Mẹ và Con - Đôi khi cảm thấy nóng là điều bình thường, nhưng nếu bạn luôn cảm thấy nóng, có thể có một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nào đó khiến cơ thể bạn không thể tự làm mát đúng cách.

Thỉnh thoảng cảm thấy nóng là điều bình thường. Các yếu tố môi trường và lối sống khác nhau có thể dẫn đến sự biến động về nhiệt độ cơ thể, tạm thời tạo ra nhiều nhiệt hơn trong cơ thể. Nhưng, nếu bạn luôn cảm thấy nóng, đó có thể là dấu hiệu của những vấn đề sức khỏe mà bạn không nên xem thường.

Nguyên nhân bạn luôn cảm thấy nóng là gì?

Bệnh tiểu đường

Insulin là một loại hormone mà cơ thể bạn tạo ra để chuyển đổi glucose (đường) từ thực phẩm bạn ăn thành năng lượng. Khi bạn mắc bệnh tiểu đường, cơ thể bạn không sản xuất đủ insulin hoặc không phản ứng chính xác với insulin. Bởi vì insulin không biến glucose thành năng lượng nên lượng glucose trong máu của bạn sẽ tăng lên.

Mức đường huyết tăng lên này có thể tạo ra các biến chứng theo thời gian. Bệnh tiểu đường có thể làm hỏng mạch máu và dây thần kinh của bạn và ảnh hưởng đến tuyến mồ hôi của bạn, khiến cơ thể bạn khó có thể tự làm mát một cách hiệu quả.

Bạn có thể cảm thấy nóng hơn khi bạn mắc bệnh tiểu đường, dù cho đó là tiểu đường loại 1 hay loại 2. Bệnh tiểu đường loại 1 là khi tuyến tụy của bạn không sản xuất đủ hoặc không có insulin. Bệnh tiểu đường loại 2 là khi các tế bào của bạn không phản ứng chính xác với insulin.

nguyên nhân luôn cảm thấy nóng

Chứng Anhidrosis

Chứng Anhidrosis là tình trạn cơ thể không đổ mồ hôi như bình thường. Có thể có một số lý do khiến cơ thể bạn không thể đổ mồ hôi, bao gồm tổn thương thần kinh, ống dẫn mồ hôi bị tắc, tổn thương da và mất nước.

Mồ hôi giúp cơ thể bạn tự làm mát bằng cách loại bỏ lượng nhiệt dư thừa mà quá trình trao đổi chất và cơ bắp tạo ra. Vì điều này, bạn tránh được tình trạng quá nóng. Nhưng nếu không tiết ra mồ hôi, cơ thể bạn không thể tự làm mát đúng cách. Do đó, những người mắc chứng Anhidrosis có thể chịu nhiệt kém hơn và luôn cảm thấy nóng, mệt mỏi, buồn ngủ.

Bệnh cường giáp

Nếu bạn bị cường giáp, tuyến giáp của bạn sẽ hoạt động quá mức. Nói cách khác, tuyến giáp ở phía trước cổ của bạn đang tạo ra nhiều hormone tuyến giáp hơn nhu cầu của cơ thể. Bệnh Graves, một tình trạng tự miễn dịch, là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh cường giáp. Các nguyên nhân khác bao gồm sự phát triển của tuyến giáp, viêm tuyến giáp và ăn quá nhiều iốt.

Một trong những triệu chứng của bệnh cường giáp là luôn cảm thấy nóng. Cơ thể của bạn luôn cảm thấy nóng bức và khó chịu. Ngoài ra, các triệu chứng khác bao gồm mệt mỏi, yếu cơ và run tay.

Thai kỳ

Có ba lý do khiến phụ nữ mang thai có thể cảm thấy nóng hơn. Đầu tiên, bạn có thể trở nên nhạy cảm hơn với nhiệt do những thay đổi tự nhiên trong quá trình điều chỉnh nhiệt độ (khả năng cơ thể kiểm soát và điều chỉnh nhiệt độ) khi mang thai.

phụ nữ mang thai luôn cảm thấy nóng

Thứ hai, cân nặng bạn tăng lên khi mang thai làm giảm tỷ lệ giữa diện tích bề mặt cơ thể và khối lượng cơ thể. Điều này khiến phụ nữ mang thai khó điều chỉnh sự phân bổ nhiệt bên trong hơn. Và lý do cuối cùng chính là bào thai đang phát triển có thể tạo ra nhiệt trong cơ thể, điều này có thể dẫn đến sự gia tăng nhiệt độ cơ thể của phụ nữ đang mang thai.

Mãn kinh

Mãn kinh là khi kinh nguyệt của một người dừng lại vĩnh viễn. Sau khi mãn kinh, các hormone như estrogen và progesterone giảm xuống mức thấp. Tình trạng estrogen xuống rất thấp có thể gây ra các triệu chứng như bốc hỏa – cảm giác nóng đột ngột ở các vùng trên cơ thể như mặt, ngực và cổ.

Ngoài việc luôn cảm thấy nóng, giai đoạn mãn kinh, chị em phụ nữ cũng dễ bị đổ mồ hôi. Tình trạng đổ mồ hôi diễn ra thành từng đợt, kéo dài trung bình khoảng 5 phút.

Những cơn bốc hỏa có thể đến và đi trong sáu tháng đến vài năm. Tùy theo cơ thể của từng người mà bạn có thể cảm thấy những cơn bốc hỏa này có “tấn công” mình liên tục hay không. Thông thường, tình trạng luôn cảm thấy nóng và bốc hỏa này có thể diễn ra cả ngày và đêm, khiến bạn rơi vào tình trạng khó ngủ, ngủ chập chờn không sâu giấc.

luôn cảm thấy nóng do mãn kinh

Sốt

Sốt là khi nhiệt độ cơ thể bạn tăng cao hơn mức bình thường. Sốt thường là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang cố gắng chống lại nhiễm trùng. Nhưng bạn cũng có thể bị sốt do phản ứng với thuốc, một số bệnh ung thư, một số bệnh tự miễn hoặc một số loại vắc xin,…

Khi bị sốt, bạn có thể cảm thấy khó thở, bị phát ban da, tiêu chảy, mệt mỏi, đau đầu,… Ngoài ra, bạn có thể cảm thấy lạnh dù chạm vào cơ thể thấy nóng hoặc ngược lại, tức bạn sẽ cảm thấy nóng dù cho chạm vào da thấy mát lạnh. Nếu tình trạng sốt kéo dài trên 48 tiếng không thuyên giảm dù đã dùng thuốc hạ sốt hoặc nếu sốt có kèm theo các triệu chứng nguy hiểm khác, chẳng hạn như đau cứng cổ, động kinh, lú lẫn,… thì nên đến bệnh viện để được thăm khám sớm.

Một số loại thuốc

Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh nhiệt độ hợp lý của cơ thể. Do đó, dùng thuốc có thể làm tăng mức độ nhạy cảm của bạn với nhiệt. Việc luôn cảm thấy nóng do sử dụng thuốc sẽ phổ biến hơn ở người cao tuổi trên 65 tuổi.

Thuốc kháng cholinergic là một nhóm thuốc phổ biến với tác dụng phụ khiến người bệnh cảm thấy nóng bức. Thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn hoạt động của một chất tự nhiên (acetylcholine) trong cơ thể, có thể giúp điều trị rối loạn hô hấp, bệnh Parkinson, bệnh tim mạch và các tình trạng sức khỏe khác.

Ngoài ra, thuốc tiết serotonin cũng có thể khiến bạn luôn cảm thấy nóng. Serotonergic là thuốc ảnh hưởng đến serotonin, một loại hormone điều chỉnh tâm trạng của bạn. Ví dụ về thuốc serotonergic bao gồm thuốc chống trầm cảm và thuốc chống loạn thần.

Bên cạnh đó còn có nhiều nhóm thuốc khác như thuốc huyết áp, thuốc kháng sinh, thuốc lợi tiểu, thuốc chống động kinh, thuốc gây mê…

Làm gì khi luôn cảm thấy nóng? Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn luôn cảm thấy nóng một cách bất thường, có một số cách bạn có thể hạ nhiệt và cảm thấy thoải mái hơn. Nếu một tình trạng sức khỏe nào đó khiến bạn bị nóng, việc kiểm soát vấn đề có thể giúp bạn giải quyết được tình trạng nóng bức của mình. Đôi khi, bạn cần phải dùng thuốc để cải thiện các vấn đề sức khỏe mà mình đang gặp phải, chẳng hạn như dùng thuốc để hạ sốt.

luôn cảm thấy nóng

Ngoài ra, bạn có thể thực hiện một số thay đổi trong lối sống để cố gắng ngăn ngừa việc luôn cảm thấy nóng, đặc biệt là khi bạn không thể sớm thay đổi tình trạng này. Chẳng hạn như phụ nữ mang thai có thể mặc quần áo thoáng mát, lựa chọn quần áo có chất liệu thấm hút mồ hôi tốt, tránh ra ngoài vào buổi trưa nắng, uống nhiều nước, không ăn thức ăn cay nóng, ngủ đủ giấc,…

Nếu bạn nhận thấy sự thay đổi về tần suất bạn cảm thấy nóng, hoặc bạn luôn cảm thấy nóng trong một khoảng thời gian dài đến mức ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn, nên đến bệnh viện để được thăm khám sớm. Ngoài ra, nên đến bệnh viện nếu sốt kéo dài hoặc có những triệu chứng do tình trạng cơ thể không thể tự điều chỉnh nhiệt, chẳng hạn như nhịp tim đập nhanh và không đều, bị chóng mặt, đau ngực, buồn nôn,…

Một số lý do khiến bạn luôn cảm thấy nóng bao gồm tiểu đường, cường giáp, mãn kinh, mang thai, sốt và giảm tiết mồ hôi. Một số loại thuốc cũng có thể khiến bạn cảm thấy nóng hơn. Việc luôn cảm thấy nóng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của bạn. Do đó, nên sớm thăm khám nếu cảm thấy tình trạng cảm thấy nóng này diễn ra kéo dài bạn nhé!

Bài viết liên quan