Vitamin A là một chất dinh dưỡng thiết yếu đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì thị lực, làn da và chức năng miễn dịch khỏe mạnh. Việc thiếu vitamin A sẽ dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe. Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu những dấu hiệu thiếu vitamin A để biết khi nào cần bổ sung thêm loại vitamin này bạn nhé!
Vitamin A là gì?
Vitamin A là một loại vitamin tan trong chất béo, có vai trò đối với sức khỏe thị lực, sự phát triển của xương, sinh sản, chức năng tế bào và hệ thống miễn dịch.
Vitamin A chủ yếu được tìm thấy ở hai dạng trong chế độ ăn uống: vitamin A được tạo thành trước (có trong các sản phẩm động vật) và provitamin A (tiền chất của vitamin A có trong thực phẩm thực vật). Dạng provitamin A phổ biến nhất là beta carotene, một chất chống oxy hóa giúp trung hòa các gốc tự do có hại trong cơ thể.
Đối với nam giới từ 19 tuổi trở lên, lượng vitamin A được khuyến nghị trong chế độ ăn uống (RDA) là 900 microgam tương đương hoạt động của võng mạc (mcg RAE) mỗi ngày và đối với nữ từ 19 tuổi trở lên là 700 mcg RAE.
Những dấu hiệu thiếu vitamin A giúp bạn nhận biết tình trạng sức khỏe của mình
Da khô
Vitamin A đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của da. Loại vitamin này giúp tạo ra các tế bào da mới và sửa chữa các tế bào da bị tổn thương. Không chỉ vậy, vitamin A còn có công dụng giúp chống viêm da. Thiếu vitamin A có thể gây ra bệnh chàm và các vấn đề về da khác.
Nếu bạn bị thiếu vitamin A, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh chàm cao hơn, từ đó khiến da bạn dễ bị khô, ngứa và sưng viêm hơn. Vì thế, nếu da liên tục khô dù đã cấp ẩm và dưỡng ẩm đầy đủ thì đây có thể là dấu hiệu thiếu vitamin A.
Dễ nhiễm trùng hơn
Thiếu vitamin A làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến bạn dễ bị nhiễm trùng hơn. Có một số nghiên cứu cho thấy trẻ dùng 10.000 IU vitamin A mỗi tuần ít bị nhiễm trùng đường hô hấp hơn.
Vết thương lâu lành
Một dấu hiệu thiếu vitamin A khác mà bạn có thể gặp phải chính là những vết thương trên cơ thể của bạn khó lành hơn. Vitamin A đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chữa lành vết thương bằng cách thúc đẩy tăng trưởng tế bào, hình thành collagen và sửa chữa mô. Nếu không có đủ vitamin A, khả năng chữa lành vết thương hiệu quả của cơ thể sẽ bị suy giảm, dẫn đến quá trình lành vết thương diễn ra chậm hơn.
Dễ bị mụn hơn
Vì tác dụng của vitamin A hỗ trợ sự phát triển của da và giảm viêm nên loại vitamin này còn có khả năng hỗ trợ ngăn ngừa hoặc điều trị mụn trứng cá. Các dẫn xuất của vitamin A như retinoid thường được sử dụng trong điều trị mụn trứng cá do khả năng điều chỉnh quá trình thay đổi tế bào da và giảm viêm.
Tăng trưởng chậm
Dấu hiệu thiếu vitamin A ở trẻ em rất dễ nhận biết chính là phát triển chậm. Vitamin A rất quan trọng đối với các khía cạnh khác nhau của sự tăng trưởng và phát triển, bao gồm sự phát triển của xương, chức năng miễn dịch và sức khỏe tế bào tổng thể.
Việc hấp thụ không đủ Vitamin A có thể làm suy yếu các quá trình này, dẫn đến chậm phát triển, đặc biệt là ở trẻ em. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng bổ sung vitamin A có thể cải thiện sự tăng trưởng ở trẻ một cách đáng kể.
Quáng gà
Quáng gà là dấu hiệu thiếu vitamin A rất dễ nhận biết. Vitamin A rất cần thiết cho việc sản xuất rhodopsin, một sắc tố trong mắt giúp cải thiện thị lực trong điều kiện ánh sáng yếu. Khi thiếu hụt Vitamin A, việc sản xuất rhodopsin bị suy giảm, dẫn đến khó nhìn trong điều kiện ánh sáng yếu, chẳng hạn như vào ban đêm.
Khô mắt
Các biến chứng về mắt thường liên quan đến dấu hiệu thiếu vitamin A. Thiếu hụt nghiêm trọng loại vitamin này có thể dẫn đến mù hoàn toàn hoặc phát triển các đốm Bitot, những dấu hiệu đặc biệt trên giác mạc cho thấy sức khỏe của mắt đang suy giảm. Khô mắt hoặc không có khả năng tiết nước mắt là một trong những dấu hiệu đầu tiên của tình trạng thiếu vitamin A.
Làm cách nào để bổ sung vitamin A?
Bạn có thể tăng lượng vitamin A bằng cách tiêu thụ thực phẩm giàu chất dinh dưỡng có thành phần chứa vitamin A. Những loại thực phẩm giàu vitamin A phổ biến mà bạn có thể lựa chọn gồm có:
- Thịt nội tạng: Thịt nội tạng, chẳng hạn như gan heo, là nguồn cung cấp vitamin A tuyệt vời. Ngoài vitamin A, gan còn là nguồn cung cấp protein và sắt rất tốt. Tuy nhiên, cần lưu ý gan cũng chứa nhiều chất béo bão hòa, bạn chỉ nên ăn gan với một lượng vừa phải.
- Trứng: Trứng là nguồn cung cấp protein hoàn chỉnh tuyệt vời và cũng là nguồn cung cấp vitamin A mà bạn không nên bỏ qua. Mỗi quả trứng lớn có 75 mcg RAE, hoặc 7% DV (nhu cầu hằng ngày của cơ thể).
- Cá: Nhiều loại cá béo cũng chứa nhiều vitamin A, bao gồm cá thu, cá hồi và cá trích. Bạn cũng có thể tìm thấy nhiều vitamin A trong dầu cá tuyết. Ngoài vitamin A, cá còn là nguồn protein, axit béo omega-3 và vitamin D.
- Sản phẩm sữa: Bạn có thể tìm thấy vitamin A trong nhiều sản phẩm từ sữa, chẳng hạn như bơ, sữa chua, phô mai,… Tuy nhiên, các sản phẩm từ sữa cũng có thể chứa nhiều chất béo bão hòa, vì vậy tốt nhất bạn nên chọn các sản phẩm từ sữa không béo hoặc ít béo nếu bạn có lượng cholesterol cao.
- Các loại đậu: Các loại đậu không chỉ giúp bổ sung protein mà còn là một nguồn cung cấp vitamin A cần thiết đối với sức khỏe tổng thể.
- Trái cây: Trái cây là một phần quan trọng của chế độ ăn uống cân bằng vì trái cây có chất xơ và vitamin. Các loại trái cây màu cam và vàng là nguồn cung cấp beta-carotene dồi dào, một chất chống oxy hóa và là tiền thân của vitamin A. Đặc biệt, dưa đỏ và xoài rất giàu vitamin A.
- Rau củ: Các loại rau có màu cam và vàng cũng như các loại rau lá sẫm màu đều chứa nhiều vitamin A, chẳng hạn như khoai lang, rau bina, cà rốt sống, ớt chuông đỏ,…
Ngoài ra, bạn cũng có thể uống bổ sung vitamin A. Tuy nhiên nên tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng bổ sung để có thể bổ sung hàm lượng phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình bạn nhé!
Nhìn chung, thiếu vitamin A có thể gây ra nhiều triệu chứng nhưng có thể phòng ngừa và điều trị được. Điều quan trọng là xác định các dấu hiệu thiếu vitamin A để có thể kịp thời lựa chọn thực phẩm bổ sung vitamin cũng như các loại viên uống giúp cải thiện vấn đề từ giai đoạn sớm.