Theo Viện Nghiên cứu nông học quốc gia Pháp, uống nửa lít nước cam mỗi ngày có thể cải thiện áp lực máu và tái hoạt động của mạch máu (khả năng giãn nở). Chúng ta chỉ nhớ đến hàm lượng vitamin C trong cam chứ ít biết rằng cam chứa một số các thành phần tổng hợp khác có ích cho sức khỏe. Trên thực tế, hàm lượng vitamin C chỉ chiếm khoảng 15-20% trên tổng số các chất kháng oxy hóa trong trái cây này, trong khi những hợp chất khác lại có khả năng chống oxy hóa cao hơn gấp 6 lần so với vitamin C: Hesperidin từ flavanoid, có nhiều trong lớp vỏ xơ trắng, màng bao múi cam và một ít trong tép và hạt cam, có khả năng giảm cholesterol xấu (LDL) và tăng cholesterol tốt (HDL).
Cam được xem là một “đồng minh” giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch, viêm nhiễm và cả ung thư, ngoài những tính năng mà người ta nhận biết qua những nghiên cứu từ trước đến nay như củng cố hệ miễn nhiễm, chống cảm cúm, giảm tỷ lệ cholesterol xấu, chống viêm, ức chế các tế bào ung thư, xoa dịu các cơn đau ruột, dạ dày, gan và thúc đẩy nhanh quá trình liền sẹo.
Cam cũng chứa rutin (vitamin P), thành phần giúp mạch máu khỏe hơn; vitamin nhóm B, dưỡng chất không thể thiếu cho hệ thần kinh, các khoáng chất và chất xơ (hòa tan và không hòa tan)
Khi uống nước cam đều đặn, chúng ta – đặc biệt là trẻ nhỏ – có thể tận hưởng những dưỡng chất từ loại trái cây chua này (ít calori, giàu vitamin) và có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ phát triển các bệnh tim mạch ở tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, người ta cũng lưu ý rằng cam nguyên trái, chín cây và sạch có chứa nhiều hesperidin hơn, vì qua quá trình vắt ép, thành phần này dễ dàng bị thất thoát.
Thành phần từ cam được sử dụng rất phong phú từ lá, hoa, vỏ cây và trái đều có thể dùng để hãm thành nước uống có vị đắng nhẹ và hương cam đặc trưng. Nước hãm lá cam có thể giúp hạ hỏa, đặc biệt khi mất ngủ, xoa dịu rối loạn chức năng lưu thông máu.