Mẹ&Con – Trong giai đoạn phục hồi sau sinh, mẹ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe như: chảy máu vết thương, táo bón, tức ngực, đau vùng kín… Nếu không được khắc phục và điều trị sớm có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Dưới đây là 8 vấn đề sức khỏe hay gặp phải trong giai đoạn phục hồi sau sinh cần được lưu ý.
Bạn có thể không có kinh nguyệt
Đa số phụ nữ sau sinh thường không có chu kỳ kinh nguyệt trong 6 tuần đầu sau sinh mà chỉ bắt đầu có lại chu kỳ kinh nguyệt sau 6 – 8 tuần. Nếu bạn cho con bú thì chu kỳ kinh nguyệt có thể đến muộn hơn sau vài tháng hoặc thậm chí là 1 năm.
Sau khi có kinh nguyệt trở lại, bạn có thể thấy nhiều khác biệt như chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc kéo dài, kinh nguyệt ra nhiều hơn và những cơn khó chịu ngày đèn đỏ nghiêm trọng hơn.
Bạn có thể bị đau bụng
Trong giai đoạn phục hồi sau sinh, bạn có thể bị đau bụng do tử cung co bóp để dần thu nhỏ kích cỡ như trước khi có thai. Thậm chí, việc cho con bú cũng có thể kích thích tử cung co bóp nên bạn thường bị đau bụng khi đang cho con bú. Nếu sinh mổ, bạn còn có thể bị đau bụng do vết mổ, và thời gian đau sẽ kéo dài hơn so với sinh thường.
Bạn có thể bị đau vùng kín
Kể cả khi quá trình sinh nở diễn ra rất thuận lợi thì phụ nữ sau sinh vẫn sẽ bị đau vùng giữa âm đạo và hậu môn. Những phụ nữ bị rách tầng sinh môn trong khi sinh hoặc bị rạch tầng sinh môn thì vùng kín sẽ rất đau thời gian đầu sau sinh vì đây là một khu vực rất nhạy cảm.
Để giảm bớt đau đớn, bạn có thể ngồi lên gối hoặc đệm thật êm, tắm nước ấm hoặc chườm mát để giảm đau và giảm sưng.
Bạn có thể đau ngực và đầu ti
Nuôi con bằng sữa mẹ rất tốt cho cả bạn và bé, nhưng đôi khi, điều này không hề dễ dàng. Bạn có thể cảm thấy ngực đau tức và buốt khi cho con bú.
Nếu bạn gặp khó khăn trong việc cho con bú, có thể nhờ sự tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa để tìm tư thế bú phù hợp, tránh gây đau nhé.
Bạn có thể bị táo bón sau sinh
Trong thời gian phục hồi sau sinh, táo bón cũng là một vấn đề sức khỏe nhiều chị em gặp phải, đặc biệt là đối với những sản phụ dùng thuốc giảm đau hoặc gây mê ở bệnh viện. Nhiều trường hợp phụ nữ sau sinh lo sợ bị đau khi đi đại tiện nên có xu hướng nhịn và dễ dẫn tới táo bón.
Để ngăn ngừa và giảm táo bón sau sinh, bạn nên uống thật nhiều nước, ăn nhiều hoa quả, rau xanh và các loại thực phẩm nhuận tràng, giàu chất xơ. Vận động nhẹ nhàng và thường xuyên theo chỉ dẫn của bác sĩ cũng giúp tình trạng táo bón được cải thiện. Nếu tình trạng táo bón kéo dài, bạn cần đi khám để điều trị kịp thời.
Bạn sẽ buồn chán và trầm cảm
Đây là tình trạng rất nhiều chị em mắc phải sau sinh do sự tác động của nhiều yếu tố như: hormone, stress, mệt mỏi… Hội chứng này thường kéo dài vài tuần đầu sau sinh. Tuy nhiên nếu tình trạng mệt mỏi, stress kéo dài hơn 4 tuần và ngày càng nghiêm trọng thì bạn nên đi gặp chuyên gia tâm lý.
Chứng trầm cảm sau sinh có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và khiến phụ nữ sau sinh bị ảo giác cũng như có ý định làm hại bản thân và con cái.
Quá trình giảm cân rất lâu
Bạn sẽ khó có thể lấy lại vóc dáng ngay sau sinh mà phải mất thời gian giảm cân từ từ thông qua chế độ ăn uống và tập luyện hợp lý. Bạn không nên vì lo lắng mà ăn kiêng hay luyện tập quá đà vì bạn cần rất nhiều sức lực và calo để chăm em bé. Một số người bị tích nước sau sinh nên bị phù chân và tay nhưng trong quá trình phục hồi sau sinh, hiện tượng này sẽ mất dần.
Giảm ham muốn tình dục
Đa số phụ nữ sau sinh sẽ bị giảm ham muốn tình dục do sự suy giảm hàm lượng hormone estrogen và việc cho con bú cũng khiến ham muốn trở lại chậm hơn.
Ngoài ra, phụ nữ sau sinh được khuyến cáo không nên quan hệ vợ chồng trong 6 tuần đầu sau sinh để quá trình phục hồi sau sinh diễn ra tự nhiên và ngăn ngừa nhiễm trùng. Sau 6 tuần, vợ chồng có thể gần gũi chăn gối nhưng phải nhẹ nhàng và thận trọng để không làm đau, chảy máu các vết thương (sinh mổ).