở ổn định, không có tiền bạc để đảm bảo cuộc sống cho con?

Người ngoài nhìn vào luôn bảo tôi sướng vì cái gì cũng có, nhưng những lúc ấy, tôi chỉ biết cười buồn. Tôi đâu có cần nhà cao cửa rộng. Một căn phòng thuê ở trọ cũng được, chỉ cần vợ chồng đồng lòng, chăm chỉ làm ăn, dành dụm nuôi con, dành dụm để mơ đến lúc có một mái ấm của riêng mình. Cái điều nghe như quá giản đơn vậy mà biết bao giờ tôi mới có?

> Vì sao người Bắc Âu có cuộc sống hạnh phúc nhất thế giới

Tags:

Bài viết liên quan