Độ tuổi thích hợp dùng xe tập đi
Hiện nay, một số bé từ 6 tháng tuổi đã được ba mẹ cho sử dụng xe tập đi với mong muốn con sẽ cứng cáp và nhanh biết đi hơn. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng ở độ tuổi này hệ xương của trẻ cón yếu, nếu trẻ ngồi xe quá sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cột sống, sụn đầu xương và các cơ của trẻ. Cụ thể, khi trẻ ngồi xe tập đi sớm ảnh hưởng đầu tiên đến cột sống. Việc chịu áp lực chèn lên cột sống, có nguy cơ khiến trẻ bị gù, cong vẹo cột sống. Hơn nữa, các cơ của trẻ đang yếu chưa thể chống đỡ với sức nặng.. Bên cạnh đó, trẻ sẽ có dáng đi vòng kiềng, một chân thẳng, một chân cong, bàn chân bẹt.
Thời điểm an toàn để bé sử dụng xe tập đi là từ 10 -18 tháng, ba mẹ không nên cho con sử dụng xe tập đi sớm theo khuyến cáo của các nhà khoa học. Nếu con bạn ngồi chưa vững, hai chân chưa chấm đều xuống mặt đất thì không nên tập xe vì như vậy rất có thể làm chân của bé phát triển không đều hoặc ảnh hưởng đến tướng đi của bé sau này. Nếu trẻ chưa muốn tập đi thì cũng không nên ép, để trẻ vận động trong khả năng của mình.
Chọn loại xe phù hợp với trẻ
Hiện nay, thị trường xe tập đi dành cho trẻ khá phong phú và đa dạng: Xe tập đi vòng tròn, xe tập đi thông minh và xe tập đi gỗ với giá thành dao động từ 200.000đ – 5.000.000đ/chiếc.
Mẹ&Con sẽ phân tích một số ưu nhược điểm của ba loại xe này để các mẹ có thêm thông tin bổ ích trong việc lựa chọn cho con một chiếc xe tập đi phù hợp:
-Xe tập đi vòng tròn: Đây là loại xe được phụ huynh chọn mua nhiều vì giá thành rẻ, tầm 200.000đ – 400.00đ/chiếc. Xe giống như một chiếc cũi bảo vệ bé, nhờ có sự hỗ trợ của các bánh xe nên khi bé ngồi vào trong thì có thể dễ dàng dùng chân đẩy xe đi, ba mẹ lại ít trông coi.
Tuy nhiên, loại xe vòng tròn này nếu lạm dụng có thể gây ra một số ảnh hưởng không tốt. Bé chỉ cần cần tiếp xúc đất bằng 5 đầu ngón chân là có thể di chuyển nhẹ nhàng. Do đó, bé không có định hướng rõ ràng về bước đi, việc vịn vào thành xe tạo nên sự ỷ lại, phụ thuộc vào xe, dẫn đến bé chậm biết đi hơn. Nếu phụ huynh quá lạm dụngsẽ có thể ảnh hưởng đến dáng đi của trẻ về sau.
– Xe tập đi bằng gỗ: Giá chỉ khoảng 300.000đ – 400.000đ/xe, thường có hình dạng chữ L, có bốn bánh xe bên ngoài được bọc bằng dây cao su để hãm bớt tốc độ. Giữa bánh trước và bánh sau có trang trí các con vật ngỗ nghĩnh, khi bé đẩy xe đi những thanh gỗ hình con vật sẽ gõ xuống và phát ra tiếng kêu lộc cộc.
Ưu điểm của xe tập đi bằng gỗ là có thể gấp gọn, hình thức đẹp, sử dụng chất liệu bằng gỗ an toàn với sức khỏe của bé. Chất liệu gỗ nhẹ, các cạnh được bo tròn nên không làm bé bị đau. Các bánh có đệm cao su nên chạy êm, không bị trơn trượt. Điểm trừ của loại xe này là bé dễ bị trượt tay khỏi thanh cầm, hoặc bị ngã sấp khi chạy nhanh, nên cha mẹ cần theo sát bé khi bé tập đi bằng chiếc xe này.
– Xe tập đi thông minh: Chất liệu xe làm bằng nhựa tổng hợp, nhẹ và màu sắc sặc sỡ, có kèm theo nhiều đồ chơi hình khối và có thể phát ra nhạc. Về cơ bản, chiếc xe này được thiết kế với một tay cầm vòng tròn có các đường vân để bé không bị trượt tay. Xe có thể chuyển từ chế độ đẩy sang kéo dễ dàng, nên đây có thể vừa là xe để bé tập đi, vừa trở thành món đồ chơi thú vị của bé. Giá của loại xe tập đi này khá cao, từ 900.000đ – 2.000.000đ/xe.
Sử dụng sao cho an toàn?
Nhiều nghiên cứu cho rằng xe tập đi không được khuyến khích dùng ở trẻ tập đi vì có thể làm cho cơ chân của bé không phát triển hoàn toàn vì bé thường ngồi trên miếng lót đỡ khung chậu và dùng các đầu ngón chân để đẩy xe đi. Như vậy, trẻ không có cơ hội để hai bàn chân đứng chịu sức, cơ hội cho hai đầu gối co duỗi kiểu bước đi cũng không xảy ra. Thói quen này sẽ theo trẻ ngay cả khi bỏ xe ra. Chính vì đi bằng 5 đầu ngón chân nên trẻ sẽ không tự giữ được thăng bằng như những trẻ tập đi bình thường và tất nhiên sẽ chậm biết đi hơn trẻ không dùng xe.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, nếu có nhu cầu sử dụng xe tập đi, các bậc phụ huynh nên mua chiếc xe càng ít bánh càng tốt và các bánh xe phải có khóa để bảo đảm an toàn cho trẻ. Tuy nhiên, phương pháp giúp con đi đứng tốt nhất là cha mẹ hỗ trợ và để trẻ tự trải nghiệm các vận động tự nhiên như rướn người lên, bò, trèo…
Các chuyên gia cũng khuyên các bậc cha mẹ có con nhỏ không nên ỷ lại vào xe tập đi. Thay vào đó, chỉ cho trẻ vào xe tập đi thời gian ngắn, khi trẻ đã chập chững biết đi nên tạo cơ hội cho trẻ có những hoạt động bò, vịn đứng lên…
Nếu bạn có ý định cho trẻ dùng xe tập đi thì chỉ nên sử dụng trong thời gian ngắn, nên tạo cơ hội cho trẻ có những hoạt động bò, vịn và đứng lên…
Bên cạnh đó, bạn phải luôn để mắt đến con, đừng bỏ trẻ một mình nhằm tránh những tình huống nguy hiểm xảy ra. Nên làm cửa chặn ở các đầu cầu thang, bậc tam cấp vì bánh xe tập đi trơn dễ đẩy trẻ đi xa khó kiểm soát làm trẻ dễ bị té và chấn thương.
Ngoài ra, tuyệt đối không cho trẻ lại gần bếp, vật dụng nóng khi trẻ ngồi trên xe tập đi. Không để trẻ ở gần nhà vệ sinh, hồ nước, thùng nước hoặc bất kỳ nguồn nước. Thận trọng với những vật dụng sắc nhọn, dây điện.
Khi dùng xe tập đi, nếu thấy con có xu hướng nhoài người và đầu về phía trước mà tay chưa đủ sức đỡ cơ thể thì tốt nhất bạn hãy đợi thêm một thời gian nữa khi trẻ cứng cáp hơn hãy cho tập ngồi.
Theo các bác sĩ, khi trẻ tập đi thường có xu hướng cúi đầu xuống, người đổ nhiều về phía trước chính vì vậy các bậc phụ huynh cần dành nhiều thời gian uốn nắn và chỉnh dáng đi cho trẻ giữ cho đầu thẳng, hai vai cân đối, ngực ưỡn ra trước… Đây là giai đoạn đầu tiên cũng là một trong những bước quan trọng nhất tránh cho trẻ bị gù hay cong vẹo cột sống sau này.
Nhiều nước trên thế giới như Canada đã cấm sử dụng hoàn toàn các loại xe tập đi. Còn tại Mỹ, dù không có lệnh cấm, nhưng các nhà sản xuất bị buộc phải tìm kiếm những thiết kế ngày càng an toàn hơn và tại những bệnh viện nhi đồng, biểu tượng xe tập đi luôn bị gạch bỏ bằng một dấu chéo đỏ.
Chú ý yếu tố an toàn
Bên cạnh mẫu mã, giá cả, phụ huynh nên chú ý đến các yếu tố an toàn vì xe tập đi cũng là mặt hàng thuộc danh mục đồ chơi trẻ em nên dù là loại nào thì cũng phải đạt các yêu cầu về cơ lý, chống cháy, giới hạn mức thôi nhiễm của một số nguyên tố độc hại, giới hạn về hợp chất hữu cơ độc hại theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em (QCVN:2009/BKHCN).
Vì vậy, khi mua xe nên chú ý đến các chi tiết của xe như: Khe hở có quá lớn hay quá nhỏ không, vì trẻ có thể cho tay vào dẫn đến kẹp tay; hay các đầu đinh, ốc, vật sắc cạnh của xe có được bao bọc kỹ lưỡng không để tránh gây thương tích cho trẻ; phanh thắng có đảm bảo an toàn…
Phân tích ở khía cạnh y học về mối nguy hiểm đối với trẻ, thì do xe tập đi thường được thiết kế có nhiều bánh nên dễ dàng chuyển động xoay hoặc tăng tốc, trong khi đứa trẻ 6 – 7 tháng tuổi không đủ sức để kiểm soát. Đứa trẻ càng ở lâu trong một chiếc xe tập đi sẽ càng làm gia tăng khả năng trẻ gặp tai nạn.