Mẹ và Con - Tình trạng cháy nhà thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chúng ta không tránh khỏi đau lòng khi những cơn hỏa hoạn khiến không ít gia đình mất trắng tài sản và đặc biệt, mất mát về người thân là điều không thể nào bù đắp. Vậy thực sự, nguyên nhân cháy nhà là gì? Làm sao phòng ngừa hỏa hoạn và cần làm gì khi có đám cháy?

Một trong những tai họa kinh hoàng mà bất kỳ gia đình nào cũng không muốn gặp phải là cháy nhà. Không chỉ gây ra thiệt hại về tài sản, cháy nhà còn ảnh hưởng đến tính mạng con người. Để phòng tránh hiểm họa này, chúng ta cần hiểu rõ về những nguyên nhân cháy nhà phổ biến cũng như cách phòng tránh phù hợp.

Các nguyên nhân cháy nhà phổ biến

Có nhiều nguyên nhân gây cháy nhà. Trong đó, được chia làm 2 nhóm nguyên nhân chính là: đám cháy bắt nguồn từ các vật dụng gây cháy hoặc cháy do các phản ứng hóa học gây cháy. Cụ thể hơn, những nguyên nhân cháy nhà thường gặp nhất bao gồm:

Cháy liên quan đến nấu nướng

Nguyên nhân cháy nhà liên quan đến nấu nướng thường xuất phát từ sự bất cẩn hoặc thiếu kỹ thuật khi chế biến thực phẩm. Dầu nấu ăn khi được đun nóng ở nhiệt độ cao có thể tự bốc cháy, và ngọn lửa này có khả năng lan rộng nhanh chóng nếu có vật liệu dễ cháy xung quanh.

Hoặc đôi khi, chảo quá nóng có thể làm cháy thực phẩm và tạo ra ngọn lửa. Thêm vào đó, nếu không vệ sinh lò nướng thường xuyên, mỡ và dầu còn sót lại từ các lần nướng trước có thể gây ra cháy.

Và một nguyên nhân cháy nhà phổ biến do nấu nướng đó chính là quên tắt bếp lửa sau khi nấu hoặc không canh bếp trong quá trình nấu ăn. Các dụng cụ nấu ăn bằng điện như bếp điện, lò vi sóng, nồi chiên không dầu,… cũng có thể bị chập điện và gây cháy.

nguyên nhân cháy nhà chung cư

Cháy gây ra bởi các đồ tạo nhiệt

Đồ tạo nhiệt như ấm đun nước, lò vi sóng, bếp điện, và máy sấy tóc,… đều hoạt động dựa trên nguyên lý tạo nhiệt để thực hiện chức năng của chúng. Tuy nhiên, nếu chúng bị hỏng, không được sử dụng đúng cách hoặc được đặt gần vật liệu dễ cháy như giấy, vải, hoặc gỗ, có thể gây ra cháy.

Ví dụ như máy sấy tóc nếu để quên mà không tắt sau khi sử dụng hoặc để trên giường có thể gây cháy. Lò vi sóng cũng có thể gây cháy nếu dùng để hâm nóng thực phẩm quá lâu hoặc dùng để nướng vật liệu không phù hợp. Nguyên nhân cháy nhà do các món đồ tạo nhiệt cũng vô cùng phổ biến và được xếp vào nhóm các nguyên nhân cháy nhà thường gặp nhất tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác.

Cháy do điện

Cháy do điện thường xuất phát từ một số vấn đề khác nhau, chẳng hạn như:

  • Ngắn mạch: Khi hai dây điện tiếp xúc với nhau hoặc với vật liệu dẫn điện khác như nước, có thể gây ra hiện tượng ngắn mạch và tạo ra lửa.
  • Quá tải: Khi một mạch điện chịu tải lớn hơn khả năng cho phép, dẫn đến dây nóng chảy và có khả năng gây cháy. Nguyên nhân cháy nhà này thường xảy ra khi có quá nhiều thiết bị được cắm vào một ổ cắm hoặc dùng dây kéo dài không đúng cách.
  • Thiết bị điện hỏng: Các thiết bị điện cũ hoặc bị hỏng có thể gây cháy, đặc biệt nếu chúng bị lỏng lẻo, rách hoặc nếu phích cắm không kết nối chặt với ổ cắm.
  • Đường dây điện bị hỏng: Chuột và các loài gặm nhấm khác có thể cắn vào dây điện, gây hỏng vỏ bọc và tạo ra nguy cơ ngắn mạch – một nguyên nhân cháy nhà cũng vô cùng phổ biến.

nguyên nhân cháy nhà phổ biến

Cháy do đốt nến và diêm

Nến và diêm đều là nguyên nhân cháy nhà thường gặp. Nếu nến được đặt gần vật liệu dễ cháy như rèm, sách, hoặc quần áo, ngọn lửa có thể dễ dàng lan đi khắp mọi nơi. Hơn nữa, việc để nến cháy không giám sát hoặc để diêm chưa cháy hết rơi xuống bề mặt dễ cháy cũng có thể gây ra cháy.

Cháy do hút thuốc

Theo Sở Y tế Hà Nội, Việt Nam nằm trong 15 quốc gia có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Tại Hà Nội, năm 2022, tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có sử dụng thuốc lá là 19,1%. Bộ Y tế cũng cho biết, số người hút thuốc lá tại Việt Nam ước tính vào năm 2020 là khoảng 15,4 triệu người. Đây là những con số vô cùng khủng khiếp và cũng là một trong những nguyên nhân cháy nhà thường gặp.

Việc hút thuốc trong nhà không chỉ độc hại vì khói thuốc mà còn có nguy cơ gây ra cháy. Đôi khi, người hút thuốc có thể thiếu cảnh giác và để quên điếu thuốc chưa tắt trên sofa, giường, hoặc gần vật liệu dễ cháy khác. Thuốc lá chưa dập tắt hoàn toàn có thể gây ra cháy chậm, và lửa có thể bùng phát mà không có dấu hiệu trước đó.

Cháy do hóa chất

Một số hóa chất gia dụng hoặc công nghiệp khi tiếp xúc với không khí hoặc với nhau có thể phản ứng và tạo ra lửa. Ví dụ, dầu mỡ, xăng dầu hoặc các hóa chất tự bốc cháy có thể gây ra cháy khi được lưu trữ và bảo quản không đúng cách. Chỉ một sự bất cẩn hoặc sơ suất nhỏ khi cất và bảo quản các loại hóa chất này trong gia đình cũng có thể dẫn đến các đám cháy lớn.

Cây thông Noel

Mỗi mùa giáng sinh, cây thông Noel trở thành “tâm điểm” của không gian sống trong gia đình, nhưng nếu không được chăm sóc đúng cách, nó có thể trở thành nguyên nhân gây cháy. Cây thông Noel khô rất dễ bắt lửa, đặc biệt khi tiếp xúc với nguồn nhiệt như đèn trang trí hoặc nến.

Phòng cháy chữa cháy đúng cách – bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho gia đình

Cách phòng ngừa cháy nổ trong gia đình

Việc phòng ngừa cháy nổ trong gia đình đòi hỏi sự nhận thức và cẩn trọng từ mỗi thành viên trong gia đình. Dưới đây là một số biện pháp cơ bản giúp bảo vệ gia đình bạn khỏi nguy cơ cháy nổ:

  • Kiểm tra hệ thống điện: Đảm bảo rằng tất cả dây điện và ổ cắm đều không bị hỏng, chảy nước hoặc bị hở mạch, đứt. Không sử dụng nhiều thiết bị cùng một lúc trên cùng một ổ cắm cũng như tránh kéo dây điện qua dưới thảm hoặc đặt chúng ở nơi dễ bị chèn dưới các vật dụng khác cũng sẽ giúp bạn hạn chế được nguyên nhân cháy nhà do chập điện.
  • Cẩn thận với thiết bị tạo nhiệt: Khi nấu ăn, luôn quan sát sát bếp và tắt bếp sau khi sử dụng. Ngoài ra, cần chú ý đặt các thiết bị tạo nhiệt như bếp lò, máy sấy, ấm đun nước ở nơi an toàn, cách xa vật liệu dễ cháy. Luôn làm sạch bếp và bếp lò sau khi sử dụng để loại bỏ dầu mỡ và thực phẩm dư thừa.
  • Sử dụng và lưu trữ hóa chất cẩn thận: Luôn giữ hóa chất ở nơi khô ráo, mát mẻ và xa tầm tay trẻ em. Không trộn các hóa chất mà bạn không rõ là có thể phản ứng với nhau hay không.
  • Hạn chế sử dụng nến và diêm: Khi sử dụng nến, đặt nến trên bề mặt không cháy và cách xa vật liệu dễ cháy. Luôn tắt nến trước khi đi ngủ hoặc ra khỏi nhà. Chú ý dập tắt diêm trước khi vứt đi.
  • Đặt và kiểm tra các thiết bị báo cháy thường xuyên: Lắp đặt máy báo cháy ở mỗi tầng và gần khu vực ngủ. Bên cạnh đó, nên kiểm tra các thiết bị báo cháy định kỳ để đảm bảo thiết bị hoạt động tốt. Và một lưu ý quan trọng chính là các thành viên trong gia đình cần học cách sử dụng bình chữa cháy và đặt bình chữa cháy ở nơi dễ tiếp cận. Bạn có thể đặt một bình chữa cháy nhỏ ở bếp – nơi có nguy cơ hỏa hoạn cao trong nhà.
  • Hạn chế hút thuốc trong nhà: Nếu bạn hút thuốc, hãy đảm bảo rằng bạn đã dập tắt hoàn toàn điếu thuốc trước khi vứt bỏ. Ngoài ra, chú ý gạt tàn thuốc đúng chỗ, dùng vật đựng gạt tàn thuốc có cách nhiệt.
  • Để các vật dụng gây cháy ra khỏi tầm tay trẻ em: Không nên để các vật dụng dễ gây cháy như diêm, bật lửa, xăng,… ở gần tầm tay của trẻ.
  • Xây dựng các lối thoát hiểm: Mỗi gia đình đều nên xây dựng các lối thoát hiểm bên cạnh cửa chính để dễ dàng thoát ra khỏi đám cháy. Ngoài ra, nên chuẩn bị thêm các vật dụng hỗ trợ cho việc thoát hiểm, chẳng hạn như thang (nhà cao tầng, nhà ở chung cư),…
  • Không để trẻ ở nhà một mình: Trẻ ở nhà một mình có thể tò mò với các vật dụng điện hoặc vật dụng dễ cháy nổ – nguyên nhân cháy nhà phổ biến. Trẻ cũng không biết cách xử lý tình huống nếu có đám cháy xảy ra. Vì thế, không nên để trẻ ở nhà một mình.
  • Cẩn thận với cây thông Noel: Chọn cây thông tươi và giữ cây thông luôn ẩm. Tránh đặt gần nguồn nhiệt và tắt đèn trang trí khi đi ngủ hoặc ra khỏi nhà.

Phòng cháy chữa cháy đúng cách

Làm gì khi có hỏa hoạn?

Khi phát hiện cháy nhà, mức độ ưu tiên hàng đầu là an toàn cho mọi người. Dưới đây là những bước cần thực hiện khi bạn phát hiện có cháy trong gia đình:

  • Báo động ngay lập tức: Hô to để cảnh báo cho mọi người trong nhà biết. Gọi điện thoại khẩn cấp 114 để thông báo về vụ cháy.
  • Không cố gắng dập tắt cháy nếu nó quá lớn: Nếu cháy nhỏ và bạn biết cách sử dụng bình chữa cháy, bạn có thể cố gắng dập tắt đám cháy. Tuy nhiên, nếu đám cháy lớn và lan rộng, đừng cố gắng dập tắt lửa mà hãy tập trung di tản ra khỏi ngôi nhà.
  • Di tản khỏi ngôi nhà ngay lập tức: Sử dụng lối thoát hiểm gần nhất. Hãy tránh sử dụng thang máy. Khi có cháy, hãy cúi xuống và bò ra khỏi nơi cháy để tránh hít phải khói. Khói có thể gây ngạt và mất ý thức nhanh chóng. Nếu có thể, dùng vải ướt để che mũi và miệng, giảm nguy cơ hít và ngộ độc khí CO.
  • Đóng cửa sau khi bạn ra khỏi một phòng hoặc ngôi nhà: Điều này có thể giúp giảm tốc độ lan truyền của lửa.
  • Không quay trở lại ngôi nhà dưới mọi hoàn cảnh: Một khi bạn đã ra khỏi ngôi nhà, không bao giờ quay lại vì mọi thứ đều có thể thay đổi nhanh chóng trong tình huống cháy.
  • Tập trung ở điểm hẹn đã định trước: Đảm bảo mọi người trong gia đình đều biết đến điểm hẹn an toàn ngoài nhà và tập trung ở đó sau khi di tản. Điểm này giúp kiểm tra xem tất cả mọi người đã an toàn ra khỏi ngôi nhà hay chưa.
  • Nếu bị mắc kẹt: Ở lại nơi an toàn, che kín khe cửa bằng khăn ướt để ngăn khói xâm nhập. Hãy gọi điện thoại khẩn cấp (nếu có thể) và thông báo vị trí của bạn. Hãy đập cửa sổ và hô to để thu hút sự chú ý từ người khác hoặc đội cứu hỏa.

làm gì khi có đám cháy

Có nên nhảy xuống nếu nhà cao tầng có đám cháy?

Nhiều người cho rằng, khi nhà cao tầng có đám cháy thì việc nhảy xuống sẽ là phương án thoát khỏi đám cháy nhanh nhất. Tuy nhiên, nhảy xuống sẽ làm tăng nguy cơ đa chấn thương dẫn tới mất mạng. Vì thế, những người ở nhà cao tầng, chung cư khi bị đám cháy chặn mất lối thoát hiểm có thể cân nhắc việc cầu cứu bằng cách vẫy một miếng vải hoặc dùng đèn pin để thu hút sự chú ý. Trong thời gian đó, các thành viên khác trong gia đình có thể tìm thang dây thoát hiểm hoặc cột quần áo thành một đoạn dây dài để trèo xuống. Xử lý càng nhanh càng tốt.

Đối mặt với mối lo sợ về nguy cơ cháy nổ trong cuộc sống hàng ngày, mỗi gia đình đều cần phải trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để đề phòng. Tìm hiểu nguyên nhân cháy nhà không chỉ giúp chúng ta biết cách hành động khi có hiểm họa, mà còn giúp phòng ngừa từ ngay từ bước đầu.

Bài viết liên quan